Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Sẽ tiếp tục ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời vấn đề về thu hút đầu tư nước ngoài trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời.
Thu hút, tận dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một sách lược quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tượng một loạt dự án quy mô lớn bị thu hồi giấy phép cộng với sự chững lại của luồng vốn FDI đang khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có phải sức cạnh tranh của Việt Nam đang yếu đi trong hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài?
Ngoài ra lĩnh vực này cũng còn có băn khoăn khác như: Liệu các chủ đầu tư có phải bồi thường gì không khi đã làm mất cơ hội thu hút đầu tư của nhiều địa phương và đặc biệt là đã khiến cho cuộc sống của hàng chục ngàn hộ gia đình bị đảo lộn? Những vấn đề này sẽ được chuyển tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư với phần trả lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời.
PV: Thưa Bộ trưởng, cho đến nay Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam nhưng nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản tuyên bố mở rộng cơ sở sản xuất tại Thái Lan, Malaysia. Con số nữa đáng phải lưu ý là hiện Nhật Bản có tới hơn 7.000 doanh nghiệp ở Thái Lan nhưng mới có 1.500 doanh nghiệp ở Việt Nam. Những ví dụ này liệu có phải là bằng chứng cho thấy sức cạnh tranh trong thu hút FDI của nước ta đang suy giảm, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trước tiên, tôi xin cảm ơn câu hỏi có rất nhiều thông tin, gửi gắm rất nhiều trăn trở của nhiều người dân về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài này.
Đối với thị trường Thái Lan và Indonesia là đúng, bởi đây là những thị trường rất hấp dẫn trong khu vực châu Á và họ đã mở cửa trước Việt Nam rất nhiều.
Thực tế họ cũng có môi trường thu hút đầu tư nước ngoài rất cạnh tranh, cho nên nhiều năm qua các tập đoàn lớn của Nhật Bản, đặc biệt là các tập đoàn sản xuất ô tô thì việc đầu tư vào Thái Lan đứng trên Việt Nam rất nhiều.
Họ có ngành công nghiệp phụ trợ rất tốt cho nên ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan rất phát triển, trong đó có đóng góp lớn từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản.
Cho nên việc Nhật Bản có tới 7000 doanh nghiệp ở Thái Lan so với 1500 doanh nghiệp ở Việt Nam thì rất bình thường vì chúng ta mở cửa sau. Ngoài ra môi trường thu hút đầu tư của nước ta nhiều điểm chưa bằng.
Bên cạnh đó, Nhật Bản đang là nước dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam, họ đứng nhất về hỗ trợ ODA cho Việt Nam. Trong lĩnh vực đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, Nhật Bản nằm trong tốp 4 nước đứng đầu, nhưng là đứng đầu vào đầu tư cho Việt Nam chứ không phải Việt Nam là nước thu hút lớn nhất của Nhật Bản.
Cho nên, Thái Lan thu hút 7.000 doanh nghiệp có dự án lớn của Nhật Bản, trong khi Việt Nam mới có 1.500 doanh nghiệp là việc rất bình thường.
Có một giai đoạn cách đây khoảng 5-7 năm, khi các môi trường khác vẫn chưa nổi, Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn và có rất nhiều dự án, số dự án đăng ký rất lớn, nhưng cũng phải nói rằng số dự án thực hiện không phải tất cả đều tốt đẹp.
Cho nên so với năm 2011, 2012, 2013, vốn đăng ký của chúng ta nhìn chung không giảm nhiều.
Vấn đề thứ 2, phải nói rằng chúng ta phụ thuộc vào tiến bộ của người khác. Nếu chúng ta cũng tiến bộ nhưng ít hơn và đi chậm hơn thì điều đó là có thật.
Có những lĩnh vực trước đây lợi thế hơn nhưng bây giờ những lợi thế của những năm đầu tiên mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài như lao động rẻ và đông, tài nguyên môi trường rất nhiều, mới mở cửa nên ưu đãi lớn thậm chí giải phóng mặt bằng 100% cho họ đều suôn sẻ và tốt.
Trong khi những hạ tầng chúng ta cải thiện không tốt, thủ tục hành chính chưa cải thiện, môi trường chúng ta giảm xuống.
So với tiến bộ của Thái Lan và Indonesia có thể nói, chúng ta có nhiều mặt hơn nhưng cơ bản chúng ta đang thua kém về tốc độ phát triển thì đấy là sự thật.
PV: Một giảng viên của trường Đại học Kinh tế quốc dân đặt câu hỏi: Mục đích duy nhất của hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài là lợi nhuận với phương pháp cơ bản vẫn là tận dụng tài nguyên, tận dụng chính sách ưu đãi và tận dụng nhân công giá rẻ. Việt Nam đã ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài 25 năm qua và sẽ còn phát huy chính sách ưu đãi đến khi nào thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Sẽ còn ưu đãi rất dài, không ưu đãi, họ sẽ không vào vì họ tìm kiếm lợi nhuận. Bất kỳ nước nào cũng làm như vậy, không có nước nào, không ưu đãi, chỉ có điều ưu đãi như thế nào?
Giai đoạn đầu, chúng ta “trải thảm đỏ”, mở cửa, công nghệ của họ chưa cao nhưng hơn chúng ta nên vẫn chấp nhận được. Tạo ra nhiều công ăn việc làm là tốt nhưng bây giờ thì không, nhất là những ngành công nghiệp lắp ráp như làm giầy, may quần áo… nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu và giá trị gia tăng thấp. Lĩnh vực này, trước đây ưu đãi nhưng bây giờ thì không.
Chúng ta chỉ ưu đãi những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao, nghĩa là tạo ra được nhiều việc làm, tạo ra được nhiều sản phẩm và sử dụng các nguyên liệu của Việt Nam để lắp ráp hoàn chỉnh, chứ không phải nhập tất cả. Như vậy tạo ra nhiều việc làm hơn, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, tính liên hoàn tốt.
Nói cách khác, chúng ta vẫn thực hiện ưu đãi với các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chỉ có điều phải làm sao cho hợp lý và đem lại lợi ích cho đất nước, cho quốc gia và cũng tạo lợi ích cho doanh nghiệp khi đầu tư vào.
PV:Thưa Bộ trưởng, trong thời gian qua các phương tiện truyền thông đăng tải rất nhiều thông tin thu hồi dự án do để đất hoang hóa và không đảm bảo tiến độ theo đúng cam kết. Tuy nhiên, không có một chủ đầu tư nước ngoài nào phải bồi thường vì để đất hoang hóa. Trong khi để có “đất sạch” trao cho các nhà đầu tư nước ngoài, hàng ngàn hộ gia đình đã phải di dời, nhượng lại đất canh tác, đất ở làm đảo lộn đời sống gia đình?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trước hết, chúng ta mới mở cửa, nhiều địa phương muốn thu hút đầu tư và đây là tâm lý chung, trong khi thông tin về doanh nghiệp lại ít mà chúng ta lại tin vào họ.
Chúng ta mở cửa và chúng ta đón doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí có nhiều khu chúng ta đã giao mặt bằng sạch. Thế nhưng có doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm ngay cho những người bị thu hồi đất, nhưng ngược lại vẫn còn nhiều dự án do không có nguồn lực nên thực hiện chậm, thậm chí không thực hiện được. Đây là điều không mong muốn.
Đối với chế tài phạt những doanh nghiệp này, hiện nay rất khó. Tuy nhiên, các nước và Việt Nam cũng vậy, nếu chậm triển khai, có thể thu hồi dự án. Tuy nhiên, để thu hồi được dự án, nhất là những dự án đang thi công nhưng rất chậm thì có muôn vàn khó khăn. Có những lý do từ phía chủ quan của họ, nhưng cũng không ít lý do từ chính chúng ta như: Hạ tầng kém, điện nước không đủ, giải phóng mặt bằng chậm hoặc có mặt bằng nhưng họ bị ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, nguồn lực tài chính không đủ.
Hiện đã có nhiều địa phương kiên quyết thu hồi dù gặp nhiều khó khăn. Đây là việc làm để tạo nên cơ hội mới và cũng xử lý các nhà đầu tư chậm tiến độ. Do vậy sau khi tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo về định hướng về môi trường thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn và chế tài xử lý nghiêm minh hơn, trong đó chúng tôi có đưa ra giải pháp mà quốc tế thực hiện, đó là: Phân ra làm 2 loại giấy phép. Một là, về chủ trương chúng tôi đồng ý cho doanh nghiệp vào đầu tư, không thẩm định quá lâu. Tuy nhiên, chỉ cấp chứng nhận đầu tư thôi. Sau khi doanh nghiệp có tiến độ, trong đó làm 2 năm đã hoàn thành cơ bản hoặc đến độ chúng ta có thể chấp nhận được sẽ kiểm tra và cấp phép thực tế.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết, nguồn vốn FDI đem lại những hiệu quả cụ thể gì vì theo tính toán có rất nhiều khoản chi mà chúng ta đã phải bỏ ra như chi xúc tiến đầu tư, ưu đãi về thuế, ưu đãi về tài nguyên đất và đặc biệt là chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong từng dự án chúng ta có thể tính toán chi phí đầu ra, đầu vào.
Ví dụ, tôi thu hút nhà máy lọc dầu thì ngoài tổng đầu tư trong hàng rào của dự án, tôi phải đầu tư ngoài hàng rào dự án. Nhưng để làm một con đường đến dự án đó, họ mới có đường vận chuyển thiết bị, sản phẩm ra được. Tuy nhiên, con đường hình thành không chỉ làm riêng cho một mình doanh nghiệp mà dành cho rất nhiều người.
Do vậy, đối với từng dự án, chúng ta có thể tính ra mức bỏ ra và thu về. Chính từ 2 so sánh này, chính quyền địa phương và Chính phủ cho phép dự án đó được thực hiện hay không.
Đến giờ phút này, lĩnh vực đầu tư nước ngoài đang chiếm một phần rất quan trọng với Việt Nam. Đó là nguồn lực không thể thiếu, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy thoái và Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì có thể nói rằng, tỷ trọng đầu tư nước ngoài chiếm 1/4 tổng đầu tư của toàn xã hội Việt Nam.
Trong lĩnh vực xuất khẩu trên 60% lĩnh vực của FDI là xuất khẩu, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất khẩu tới 66% của kim ngạch xuất khẩu, đồng thời tạo ra 2 triệu việc làm trực tiếp và tới có thể lên đến 3 triệu.
Có thể nói đây là lĩnh vực rất quan trọng và mang đến cho chúng ta công nghệ mới, quản lý mới làm cho đổi mới cơ cấu kinh tế của Việt Nam theo hướng công nghiệp hiện đại.
Đặng Linh
VOV
|