Tạo thuận lợi thương mại còn nhiều "khoảng trống"
Tự do hóa thương mại dường như chạm ngưỡng tới hạn khi mà thuế quan đã giảm và các hạn chế số lượng đã được loại bỏ. Trong khi đó, tạo thuận lợi thương mại cho đến nay rất ít được quan tâm. Hiệu quả trong tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam còn "khoảng trống"để cải thiện.
Nhiều cơ hội tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong ngành dệt may để nâng cao giá trị gia tăng
|
Trong báo cáo “Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị, và năng lực cạnh tranh: Gợi ý chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế đưa ra ngày 4/7, các chuyên gia đến từ WB đã đưa ra nhiều nghiên cứu đánh giá về thực trạng thương mại Việt Nam và gợi ý một số chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Tăng cường tạo thuận lợi thương mại
Thương mại đang đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng tại Việt Nam đã được hỗ trợ bởi việc xóa bỏ các rào cản thương mại, cả thuế quan và phi thuế quan. Theo đó, xuất khẩu tăng trưởng nhanh, kim ngạch thương mại tính theo đầu người tăng. Xuất khẩu của Việt Nam tăng 34% trong năm 2012, 18% trong năm 2012 và gần 20% trong quý I của năm 2013.
Việt Nam cũng đã cải thiện cơ cấu xuất khẩu, giảm nguyên liệu thô, tăng hàng công nghiệp chế biến. Xuất khẩu nguyên liệu thô, bao gồm cả dầu thô, sụt giảm từ 52% trong năm 2000 xuống còn 30% năm 2010. Còn công nghiệp chế biến, chủ yếu là sản phẩm công nghệ thấp hoặc trung bình, đã tăng từ 43% lên 60% trong cùng khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa đạt được thành công trong việc đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu và chuyển dịch lên trên chuỗi giá trị toàn cầu. Khả năng Việt Nam có thể thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” cũng phụ thuộc vào khả năng xây dựng nền kinh tế cạnh tranh và hiệu quả hơn.
“Lợi thế của tự do thương mại trong việc đóng góp vào tăng trưởng thương mại đang đạt đến những giới hạn nhất định. Đây là thời điểm cần có một cách tiếp cận mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam”- Phó Thủ Tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chia sẻ trong lời nói đầu của báo cáo.
Chính vì vậy, các chuyên gia của WB đã đề xuất, cần chủ động tìm biện pháp tăng cường năng lực cạnh tranh thương mại mới. Do Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu, tạo thuận lợi thương mại đã trở thành yếu tố sống còn trong năng lực cạnh tranh xuất khẩu.
Theo ông Phạm Minh Đức- chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chìa khóa cho sự tăng trưởng tương lai chính là tăng cường khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Tạo thuận lợi thương mại là một phương thức hiệu quả để thực hiện điều này. Vì vậy, Việt Nam cần quan tâm phát triển 3 trụ cột đó là tăng cường năng lực đáp ứng của dịch vụ hạ tầng giao thông và logistic; cải thiện thủ tục pháp quy trong giao dịch thương mại qua biên giới tiến tới tự động hóa hoàn toàn các thủ tục thông quan vào năm 2014 và trụ cột thứ 3 là phải tiến hành tái cấu trúc chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu để tăng giá trị gia tăng.
...vẫn chưa được quan tâm đúng
Tuy nhiên, vấn đề tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn nhiều "khoảng trống" để cải thiện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhấn mạnh: Dự kiến tiếp sau hội thảo, Văn phòng Ủy ban Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, tiến tới xây dựng Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về thuận lợi hóa thương mại.
|
Hiện nay, vấn đề hạ tầng giao thông và dịch vụ logistic ở Việt Nam được đánh giá khá yếu kém. Theo chỉ số kết quả hoạt động logistics thương mại (LPI) của WB, Việt Nam được xếp vào một trong số 10 quốc gia có thu nhập trung bình thấp có chỉ số LPI cao nhất, nhưng xếp hạng tổng thể của Việt Nam đã không được cải thiện trong vòng 5 năm qua. Các chỉ số về tính hiệu quả hải quan, năng lực logistics và cơ sở hạ tầng của Việt Nam giảm mạnh.
Hành lang giao thông hạn chế trong kết nối các trung tâm tăng trưởng với các cửa ngõ quốc tế, chi phí vận tải cao, chất lượng dịch vụ vận tải và logistics thấp đã hạn chế sự phát triển của Việt Nam.
Vấn đề về thủ tục pháp quy trong giao dịch thương mại qua biên giới cũng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Mặc dù đã có nhiều cải cách hải quan nhưng nhiều cơ quan vẫn còn áp dụng các thủ tục lạc hậu, làm tốn kém thời gian, không rõ ràng và tạo điều kiện cho tham nhũng. Quy trình nghiệp vụ phức tạp, không nhất quán, dựa trên thủ tục thủ công và mức độ áp dụng công nghệ thông tin rất thấp.
Trụ cột thứ ba trong tạo thuận lợi thương mại là tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Theo WB, chiến lược quan trọng trong tái cơ cấu chuỗi cung ứng và tăng giá trị gia tăng là phát triển một ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn manh mún và kém phát triển. Tổ chức chuỗi cung ứng vẫn còn sơ khai với giá trị gia tăng rất thấp.
Đối với ngành dệt may, hầu hết các công ty trong ngành công nghiệp may mặc chỉ tham gia vào gia công sản xuất, với 60% trong số này là những nhà máy cung cấp hàng gia công cho chủ hàng nước ngoài. Số còn lại là các nhà sản xuất theo hợp đồng có tham gia mua nguyên vật liệu và một số lượng nhỏ hơn tham gia vào sản xuất, mua nguyên vật liệu và tìm nguồn cung ứng. Chỉ có 2% số doanh nghiệp trong ngành là công ty sản xuất thiết kế gốc. Do đó, nhiều cơ hội tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong ngành dệt may để nâng cao giá trị gia tăng.
Bà Đặng Phương Dung- Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam- chia sẻ, một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản muốn đẩy giá trị tăng thêm của sản phẩm, hoặc đưa hàm lượng công nghệ tức là đưa sản xuất từ hàng thô sơ, đơn giản sang ngành có tính công nghệ cao hơn thêm giá trị gia tăng. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu trong chuỗi cung ứng thấy rằng cần cố gắng trong chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên liệu, phụ liệu nhằm giảm thiểu tỷ lệ nhập khẩu.”.
Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam- cũng chia sẻ, trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011- 2020, Việt Nam vẫn định hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.
Vì thế, để phát triển và triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia cho tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, WB khuyến nghị thành lập Ủy ban Quốc gia về tạo thuận lợi thương mại phát triển hạ tầng và dịch vụ giao thông.
WB cũng khuyến nghị Việt Nam đơn giản hóa thủ tục pháp quy để giảm thời gian và chi phí và tăng cường độ tin cậy của thương mại qua biên giới; tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất để tạo ra giá trị và chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Thu Phương
Báo công thương
|