Thứ Tư, 05/06/2013 11:25

DNNN “kéo tụt” tăng trưởng tiềm năng

Gần đây, các DNNN lại thực hiện đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính, song hậu quả không cao nên dẫn tới rất nhiều vấn đề phát sinh. Rõ ràng nhất là những khó khăn trong việc trả nợ của các DNNN. Rộng hơn, sự đầu tư kém hiệu quả của khối DNNN là một trong số những yếu tố gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô.

Từ hiệu quả giảm sút của DNNN

Hàng loạt bản đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã được thông qua đến thời điểm này, điểm nổi bật là những khoản đầu tư thua lỗ đang được “hợp thức hóa” qua việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn...

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam làm một cuộc “đại cải cách” DNNN. Ở những lần trước, tình thế cũng tương tự với nhiều khoản đầu tư không hiệu quả được xử lý trong nội bộ. Nhưng, vấn đề về năng lực cạnh tranh của khu vực DNNN dường như chưa bao giờ được cải thiện.

Theo Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2012 của Ngân hàng Thế giới (WB) hiệu quả hoạt động của DNNN đã có sự sụt giảm trong giai đoạn gần đây. Nếu như trong năm 2000, DNNN tạo ra được 1,6 đồng sản lượng từ 1 đồng vốn, thì đến năm 2009 giảm xuống chỉ còn 1,1 đồng sản lượng. Trong khi cùng khoảng thời gian này, các DN tư nhân của Việt Nam đã tăng hiệu quả từ mức tạo ra 8,8 đồng sản lượng từ 1 đồng vốn, lên 21 đồng sản lượng.

“Hiệu quả sử dụng vốn của các DNNN giảm sút trong giai đoạn 2000 - 2009 là rất đáng lo ngại”, báo cáo nghiên cứu Ước lượng sản lượng tiềm năng cho Việt Nam, do nhóm tác giả của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (Depocen) thực hiện, bình luận.

Sự kém đi kể trên cũng được hiểu như một sự sụt giảm năng suất lao động. Cụ thể là khu vực DNNN có năng suất trên mỗi lao động đang giảm dần (mặc dù độ sâu vốn tăng lên) trong khi khu vực kinh tế tư nhân lại có sản lượng trên mỗi lao động tăng dần. Điều này có thể được lý giải rằng, khu vực DNNN thường hoạt động trong các ngành thâm dụng vốn và do vậy phải thực hiện các khoản đầu tư thường xuyên.

Nhưng gần đây, các DNNN lại thực hiện đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính, song hậu quả không cao nên dẫn tới rất nhiều vấn đề phát sinh. Rõ ràng nhất là những khó khăn trong việc trả nợ của các DNNN. Rộng hơn, sự đầu tư kém hiệu quả của khối DNNN là một trong số những yếu tố gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô.

Từ sự hoạt động kém hiệu quả của DNNN, theo Depocen, trong những năm đầu của cải cách kinh tế, nền kinh tế vận hành dưới mức sản lượng tiềm năng song đã vọt lên vượt quá mức này trong thời kỳ bùng nổ kinh tế trong suốt những năm 1995-2000. Tuy nhiên một lần nữa, mức chênh lệch sản lượng tiềm năng chuyển thành âm (dưới mức tăng trưởng tiềm năng) trong những năm đầu thế kỷ 21 và chuyển dấu thành dương kể từ năm 2005 đến 2008. Năm 2009 và 2010, chênh lệch sản lượng lại âm trở lại mặc dù lạm phát cao.

Đến khả năng vực dậy sản lượng tiềm năng

Ở vị thế là nguyên nhân kéo tụt hiệu quả nền kinh tế, tạo ra rủi ro vĩ mô, những thay đổi cần thiết ở khu vực DNNN cần hướng đến là tăng năng suất. “Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng thu nhập bền vững chỉ có thể thực hiện được nếu như năng suất tăng lên. Đầu tư nhà nước, trong đó có đầu tư của khu vực DNNN, cần hiệu quả hơn. Tái cơ cấu DNNN cũng như việc cải thiện các điều kiện thị trường có thể gia tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam theo một mức tăng trưởng cao và bền vững hơn”, Depocen khuyến nghị.

Nhưng cách quan trọng nhất để tăng mức sản lượng tiềm năng trong dài hạn là tăng TFP, cũng là cách khó nhất. “Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng khá trong vòng 20 năm qua, nhưng bản chất của những kết quả ấn tượng này đã thực sự thay đổi”, báo cáo do Depocen thực hiện chỉ rõ. Trong những năm 1990, mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là do dựa trên TFP tương đối cao, yếu tố này chiếm khoảng 50% tăng trưởng hàng năm. Nhưng khi chuyển qua giai đoạn 1998-2008, đóng góp của yếu tố này giảm xuống, chỉ còn chiếm khoảng 11%.

Và vì vậy, tác động lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây là vốn. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là gia tăng trong vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do nền kinh tế đã mở cửa.

May mắn là dòng vốn FDI vẫn đang hướng vào sản xuất để xuất khẩu, với xu hướng cạnh tranh toàn cầu tăng lên sẽ tạo ra áp lực thúc đẩy tăng trưởng TFP. Tuy nhiên, yếu tố thứ hai thúc đẩy gia tăng đầu tư của Việt Nam lại nằm ở khu vực kinh tế Nhà nước, trong đó có đầu tư của các DNNN. Những DN này vừa mở rộng quy mô ở ngành kinh doanh chính và cũng thực hiện đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính.

“Do thiếu vắng sự tăng trưởng năng suất, một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào đầu tư vốn vật chất trở nên đầy biến động không phải là điều đáng ngạc nhiên”, Depocen khuyến cáo.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mức sản lượng tiềm năng chỉ có thể được cải thiện khi năng suất tăng lên. Ngược lại, sụt giảm trong năng suất cũng có thể được xem như sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. “Thay đổi trong các yếu tố đầu vào như vốn và lao động cũng có thể có những tác động này song những yếu tố đó dễ bị ảnh hưởng bởi quy luật lợi nhuận cận biên giảm dần”, Depocen khẳng định.

Đề cập đến điều hành vĩ mô, các phân tích kỹ thuật cho thấy, trong ngắn hạn, chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng đòi hỏi các chính sách tài khóa và tiền tệ tập trung nhiều vào phía cầu, sao cho các biện pháp trong ngắn hạn có thể đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng của nó. Tuy nhiên trong dài hạn, phía cung lại cần được chú trọng do mức độ tăng trưởng tiềm năng được xác định bởi TFP, lao động và vốn đầu vào. Mà tăng năng suất, dù là điều rất khó để có được, lại chính là yếu tố quan trọng bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.

Anh Quân

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Xóa trần chi phí tiếp thị quảng cáo: Đường còn xa? (05/06/2013)

>   Nhiều khi cũng phải có "tiền tươi, thóc thật" (05/06/2013)

>   Hạn chế ứng vốn xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp (05/06/2013)

>   Đơn giá hàng dệt may xuất khẩu giảm (05/06/2013)

>   Milano đổi chủ, mở lại cửa hàng (05/06/2013)

>   “Doanh nghiệp không nên trông chờ vào gói kích cầu” (04/06/2013)

>   Kéo gần thị trường khu vực Mỹ Latin cho các doanh nghiệp Việt Nam (04/06/2013)

>   Thị trường xuất khẩu gạo sẽ sáng sủa từ tháng 7 (04/06/2013)

>   Miền Nam có thể tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng tiền điện (04/06/2013)

>   TP.HCM: Đầu tư nước ngoài giảm mạnh (04/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật