Bỏ sản xuất theo BĐS: Hứng một lúc nợ cả đời
Thời gian gần đây, chứng kiến sự suy sụp, chìm vào vũng bùn đen tối của không ít những DN tên tuổi khi bỏ những lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính với nhiều lợi thế để lao vào bất động sản.
VinaMegastar bỏ cơ khí chết chìm trong BĐS
Vina Megastar khởi đầu với tên gọi Công ty TNHH Thép Techmart, thành lập ngày 6/8/2001 với ngành nghề kinh doanh là sản xuất các sản phẩm cơ khí và kinh doanh sắt thép. Nói đến Vina Megastar là người ta nghĩ ngay tới một DN công nghiệp nặng với những sản phẩm cần trục hạng được sản xuất trong nước có mặt trên nhiều công trình thủy điện, nhiệt điện, cảng biển lớn... Doanh thu của Vina Megastar năm 2008 đạt 1.864 tỷ đồng, với lợi nhuận hàng chục tỷ đồng.
Năm 2008 nhận thấy thị trường bất động sản tăng trưởng nóng, có thể đem lại lợi nhuận lớn hơn làm cơ khí, nên Vina Megastar mở hướng kinh doanh mới đầu tư vào các dự án bất động sản. Sai lầm cũng bắt đầu từ đây khi chính bất động sản đã đẩy Vina Megastar rơi xuống vực thẳm.
Các dự án của Vina Megastar trong lĩnh vực bất động sản bao gồm: chung cư Megastar Xuân Đỉnh, chung cư 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cao ốc Hesco Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) và khu công nghiệp Yên Mỹ 2 (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.
Sau khi lập dự án thì các công ty con của tập đoàn này đứng ra huy động vốn, vay ngân hàng ... Số tiền huy động lên tới hàng trăm tỷ đồng, vậy nhưng đến nay các dự án nêu trên đều giống nhau ở chỗ vẫn chỉ là những bãi đất trống ngổn ngang, không lối thoát.
Nếu cứ hoạt động trong lĩnh vực cơ khí có lẽ đến giờ này Vina Megastar vẫn phát triển tốt với những sản phẩm thế mạnh của mình. Nhưng bước chân sang bất động sản thì Vina Megastar đi xuống và ngày càng lụn bại, đứng bên bờ vực thẳm. Mới đây, Chủ tịch tập đoàn này đã bị bắt tạm giam về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Mai Linh quên taxi theo BĐS: Hút chết
Cuối năm 2012, giới kinh doanh chứng kiến Mai Linh - một đại gia vận tải hành khách - bị vỡ nợ. Tình huống bi đát khiến Mai Linh tính bán hơn 1.000 xe để thu hồi về 200-300 tỷ đồng dùng để trả nợ cho các nhà đầu tư.
Cho dù đang đứng đầu trên phạm vi cả nước về thị phần dịch vụ taxi với khoảng 12.000 đầu xe nhưng Mai Linh phải khất nợ với từng trường hợp nhà đầu tư. Thê thảm tới mức, DN nổi tiếng này không thể thanh toán được những khoản nợ vài trăm triệu đồng của người góp vốn mà phải tìm cách gia hạn, mời gọi những người cho vay nhiều trở thành cổ đông trong công ty...
Dùng vốn vay ngắn hạn đầu tư dài hạn, trong đó có đầu tư vào bất động sản là nguyên nhân chính khiến Mai Linh lâm vào nợ nần mất thanh khoản. Bất động sản mà Mai Linh đầu tư nhà xưởng, trụ sở văn phòng phục vụ cho hoạt động vận tải. Tổng giá trị khoảng 1.000 tỉ đồng. Cuối cùng Mai Linh đã phải bán bớt để có nguồn tiền thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, khi thị trường bất động sản đang rơi xuống đáy, Mai Linh không thể thoái vốn ngay trong một sớm một chiều.
Sai lầm chính của Mai Linh là lan sang mảng đất đai, chứ nếu tập trung riêng vào lĩnh vực của Mai Linh thì họ vẫn phát triển vững vàng.
VPS: bán cả tàu vì thua lỗ BĐS
Theo các số liệu vừa được Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) công bố, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong năm 2012 là âm 2.036 tỷ đồng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp VSP kinh doanh thua lỗ với khoản lỗ lũy kế hơn 2.800 tỷ đồng.
Từ ngày 1/6/2012 Sàn chứng khoán Hà Nội Đầu có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với VSP do thua lỗ 3 năm liên tiếp. Như vậy, từ DN có cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng, có thời điểm giao dịch với mức giá lên đến 305.000 đồng/CP nhưng đến nay VSP hiện chỉ giao dịch ở dưới mức 2.000 đồng/CP.
Đầu tư vào bất động sản là nguyên nhân nhấn chìm DN này. Với hàng loạt các dự án khủng như xây dựng khu đô thị mới bao gồm sân golf 27 lỗ, hệ thống cao ốc văn phòng, hỗ trợ triển lãm, khách sạn năm sao, trung tâm thương mại, chưng cư cao cấp, biệt thự cao cấp và các công trình công trình công cộng khác với quy mô đầu tư 217 ha. Đầu tư dàn trải từ khu công nghiệp, khu giải trí, khu đô thị... với số vốn cần tới trên 30.000 tỉ đồng, nhưng VSP lại thiếu vốn trầm trọng. Vì thế, không riêng gì các dự án đóng tàu, xây dựng hệ thống kho mà toàn bộ các kế hoạch đầu tư của VSP vẫn đang trong tình trạng dở dang.
Thái Hòa: BĐS hại cà phê
Thương hiệu Thái Hòa nổi tiếng với tổng tài sản lên tới gân 2.000 tỷ đồng, một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực cà phê. Có thời điểm sản lượng cà phê xuất khẩu Thái Hòa chiếm tới 60% sản lượng xuất khẩu cà phê arabica cả nước sản lượng xuất khẩu cà phê arabica cả nước.
Nhưng hàng loạt các dự án trồng cà phê dàn trải trên nhiều tỉnh thành và các dự án đầu tư ngoài ngành về xây dựng, khách sạn…đã đẩy doanh nghiệp này vào khó khăn do vay quá nhiều mà không có nguồn thu đủ lớn và kịp thời để trang trải các khoản nợ đến hạn.
Suốt những tháng đầu năm 2012, Thái Hòa đã liên tục phải đàm phán với các chủ nợ là các ngân hàng nhằm chuyển các khoản nợ ngắn hạn sang dài hạn trong bối cảnh doanh nghiệp này ngấp nghé bờ vực phá sản, mất thanh khoản, không có khả năng thanh toán.
Nguyên nhân cũng xuất phát từ sự đầu tư dàn trải ra ngoài ngành như: công ty xây dựng với dự án ở Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị…Sai lầm nghiêm trọng mà Thái Hòa vấp phải là lấy vốn ngắn hạn để đầu tư vào dự án dài hạn dẫn tới mất cân đối về tài chính và số nợ ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
PVC người hùng sa lấy vì BĐS
Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang “sa lầy” vào lĩnh vực bất động sản. Tất cả các công ty con của DN này hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đều đang gặp khó khăn về tài chính.
Đơn cử trường hợp của PVC HN với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, nhưng công ty đã đầu tư vào dự án khu đô thị Nam An Khánh hơn 116 tỷ đồng song hiện vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, trong các đơn vị thành viên của PVC có tới 3 công ty (PVC ME, PVC Metal và PVC SG) đang hoạt động không hiệu quả, có nguy cơ phá sản. Nguyên nhân là do quá “chú tâm” vào lĩnh vực bất động sản.
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland), một doanh nghiệp mà PVC nắm cổ phần chi phối, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2012, cho thấy tình hình tài chính của DN này không như mong đợi. Theo đó, tính đến 30/6/2012, tổng số nợ ngắn hạn mà DN này đang “gánh” là 1.464 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, nợ dài hạn của Petroland là 312 tỷ đồng. Cộng các khoản nợ ngắn và dài hạn, Petroland đang nợ nần 1.776 tỷ đồng.
Trần Thủy
diễn đàn kinh tế Việt Nam
|