Ì ạch gói 30.000 tỷ đồng
Gói 30.000 tỷ đồng đã có hiệu lực hơn 1 tháng, thế nhưng đến nay dù có tiền và cả khung pháp lý, việc triển khai trên thực tế lại là câu chuyện khác…
Chưa dự án nào được duyệt
Ngày 1-7, ngay sau khi Báo SGGP đăng bài “Chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: Công ty 584 được “ưu ái”?”, một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM khẳng định: việc công bố danh sách doanh nghiệp đăng ký chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là chuyện của Bộ Xây dựng, còn Công ty 584 công bố thông tin lên sàn chứng khoán chuyển bao nhiêu dự án sang nhà ở xã hội, dự kiến lời bao nhiêu là việc của chủ đầu tư.
Các em thiếu nhi tại khu nhà ở xã hội tại quận 12.
|
Sở Xây dựng đã trình UBNDTP hồ sơ của 3 dự án chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, riêng Công ty 584 có một dự án, đó là dự án Khu căn hộ thu nhập thấp và tái định cư 584, tại số 348 Trịnh Đình Trọng, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú. Khu đất của Công ty 584 có diện tích hơn 4.500m², gồm 2 khối chung cư với 418 căn hộ, hiện trạng xây dựng dở dang và ngưng đã lâu, khối thứ nhất xây tới tầng 15, khối còn lại xây tới tầng 9, chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, đề xuất giá bán 12,5 triệu đồng/m² (làm tròn số), đã có 5% thuế giá trị gia tăng (VAT).
Sau khi tiếp nhận hồ sơ của chủ đầu tư, Sở Xây dựng đã họp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND quận Tân Phú. Kết quả các cơ quan đã đồng ý cho chuyển dự án này sang nhà ở xã hội. Ngày 11-6-2013, sở đã trình hồ sơ này lên UBNDTP. Ngày 4-7-2013, một lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định: UBNDTP vẫn chưa duyệt một dự án nào.
Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng, việc phê duyệt dự án chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục của Thông tư 02 do Bộ Xây dựng ban hành. Do đó, chỉ công bố đơn thuần mà không có xét duyệt theo đúng quy trình thì hồ sơ dự án sẽ không được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng. Mặt khác, khó khẳng định lời lỗ từ dự án thương mại chuyển sang nhà ở xã hội. Bởi dự án đó tùy thuộc hoàn toàn vào người mua, nếu xây lên nhưng khách hàng không mua coi như bị ế, trường hợp xét duyệt chỉ xảy ra khi hồ sơ mua nhiều hơn số căn hộ.
Có chệch hướng?
Tại TPHCM, ngay khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng có hiệu lực, Công ty cổ phần Địa ốc Khang Gia đã công bố việc mở bán căn hộ dự án Khang Gia - Tân Hương. Chủ đầu tư hy vọng sẽ “giải phóng” dự án nhờ đáp ứng các điều kiện vay vốn vì diện tích dưới 70m², giá bán dưới 15 triệu đồng/m². Cuối tháng 6, một khách hàng của dự án được Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Tây Sài Gòn, chấp thuận hồ sơ cho vay theo gói 30.000 tỷ đồng. Vợ chồng khách hàng công tác tại Đại học Quốc gia TPHCM, mua căn hộ 69m², trả trước 40%. Theo thống nhất hai bên, BIDV sẽ giải ngân phần còn lại sau khi chủ căn hộ đóng đủ tiền 40% và nhận nhà.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc BIDV - chi nhánh Tây Sài Gòn, cho biết Bộ Xây dựng vừa có công văn hướng dẫn về việc xác nhận đối tượng cho vay đã tháo gỡ hàng loạt vướng mắc. Theo ông Nghĩa, tính đến thời điểm này đã có văn bản chấp thuận trên 10 trường hợp vay mua nhà, tuần tới sẽ giải ngân trực tiếp cho khách hàng mua căn hộ tại Khang Gia - Tân Hương.
Như vậy, có thể khẳng định, tại TPHCM, BIDV là ngân hàng đầu tiên giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, dự án Khang Gia - Tân Hương là dự án chung cư thương mại đầu tiên được vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất của gói 30.000 tỷ đồng.
Dù được rao bán gần 3 năm qua nhưng chung cư Vạn Hưng Phát, quận 8 chỉ có mỗi móng nhà.
|
Trong khi gói 30.000 tỷ đồng ì ạch “lăn bánh” thì diễn biến thực tế phát sinh nghi ngại. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM có văn bản gửi Chính phủ, phân tích: “Từ ngày 25-5-2013 nhiều chủ đầu tư đã khởi công xây dựng mới nhiều dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội với con số hàng ngàn căn, tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, lấy từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Như vậy nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, trong lúc mục tiêu của Nghị quyết 02/NQ-CP là giải quyết hàng tồn kho, nhất là công trình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ chưa bán được hoặc đang xây dựng dở dang”.
Ngoài ra, “có ngân hàng công bố tỷ trọng phân bổ cho vay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là 60% cho doanh nghiệp và 40% cho người tiêu dùng vay trong 3 năm đầu tiên, trong lúc quy định tỷ lệ này là 70% cho người tiêu dùng và 30% cho doanh nghiệp”.
Từ thực tế này, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã đề nghị, đối với các dự án nhà ở xã hội khởi công xây dựng mới, đề nghị không cấp tín dụng từ nguồn vốn 30.000 tỷ đồng, mà nên sắp xếp nguồn vốn khác, dành nguồn tiền này cho các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 70m²/căn hộ trở xuống, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m² đang xây dựng dở dang để xử lý hàng tồn kho cũng như cho người khó khăn nhà ở được vay vốn mua nhà, đúng theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Lương Thiện
Sài gòn giải phóng
|