Canh bạc cuối với BĐS: Bỏ chạy hay đổ thêm tiền
Đã qua cái thời đầu tư bất động sản là siêu lợi nhuận. Rời bỏ cuộc chơi hay tiếp tục nhảy vào để rồi sa lầy đau đớn đang là câu hỏi lớn buộc các doanh nghiệp phải “cân não” quyết định.
Trong một thời gian dài, sự phát triển quá nóng của bất động sản dẫn đến số lượng dự án “khủng”, mà theo tính toán có thể đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở đến tận năm... 2050. Con số thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước có tới 3.665 dự án, với tổng diện tích 87.170ha, trong đó diện tích xây dựng nhà ở lên đến 32.303 ha tương đương 2,77 triệu căn nhà.
Rót hết vốn, “vắt kiệt” mình đổ tiền vào nhà đất, giờ đây, giới hạn chịu đựng của nhiều doanh nghiệp đã hết, nhất là khi bất động sản đang... bất động. Ngoài một số đang đứng trước bờ vực thẳm, một số khác lục tục thu gọn, rút chạy khỏi thị trường này để “bảo toàn năng lượng” cũng như tập trung trở về với giá trị kinh doanh cốt lõi.
Điển hình, chủ thương hiệu bình nước Sơn Hà đã có kế hoạch thoái vốn tại một số dự án bất động sản nhằm tập trung cho thị trường bán lẻ. Tập đoàn Hoa Sen từ cuối 2011 cũng nhanh nhạy quyết rút khỏi mảng kinh doanh phụ - tất nhiên có bất động sản - và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Vốn sẽ được rút hết ra khỏi 3 dự án nhà đất và 1 dự án logistics (dự án cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept).
Thừa lệnh của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang khẩn trương tiến hành thoái vốn ở các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, trong đó có việc rút hàng nghìn tỷ đồng từ các công ty bất động sản Sài Gòn - Vina, Điện lực miền Trung...
Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp - được coi là những “anh cả” trên thị trường bất động sản, cũng phải tính kế tạm “ly thân” địa ốc. Đơn cử như Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, với lợi thế là chủ đầu tư chợ đầu mối Thủ Đức, dấn mình mở rộng thêm lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, liên kết những vùng nông nghiệp, mua bán nông sản và hỗ trợ nông dân. Có khi, công ty này sắp tới còn kinh doanh cả phân bón để tạo doanh thu...
Vinaland, công ty từng có tiếng trên thị trường bất động sản TP.HCM, cũng đang tìm cách thích nghi với hướng kinh doanh mới khi mạnh dạn chuyển sang xây chợ cho thuê để tạo dòng tiền mặt và có thu nhập ổn định.
Từng nổi danh về tư vấn, môi giới bất động sản, phát triển dự án ở TP.HCM, Công ty bất động sản Phúc Đức giờ đây xoay sang nghề kinh doanh hoa kiểng và cây công trình để chờ thời.
Nhưng cũng có doanh nghiệp thấy chết... vẫn còn ham. Không ít công ty đang nhăm nhăm nhòm ngó và vẫn đổ tiền vào bất động sản. Liệu bài học vỡ mộng từ đầu tư đầu tư ngoài ngành có giúp tỉnh ngộ, hay doanh nghiệp vẫn bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng trong khủng hoảng có cơ hội và nhờ cách đi riêng, sáng tạo - điều không hề dễ trong bối cảnh hiện nay?
Không thể không nhắc tới dự án nhà ở thương mại và tái định cư của CTCP Lắp máy tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội đang trình UBND thành phố phê duyệt. Cũng đang xếp hàng chờ được phê duyệt, không thể không nhắc tới dự án nhà ở để bán tại số 29, ngõ 218 Lĩnh Nam (Hoàng Mai) rộng hơn 3.500m2 của Công ty CP Chế biến sản phẩm chăn nuôi Hà Nội.
Hay một công ty khác làm về du lịch vừa thỏa thuận với một công ty của Bộ Quốc phòng trình thu hồi 1.007m2 đất tại 341 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) để xây trung tâm thương mại.
CTCP tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình cũng tái khởi động lại dự án Hattoco sau khi được một công ty đồng ý hợp tác đầu tư triển khai dự án. Với 500 tỷ đồng được công ty này đồng ý rót vào, dự án đang thi công tiếp sau 1 năm tạm dừng.
Chưa biết những dự án trên có thực sự hiệu quả, song, rõ ràng là sau thời gian dài trầm lắng, giới doanh nghiệp phát triển địa ốc phải thừa nhận: đã qua rồi thời cứ đầu tư bất động sản là thu siêu lợi nhuận. Rời bỏ cuộc chơi hay tiếp tục nhảy vào để rồi sa lầy đau đớn đang là câu hỏi lớn buộc các doanh nghiệp phải “cân não” quyết định.
Duy Anh
diễn đàn kinh tế Việt Nam
|