Kéo gần thị trường khu vực Mỹ Latin cho các doanh nghiệp Việt Nam
Hiện tại, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với toàn bộ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Mỹ Latin. Khu vực này có tới 600 triệu dân với nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng ở mức cao, dung lượng nhập khẩu lớn, tạo nên thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp nướác ta. Tuy nhiên, để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, các doanh nghiệp nướác ta rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành và cơ quan xúc tiến thương mại.
Một trong các yếu tố thuận lợi là thị trường khu vực Mỹ Latin còn tương đối dễ tính, không có những quy định, rào cản quá khắt khe về mặt chất lượng, giá cả. Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải lao đao vì rào cản thương mại từ các thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật Bản, EU…
Bên cạnh đó, một điều khá thuận lợi cho doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sang Mỹ Latin là các nước này đã và đang có chính sách kinh tế đối ngoại hướng về châu Á, trong đó có Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh tăng lên trên 5,5 tỷ USD năm 2012, chiếm gần 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công thương Trần Duy Đông cho biết, Bộ đã xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam bằng nhiều cách như: cung cấp trang web bằng tiếng Tây Ban Nha, cung cấp thông tin cho các nước, có nhiều ấn phẩm về thị trường để doanh nghiệp hiểu và biết về những rào cản của thị trường, thông tin xuất nhập khẩu.
Nhu cầu cao về hàng hóa, ít những quy định, rào cản khắt khe trong nhập khẩu, khiến Mỹ Latin trở thành thị trường tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp hướng đến. Tuy nhiên, thông tin về thị trường này đến với các doanh nghiệp còn tương đối hạn chế. Ngoài ra, Mỹ Latin cách xa về mặt địa lý so với Việt Nam khiến mức chi phí vận tải vô cùng đắt đỏ. Thêm vào đó, hệ thống thương vụ tại đây còn mỏng, trong tổng số 33 quốc gia mà chỉ có 4 - 5 thương vụ, ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Tây Ban Nha cũng là một rào cản khá lớn mà doanh nghiệp cần vượt qua.
Tại một số thị trường chính ở Mỹ Latin như Mexico, Brazil, Argentina, xu thế bảo hộ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp trong nước liên tục gia tăng. Khó khăn hơn cả khi xuất khẩu sang các thị trường Mỹ Latin là phương thức thanh toán. các đơn vị kinh doanh thường được Nhà nước đứng ra bảo lãnh để có thể trả chậm. Điều này khiến cho các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Mỹ Latin khá khó khăn trong quay vòng vốn.
Giám đốc công ty Phong Châu Nguyễn Ngọc Lương, đơn vị chuyên xuất khẩu mặt hàng giày da sang thị trường Mexico và Brazil, cho biết, tập quán thanh toán ở thị trường Mỹ Latin khác so với thị trường khác, chủ yếu là thanh toán trả chậm mà đối với những đơn hàng lớn thì thanh toán rất khó. Thứ hai, chi phí giao dịch lớn, đi lại nhiều lần, tốc độ giao dịch chậm nên để tiến tới một thương vụ thì mất nhiều thời gian và chi phí đầu tư lớn.
Những năm qua hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ Latin cũng đã được một số doanh nghiệp xuất sang, tuy nhiên vẫn còn ở mức nhỏ lẻ với các loại hàng hóa như gạo, mây tre, đồ gỗ, mì ăn liền, sản phẩm chất dẻo, hàng may mặc. Bước đầu đã chinh phục được người tiêu dùng nước này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu có tiếng ở những thị trường này.
Dự kiến, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ Latin có nhiều triển vọng đạt từ 5 - 7 tỷ USD vào những năm 2015 và hàng chục tỷ USD vào năm 2020. Hiệp định FTA Việt Nam - Chile đã hoàn tất đàm phán, trong thời gian tới có hiệu lực, khi đó hầu hết mặt hàng 2 bên có thế mạnh đều ưu đãi về thuế từ 0 - 5%. Ngoài ra, các hiệp định khung về thương mại đầu tư với một số nước khác như Mexico, Ecuador, Panama… cũng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Xuân Lan
Đại Biểu nhân dân
|