Kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng
Các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài cho rằng vẫn còn quá nhiều cải cách cơ bản chưa được hiện thực hóa, vì thế nền kinh tế phải gánh chịu.
Cứ nửa năm một lần, Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) lại tổ chức với sự tham dự của đại diện Chính phủ và nhiều tổ chức kinh tế trong và ngoài nước nhằm thảo luận, đề xuất giải pháp cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam.
“Lý do chúng tôi cùng nhiều tổ chức DN khác có mặt tại đây là vì không muốn nhìn thấy những cơ hội tiếp tục bị tuột mất khỏi Việt Nam” - ông Mark Gillin, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), khẳng định tại VBF diễn ra sáng 3-6 ở Hà Nội.
Đẩy nhanh cổ phần hóa
Theo đại diện các tổ chức kinh tế nước ngoài, khu vực tư nhân sẽ là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, các ước tính của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy khu vực DN nhà nước đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế. Điều này vốn không có gì đáng quan ngại nhưng vấn đề là các DN nhà nước (NN) nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn... và thường hoạt động không hiệu quả, làm kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, Chính phủ cần cổ phần hóa các DNNN trong thời gian sớm nhất để tạo ra môi trường mang tính cạnh tranh hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (phải) và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ 2013.
|
Mặt khác, ông Dominic Scriven, đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn thuộc VBF, thì chương trình cổ phần hóa DNNN thời gian gần đây bị chậm lại một phần do sự trì trệ của thị trường chứng khoán. Nhóm đề xuất hai ngành chủ lực cần cổ phần hóa trước mắt là viễn thông và ngân hàng. Chìa khóa để thành công là định giá và cách duy nhất làm được điều này là thuê tư vấn độc lập, có khả năng đứng ra định giá và chào bán cổ phần theo các tiêu chuẩn quốc tế.
DN khó tự huy động vốn vay
Hầu hết các tổ chức DN đều nhận định có quá nhiều quy định cản trở việc huy động vốn vay của các DN Việt Nam hiện nay. Trước tiên là việc DN không được vay vốn từ các ngân hàng để trả nợ trước hạn, không được vay mới với lãi suất thấp hơn để trả nợ trước hạn khoản vay cũ với lãi suất cao. Việc tìm kiếm nguồn vốn vay nước ngoài gặp phải một loạt rào cản pháp lý như chỉ được vay vốn ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động; ngân hàng nước ngoài không được nhận thế chấp đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Việt Nam…
Trong khi đó, nhóm công tác nghiên cứu về ngân hàng lo ngại việc hoãn Thông tư 02 của NHNN liên quan đến phân loại tài sản, mức lập dự phòng rủi ro và đề phòng xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, có thể khiến nợ xấu không được giải quyết nhanh chóng, các ngân hàng cần tự nguyện tuân thủ Thông tư 02 càng sớm càng tốt.
Trả lời về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, NHNN đã lùi thời gian thực thi thông tư này nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng của nền kinh tế và hạ mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, giúp các ngân hàng chủ động trong việc đáp ứng các điều kiện thực hiện Thông tư 02.
Không nên bỏ chính sách miễn thị thực
Không hẹn mà gặp, cả ba tổ chức đại diện cho cộng đồng DN Nhật Bản, Úc và châu Âu đều kiến nghị Chính phủ Việt Nam không nên thu hồi quy chế miễn thị thực đối với khách du lịch đến từ một số quốc gia như đang dự định.
“Chính sách miễn thị thực cho các du khách ngắn hạn đã có đóng góp lớn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào Việt Nam. Nếu Chính phủ ngừng áp dụng chính sách này khi chưa cân nhắc kỹ sẽ ảnh hưởng xấu đến cả lượng vốn đầu tư FDI cũng như số lượng du khách đến Việt Nam” - đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản nhận định.
Đáng lưu ý là EuroCham cho biết các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không muốn chuyển giao công nghệ chừng nào quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự được bảo vệ. Hiện tại, công tác bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa đủ thu hút thêm hoạt động sản xuất công nghệ cao.
Do đó, Chính phủ cần nâng cao nhận thức cho mọi người dân cũng như DN nước ngoài tại Việt Nam rằng việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ sẽ đem lại lợi ích cho mọi người; nhất là tránh được nạn hàng giả.
Tăng cạnh tranh để thu hút FDI
Việc thu hút vốn FDI rất quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này ngày càng khó khăn.
Hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng nói hiện Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng đang mở rộng đầu tư trực tiếp sang các nước châu Á khác. Năm 2012, Nhật Bản đầu tư khoảng 13 tỉ USD vào Thái Lan, gấp ba lần đầu tư vào Việt Nam. “Việt Nam cần làm rõ chiến lược thu hút đầu tư thông qua cạnh tranh với các nước khác. Nếu không, chúng tôi sợ rằng Việt Nam sẽ đánh mất sức hấp dẫn và dòng vốn đầu tư sẽ đổ về những nước châu Á cạnh tranh khác ngày một nhiều” - đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản nói.
Cuối cùng, chủ tịch AmCham nhận định: “Thay vì nói, nghĩ về các giải pháp và đưa ra các lời hứa về những giải pháp này, các thành viên AmCham mong muốn nhìn thấy hành động thực tế từ Chính phủ”.
Nên cho người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch
Để tăng số ngày lưu trú của du khách và giảm nguồn cung thị trường nhà ở hiện đã dư thừa quá mức, Việt Nam nên cân nhắc triển khai một chương trình cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở nghỉ dưỡng tại một số khu vực nhất định như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang và Phú Quốc. Tốt nhất nên áp dụng chế độ thuê thời hạn 50 năm và được gia hạn đối với nhà biệt thự.
(Theo EuroCham)
|
Trà Phương - Anh Thi
Pháp luật tphcm
|