Thứ Hai, 08/07/2013 14:05

Hậu Vĩnh Hưng và hệ lụy tiếp tới

Sau điểm khởi đầu cho những gì phải kết thúc hậu trào lưu sốt nóng vô tội vạ bất động sản ở Việt Nam, một “danh sách tử thần” nào đó, nếu có, sẽ không phải là quá bí mật đối với dư luận.

Điểm khởi đầu

Vụ bắt Chủ tịch Công ty kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, đau xót thay, có lẽ mới chỉ là điểm khởi đầu cho những gì phải kết thúc hậu trào lưu sốt nóng vô tội vạ bất động sản ở Việt Nam.

Một chuyên gia độc lập và là người không có thói quen mô phỏng lý thuyết - ông Nguyễn Văn Đực, giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành tại TPHCM, đã ngay lập tức cho rằng vụ Vĩnh Hưng mới chỉ là sự bắt đầu đổ vỡ của thị trường bất động sản.

Cầm cự ròng rã từ tháng 4/2012 đến nay, cho tới giờ nhiều chủ đầu tư đã bộc lộ những dấu hiệu kiệt sức. Nhóm Sông Đà ở Hà Nội, Quốc Cường Gia Lai (QCG) ở TPHCM, và có thể cả Hoàng Anh Gia Lai (HAG) nữa…, tất cả như đang tiến vào ngõ cụt. Thậm chí thông tin mới nhất còn cho biết bầu Đức phải chấp nhận chia tay với các dự án thủy điện, từng một thời là hoài bão của ông.

Tháng 4 năm ngoái, cho dù tình thế đã trở nên khó khăn nhiều cho giới kinh doanh bất động sản và ngân hàng, nhưng vẫn còn một “lá bùa”. Đó chính là quyết định của Ngân hàng nhà nước chấp thuận cho các ngân hàng thương mại cổ phần “tái cơ cấu nợ”, mà về thực chất là chuyển một số khoản nợ xấu vào nhóm nợ đỡ xấu hơn. Văn bản này đã gúp cho khoảng 250,000 tỷ đồng được giảm bớt nguy cơ nợ xấu, cũng khiến cho các ngân hàng không còn phải quá tận tâm tận lực truy đòi thuế từ các doanh nghiệp vốn đã gần như không có khả năng trả nợ.

Song thời gian lao nhanh qua một năm, tình hình vẫn không có gì chuyển biến lạc quan hơn. Vẫn là số nợ cũ nguyên vẹn, nhưng lại cộng thêm khoảng 22,000 tỷ đồng nợ xấu. Trong 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ nợ xấu được báo cáo đã tăng đến 36%, phản ánh hiện trạng trầm kha đến thế nào của các chủ nợ và con nợ.

Vào năm ngoài, Sông Đà là một trương hợp “tiêu biểu” cho sự thất bại về kinh doanh và lỗ lã. Tình thế khốn khó như vậy đã khiến cho mã cổ phiếu SJS của tập đoàn này có nguy cơ bị loại khỏi rổ niêm yết.

Còn vào năm nay, trong khi sông Đà vẫn chưa tự cải thiện được hình ảnh của mình, đến lượt những doanh nghiệp khổng lồ khác như Vinaconex và tập đoàn Tân Tạo (ITA) lâm vào cơn ác mộng. Chính người từng được xem là đại gia - ông Đặng Thành Tâm - cũng phải tán thán rằng “sống được đã là may lắm rồi!”.

Trong khi đó, tất cả những gì được xem là cơ chế chính sách và giải pháp cho thị trường bất động sản, được triển khai từ các cơ quan nhà nước liên quan như Ngân hàng nhà nước, Bộ Xây dựng và hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, lại chậm chạp đến mức khó chấp nhận.

Vẫn trì trệ

Cho tới nay, sau hơn một tháng triển khai gói kích thích 30,000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, mọi thứ dường như vẫn giậm chân tại chỗ đối với khối khách hàng cá nhân. Người ta cũng đang tự hỏi là vì sao trước khi tung ra gói kích thích này, mục tiêu đặt ra lại có vẻ “thánh thiện” đến thế. Nhưng sau đó, hầu như chỉ có các doanh nghiệp mới vay được vốn để triển khai những công trình trùm mền lâu ngày của họ, trong khi chẳng có mấy người dân tiếp cận được nguồn vốn lãi suất 6%.

Cứ cho là nguồn tiền chảy vào doanh nghiệp sẽ giúp cho nhiều công trình tái khởi động, gây lại men sống cho họ. Thế nhưng thực tế vẫn đang ngồn ngộn khi nguồn cung cấp tập mà cầu chẳng thấy đâu.

Sức mua xã hội nói chung và đối với thị trường bất động sản nói riêng đang là một vấn đề quá nan giải. Kích thích doanh nghiệp mà không kích động được thị trường thì sẽ chẳng có mấy hy vọng để giải quyết, dù một phần nhỏ, hàng tồn kho.

Hàng tồn kho lại vẫn đang chất cao như núi. Những thống kê về căn hộ tồn đọng ờ Hà Nội và TPHCM đang cho thấy nguồn cung căn hộ cao cấp là lớn nhất hiện thời, và đương nhiên cũng sẽ cao nhất trong thời gian ít nhất hai năm tới. Tỷ lệ tiêu thụ căn hộ cao cấp và trung cấp trong hai quý đầu của năm 2013 lại hạn hẹp một cách đáng kinh ngạc, thậm chí còn thấp hơn cả mức tiêu thụ bình quân của năm 2012.

Tình thế trên đang diễn ra một cách khó cưỡng lại được, bất chấp rất nhiều chiêu và cả trò khuyến mãi, chiêu dụ khác hàng, từ lãi suất thấp đến những khoản thưởng…, cộng thêm việc mặt bằng giá căn hộ vẫn dần được kéo giảm.

Tuy nhiên, bi kịch nhất vẫn là thị trường nhà ở Hà Nội, nơi vừa xảy ra vụ bắt giam Chủ tịch Công ty nhà Vĩnh Hưng. Cho dù giá nhà đã được các chủ đầu tư kéo xuống, nhưng nhiều đánh giá vẫn cho rằng mặt bằng giá nơi đây vẫn còn khá cao so với thu nhập bình quân đầu người của người dân Hà thành. Còn nếu tính theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc, cho tới nay mặt bằng giá nhà ở tại Việt Nam vẫn cao gấp 25 lần thu nhập bình quân đầu người.

Trong khi đó, tất cả những gì được thị trường quan tâm trong thời gian qua chỉ là phân khúc căn hộ giá thấp. Một tỷ lệ nho nhỏ căn hộ và đất nền giá rẻ đã được tiêu thụ chỉ bởi những khách hàng có nhu cầu sử dụng chứ không phải theo quy luật giá trị của giới đầu cơ.

Domino?

Câu hỏi đang được rốt ráo đặt ra là sau vụ Vĩnh Hưng, liệu có xảy ra những cú đổ vỡ nào khác? Và liệu có xảy ra một làn sóng dây chuyền đổ vỡ liên quan đến nhiều doanh nghiệp bất động sản, tất yếu kéo theo một số nhà băng liên quan về nợ vay?

Kinh nghiệm Thái Lan năm 1997 đã cho thấy rõ: ứng với cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực xảy ra rất nhanh chóng và bất ngờ, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản Thái đã không kịp trở tay và lao vào vòng phá sản. Khi đó, tỷ lệ nợ xấu bất động sản ở quốc gia này đã tăng vọt lên 50%, trong khi trước khi xảy ra khủng hoảng đã chỉ được cơ quan ngân hàng trung ương ước tính có 5%. Những vụ bắt giữ chủ doanh nghiệp do không trả được nợ cũng vì thế đã diễn ra liên tục.

Dĩ nhiên với nhiều chủ đầu tư bất động sản ở Việt Nam, đây là một thời buổi kinh hoàng, thời buổi mà họ chỉ “mong một ngày nào đó không nợ nần”.

Vào năm 2011, báo chí bắt đầu đề cập những câu chuyện về đại gia chứng khoán phải tự tử hoặc nhập viện tâm thần vì thiếu nợ hoặc phá sản. Còn đến năm 2012, câu chuyện tương tự được tiếp nối với một số đại gia bất động sản. Hiện tượng xã hội đặc thù này đang như khuấy động một cơn khủng hoảng sắp tới ở Việt Nam.

Còn giờ đây, hiện tượng đang trở thành bản chất khi khó có thể kiềm giữ những gì sẽ phải lan tỏa. Một “danh sách tử thần” nào đó, nếu có, sẽ không phải là quá bí mật đối với dư luận.

Việt Thắng

Infonet

Các tin tức khác

>   Chiêu trò làm 'sốt' địa ốc của doanh nghiệp (08/07/2013)

>   TS. Alan Phan: Bất động sản càng tồn kho, người dân càng thêm lợi (08/07/2013)

>   Vì sao hơn 400 khách hàng Dự án LIDECO chưa nhận nhà? (08/07/2013)

>   Nhà ‘đẹp’ lay lắt bán, nhà ‘nát’ giá gần nghìn tỉ (08/07/2013)

>   “Cháy hàng” dự án Phố chợ Điện Ngọc do Đất Xanh mở bán (08/07/2013)

>   Canh bạc cuối với BĐS: Bỏ chạy hay đổ thêm tiền (08/07/2013)

>   Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Sẽ tiếp tục ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài (07/07/2013)

>   Nhà 14 triệu, chênh giá 4 triệu đồng một mét vuông (07/07/2013)

>   Bỏ sản xuất theo BĐS: Hứng một lúc nợ cả đời (07/07/2013)

>   Hà Nội lý giải việc tạm thu tiền sử dụng đất (06/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật