Loay hoay giảm đòn bẩy tài chính
Từ đầu năm đến nay, dù các ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay, rất nhiều DN lại… đau đầu tìm cách giảm tỷ lệ vốn vay.
Phát hành cổ phiếu để… cấn trừ nợ
Trong quá khứ, chuyện một DN xin phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, với mục đích… trả nợ không phải hiếm. Nhưng phát hành để trả nợ một cách liên tiếp, dồn dập thì có lẽ, năm 2013 đang chứng kiến một kỷ lục.
Ngày 1/3/2013, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITACO, mã ITA) công bố phát hành thành công hơn 115 triệu cổ phần cho 4 NĐT là CTCP Đại học Tân Tạo, CTCP Delta Miền Nam, CTCP Truyền thông - Giải trí và Sản xuất Media Ban Minh, Quỹ ITA Vì tương lai. Mục đích của đợt phát hành này là để cấn trừ công nợ và lãi đã phát sinh từ năm 2010, 2011. Tổng số tiền thu về cho mục đích cấn trừ công nợ của đợt phát hành này là hơn 1.150 tỷ đồng.
Dù chưa thực hiện phát hành, nhưng ngày 4/6/2013, CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (Hoàng Quân, mã HQC) cũng đã có Nghị quyết HĐQT về việc phát hành 18 triệu cổ phần để cấn trừ công nợ. Theo đó, 2 đơn vị mua cổ phần của Hoàng Quân là Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông (17,25 triệu cổ phiếu) và CTCP Việt Kiến Trúc (mua 750.000 cổ phiếu). Đợt phát hành này dự kiến thực hiện trong quý III/2013.
Mới đây nhất, CTCP Tập đoàn Mai Linh đã thông qua việc phát hành một lượng cổ phần “khủng” không kém bao nhiêu so với ITACO, lên tới 1.000 tỷ đồng cho đối tác chiến lược, để giảm thanh toán khoản 800 tỷ đồng vay ngắn hạn và bổ sung quỹ đầu tư phát triển thêm 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa công bố đối tác chiến lược là ai, nên thị trường vẫn còn băn khoăn câu hỏi, liệu phương án phát hành này của Tập đoàn có thành công?
Câu chuyện của Mai Linh khiến thị trường liên tưởng đến trường hợp của CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV) giai đoạn 2010 - 2011. Cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả nợ đến hạn, nhưng do diễn biến thị trường bất lợi, kế hoạch này thất bại và đến nay, Thái Hòa đã phải trả cái giá rất đắt cho những sai lầm về đầu tư trong quá khứ.
Và bán tài sản để giảm nợ
Trở lại câu chuyện của Mai Linh, bên cạnh kế hoạch dài hạn phát hành cổ phiếu để trả nợ, tập đoàn này đã quyết định hành động nhanh hơn, có phần dễ hơn, để thu tiền về trả nợ, đó là bán tài sản. Trong kế hoạch của mình, Mai Linh dự kiến bán tới 1.000 chiếc xe taxi và đã bán khoảng 200 chiếc xe tốc hành.
Không nóng sốt như Mai Linh, nhưng Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) đã trải qua hơn 1 năm đau đầu với bài toán thanh khoản. Ngoài việc huy động vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu (năm 2012) để trả nợ, Vinaconex còn thực hiện bán một loạt tài sản là các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết… cũng phục vụ mục tiêu này. Từ Vicostone (VCS), Bê tông Xuân Mai (XMC), Vinaconex Hoàng Thành đến Nhà máy nước Sông Đà, vốn tại Liên doanh Phát triển đô thị mới An Khánh, hay Xi măng Cẩm Phả… đều được Tổng công ty đưa vào tầm ngắm… thoái vốn từ lâu.
Vì sao nên nỗi?
Tất nhiên, khi có nợ đến hạn thì áp lực phải có nguồn tiền trả nợ là điều không có gì để bàn cãi. Nhưng một câu hỏi đặt ra là, với nhiều khoản nợ chưa đến hạn, DN vẫn đang cố gắng tìm cách để trả nợ. Mặc dù, lãi suất đang giảm mạnh là cơ hội để DN huy động vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Thống kê dữ liệu cập nhật đến hết quý I/2013 cho thấy, chỉ có khoảng 350/695 DN niêm yết, tương đương hơn 50% số DN có hiệu quả sinh lời trên vốn sử dụng đạt mức trên 12%/năm. Trong khi đó, lãi vay phổ thông của các DN hiện ở mức từ 12%/năm trở lên. Điều này có nghĩa là, khoảng 50% số DN càng đi vay càng lỗ. Và một nghịch lý là, hơn 50% số DN có hiệu quả sinh lời của đồng vốn sử dụng cao hơn mức lãi vay phổ thông lại là những DN sử dụng vốn vay rất ít, hoặc hầu như không sử dụng, trong khi xấp xỉ 50% số DN có tỷ lệ sinh lời trên đồng vốn sử dụng dưới 12% lại đi vay tỷ lệ cao, thậm chí ở mức cao nhất thị trường.
Những con số trên có lẽ là lời giải hợp lý cho lý do vì sao lãi suất giảm, DN vẫn phải tìm cách trả nợ, giảm tỷ lệ đòn bẩy. Nguyên nhân bởi, 12%/năm vẫn là mức lãi suất khá cao với các DN, nhất là trong tình trạng sản xuất đình trệ, thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay (khối DN bất động sản và có liên quan đến bất động sản chiếm tỷ lệ lớn trên hai sàn).
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán
|