Nhà thầu nước ngoài phải cam kết sử dụng lao động trong nước
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định, nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và không đáp ứng yêu cầu của gói thầu theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: nhà thầu nước ngoài phải cam kết sử dụng lao động trong nước
|
Cho ý kiến về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban (UB) Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, UB tán thành quy định nhà thầu nước ngoài tham dự đấu thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam.
Không những thế, theo ông Giàu, nhà thầu nước ngoài phải cam kết sử dụng lao động trong nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà thầu trong nước tham gia các gói thầu.
Ủy ban này cũng tán thành với các sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn về ưu đãi đối với nhà thầu, ưu đãi đối với hàng hóa và phương pháp tính ưu đãi nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho nhà thầu Việt Nam khi tham gia đấu thầu quốc tế. Bởi trên thực tế, đã từng xảy ra tình trạng nhà thầu nước ngoài viện nhiều lý do để không sử dụng lao động trong nước mà đưa người từ nước sở tại sang làm việc tại dự án đầu tư kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Trong khi đó, người dân địa phương mất đất, mất ruộng và không có việc làm.
Tuy nhiên, UB Kinh tế khuyến cáo cần bảo đảm sự cân bằng giữa cơ chế ưu đãi và điều kiện nâng cao trình độ, kỹ thuật cho nhà thầu trong nước; đồng thời, đề nghị tiến hành rà soát về sự tương thích của các quy định này với các quy định về bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, có ý kiến trong UB Kinh tế đề nghị quy định rõ hơn chính sách, cơ chế ưu đãi đối với nhà thầu trong nước khi liên danh với nhà thầu nước ngoài thực hiện đấu thầu quốc tế tại Việt Nam thì nhà thầu Việt Nam phải là tổng thầu.
Về chỉ định thầu, Ủy ban Kinh tế cho rằng dự án Luật sửa đổi đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng chỉ định thầu, để hạn chế tình trạng lợi dụng chỉ định thầu tràn lan, trốn tránh trách nhiệm trong quá trình chỉ định thầu. Đối với trường hợp chỉ có một nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu thì thực hiện chỉ định thầu là phù hợp với thực tiễn, rút ngắn được thời gian và tiết kiệm được những khoản chi phí không cần thiết.
Việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người có thẩm quyền cũng như ý thức thực thi pháp luật, từ đó bảo đảm tính nghiêm minh, công khai và minh bạch trong hoạt động chỉ định thầu cũng được Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ lưu ý.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua 6 năm thực hiện Luật Đấu thầu, Luật số 38/2009/QH12, nguồn vốn của Nhà nước đã tiết kiệm được tổng cộng 106,056 nghìn tỷ đồng và giá trị tiết kiệm cơ bản đều tăng qua các năm, qua đó thấy rằng đấu thầu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu sử dụng nguồn vốn Nhà nước (chi tiêu công).
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng dàn xếp, thông đồng giữa các nhà thầu để một nhà thầu trúng thầu trong cùng một gói thầu còn xảy ra ở một số nơi. Qua thực trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, cần phải thực hiện tốt hơn nữa việc đánh giá tư cách hợp lệ và năng lực của nhà thầu khi tham gia dự thầu nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu để tránh xảy ra tình trạng đấu thầu hình thức, thiếu tính cạnh tranh làm giảm hiệu quả kinh tế.
Giải trình việc cần thiết phải sửa Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Luật Đấu thầu hiện tại chỉ điều chỉnh các hoạt động mua sắm thuộc dự án sử dụng vốn Nhà nước gồm: Dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển, dự án để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, dự án nhằm cải tạo, sửa chữa lớn thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình, nhà xưởng đã đầu tư của DNNN.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam hiện nay xuất hiện nhiều hoạt động mua sắm khác sử dụng nguồn lực của nhà nước mà chưa được điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện, như các hoạt động mua sắm vì mục đích công nhưng không hình thành dự án, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án hợp tác công - tư (PPP), dự án sử dụng đất, các hoạt động mua sắm của DNNN trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Thực tế này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Luật số 38/2009/QH12 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh để đạt được mục tiêu quản lý nguồn lực của nhà nước một cách hiệu quả nhất. Đây cũng là khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nêu tại Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh của VCCI năm 2011 đã gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.
Minh Anh
Hải Quan
|