Chiêu trò làm 'sốt' địa ốc của doanh nghiệp
Giữa lúc thị trường khó khăn vẫn có những doanh nghiệp bất động sản vẫn “ăn nên làm ra”, mở rộng văn phòng, tuyển thêm nhân viên.
Sàn bất động sản được “cưng chiều”
Nếu như trước đây, có được dự án trực tiếp từ các chủ đầu tư là rất khó khăn, thậm chí phải bon chen để tranh giành dự án thì nay, do thị trường khó khăn, hàng tồn kho lớn, chính các chủ đầu tư địa ốc lại phải tìm đến các sàn như một kênh phân phối hiệu quả để đẩy nhanh hàng.
Chính vì vậy, dù bối cảnh chung khá khó khăn, nhưng nhiều sàn bất động sản vẫn “ăn nên làm ra” và mở rộng văn phòng.
Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thế Kỷ (CenGroup), do thị trường khó khăn, nên mức chiết khấu phần trăm dự án cho các sàn cũng tăng cao hơn trước rất nhiều. Nếu bán hàng tốt thì mức lợi nhuận vẫn cao, thậm chí cao hơn cả khi thị trường tốt.
Ông Hưng lấy dẫn chứng, trước đây, mức chiết khấu cho các sàn chỉ từ 1 – 1,5%, thì nay mức chiết khấu này là 3%, gấp đôi so với trước kia.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn thành công trong lúc thị trường khó khăn.
|
“Ngoài ra, trong lúc khó khăn, những doanh nghiệp nào trụ lại được sẽ có cơ hội để chiếm lĩnh thị trường. Nếu trước kia thị trường tốt, coi là 100%, nhưng nhiều đối thủ cạnh tranh, thì doanh nghiệp chỉ chiếm 10% thị phần. Nay thị trường chỉ còn 30%, nhưng nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, chiếm hết 30% này thì về mặt thực tế là vẫn phát triển, thậm chí là phát triển mạnh”, ông Hưng phân tích.
Cũng theo ông Hưng, tới đây, công ty ông sẽ mở thêm 1 văn phòng đại diện tại TP HCM. “Thị trường khó khăn, nhưng với mô hình siêu thị dự án nên nhiều chủ đầu tư vẫn tìm đến sàn chúng tôi để phân phối sản phẩm. Bằng chứng là các dự án do bên tôi cung cấp luôn nhận được sự quan tâm từ nhiều khách hàng”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cho hay, tuy mới chỉ đi vào hoạt động được chưa đầy 1 năm, nhưng tại siêu thị dự án của công ty ông vào các ngày cuối tuần thường đông nghẹt người. Khách hàng không chỉ là người mua nhà mà còn là các chủ đầu tư đến tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án.
“Sở dĩ khách hàng thích đến siêu thị dự án vì ở đó có nhiều sản phẩm, đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng. Chất lượng được chủ đầu tư cam kết và đảm bảo rõ ràng. Ngoài ra, các dự án tại siêu thị được triển khai theo mô hình liên kết 4 nhà: “Chủ đầu tư – ngân hàng – nhà thầu – sàn giao dịch”, nên sẽ có sự phối hợp chặt chẽ từ tiến độ xây dựng, giá bán đến cung cấp các dịch vụ ưu đãi cho khách hàng”, ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, hiện mỗi tháng tại siêu thị dự án có khoảng 100 giao dịch được thực hiện thành công.
Đầu tư cho dài hạn
Tương tự, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu, chủ đầu tư dự án Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên cũng cho biết, hiện công ty đã mở thêm 1 văn phòng đại diện tại Hà Nội. Tới đây, sẽ mở thêm 2 văn phòng nữa tại quận Hoàn Kiếm và Thanh Xuân.
Trong lúc nhiều doanh nghiệp bất động sản phải “gồng mình” tìm lối thoát thì có thể thấy, vẫn có những doanh nghiệp sẵn sàng mở rộng quy mô hoạt động.
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu cho biết, hiện dự án công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) đang đi vào giai đoạn khai thác, nên mỗi tháng, công ty ông cũng bán được vài trăm suất mộ cho các khách hàng.
“Các nghĩa trang ở Hà Nội đang ngày càng quá tải, trong khi nhu cầu thì rất lớn. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm đầu tư để thực hiện dự án công viên nghĩa trang xanh, sạch, đẹp”, ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Tuấn Anh, làm công viên nghĩa trang nếu chỉ tính toán lợi ích thì sẽ không ai dám làm, vì làm bất động sản cho người sống, lợi nhuận là thấy ngay, nhưng làm nghĩa trang, phải đầu tư lớn, trong khi doanh thu thì chỉ có khi dự án đã bắt đầu đi vào quá trình khai thác.
Trước Lạc Hồng Viên, nhiều dự án công viên nghĩa trang đã được thực hiện tại một số tỉnh miền Nam, tuy nhiên đa số các mô hình này đều không thành công.
“Làm nghĩa trang mà tính đến tính thương mại quá cao, không thấy được tính ổn định sẽ dễ thất bại. Đặc biệt là phải cân đối giữa việc đầu tư và khai thác, có những thời điểm chi phí vốn lên quá cao, cũng phải tính toán kỹ, tránh rơi vào tình trạng đói vốn, phải vay với lãi suất cao”, ông Tuấn Anh phân tích.
Cũng theo ông Tuấn Anh, hiện dự án công viên Lạc Hồng Viên đang đi vào giai đoạn khai thác, dự án cũng nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng, không chỉ là những người già, mà cả những người trẻ tuổi, nên công ty ông quyết định mở thêm 3 văn phòng đại diện để khách hàng có thể tham quan và tìm hiểu dự án dễ dàng hơn.
Lãi ít, bán nhà giá rẻ
Khác với sự vắng vẻ tại nhiều sàn giao dịch bất động sản hiện nay, sàn bất động sản Mường Thanh (Linh Đàm, Hà Nội) của Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 Lai Châu luôn đông nghẹt khách mỗi khi mở bán dự án. Thậm chí để có được nguồn hàng, nhiều cò phải thức đêm thức hôm để chầu trực nhiều ngày trước giờ mở bán.
Có lẽ, lý do khiến các dự án của công ty này luôn gây nên các cơn sốt là vì đã nhắm trúng đến nhu cầu thật của người mua là “Giá rẻ”.
Ngay từ giữa năm 2012, dự án Đại Thanh của công ty này đã nhanh chóng tạo nên một cơn sốt trên thị trường khi tung ra mức giá 10 triệu đồng/m2 – mức giá ngang với giá nhà ở xã hội. Tiếp đó, hàng loạt các dự án có vị trí đẹp, nhưng mức giá lại rất rẻ như: Kim Văn – Kim Lũ (13 -14 triệu đồng/m2), VP5 Linh Đàm (14 – 15 triệu đồng/m2),…
Giá rẻ - đáp ứng đúng nhu cầu thật của khách hàng, nên dự án bán “đắt như tôm tươi”. Hầu hết các dự án đều có mức chênh khá cao, từ vài chục triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng.
Khoản lợi nhuận mà chủ đầu tư thu được không ai có thể biết được, nhưng điều mà ai cũng có thể thấy là giữa lúc bất động sản ế ẩm, thì các dự án của Doanh nghiệp Tư nhân số 1 Lai Châu vẫn bán rất đắt khách. Người có nhu cầu mua nhà cũng có cơ hội được tiếp cận với những sản phẩm nhà giá rẻ.
GS. Đặng Hùng Võ cho biết, thị trường bất động sản khó khăn chung, nhưng vẫn có những góc riêng. “Nếu doanh nghiệp biết khai thác góc riêng này sẽ vẫn có thành công. Bài học cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã “phất” lên từ chính lúc thị trường khó khăn”, GS. Võ nhận định.
Châu Anh
vtc
|