Thứ Hai, 03/06/2013 09:37

Kinh tế Việt Nam: Đáy thực hay đáy tạm?

Biểu đồ lao dốc của nền kinh tế có thể chỉ dừng lại vào năm 2016–2017, tức đến lúc đó nền kinh tế mới thật sự nhìn ra cái đáy của chính nó.

Trái chiều

Cuộc tranh luận về điều có thể được xem là đáy của nền kinh tế vẫn đang tiếp diễn. Gần nhất, cách nhìn theo xu hướng lạc quan đến từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khi tổ chức này cho rằng kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ quý 1/2013. Cách nhìn này cũng được cổ vũ bởi một số chuyên gia phân tích trong nước.

Nhưng ở một thái cực khác, vẫn không ít người trong giới quan sát tỏ ra hoài nghi về thực trạng đáy của nền kinh tế. Cũng khác khá nhiều với quý đầu năm 2013 và khác hẳn với năm 2012, vào quý 2 năm nay, số ý kiến phản biện đối với triển vọng “kinh tế Việt Nam thoát đáy” đã vang lên nhiều nhặn và tự tin hơn.

Một trong những phản biện có tính bất ngờ như thế xuất phát từ ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam.

Ông Thiên mới đây đưa ra cái nhìn cho rằng nếu đáy kinh tế được hình thành thì chỉ có thể sớm nhất vào cuối năm 2013 chứ không thể vào giữa năm.

Vào tháng 4/2013, tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân ở Nha Trang, ông Trần Đình Thiên cũng cảnh báo “Những dự báo về khả năng “thoát đáy” của nền kinh tế có thể bắt đầu từ giữa năm 2012 đang trở nên xa vời hơn”. Đây là một nhận định hiếm hoi đối với cá nhân ông trong chuỗi đánh giá về kinh tế Việt Nam trong vòng mấy năm qua.

Xa hơn nữa, vào đầu năm 2013, một thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia là ông Trần Du Lịch đã nêu ra nhận định “Tôi có thể khẳng định rằng đáy của sự khó khăn, bất ổn sẽ dừng lại ở quý 2/2013, nền kinh tế sẽ bớt khó khăn dần”.

Điều đáng nói là từ đầu năm 2011 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã hiện ra không ít cái đáy như thế, tuy chỉ trên phương diện chính sách và được kéo theo bởi những nhận định mang sắc màu tươi tắn.

Chưa thấy đáy

Nếu lấy mốc từ năm 2005 – khi giai đoạn trì đọng của kinh tế Việt Nam còn đi ngang, thì cho đến năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đã tạo nên hai đỉnh. Đỉnh thứ nhất có thế năng lớn nhất, được lập vào năm 2007; còn đỉnh thứ hai vào năm 2009. Hai đỉnh này đã được xem là kết thúc cho biểu đồ tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Việt Nam từ năm 1991 – thời điểm mở cửa kinh tế – cho đến nay.

Song cho đến nay, vẫn chưa có gì được cải thiện rõ nét. Mức tăng tín dụng rất thấp và khó có khả năng khôi phục nhanh; số doanh nghiệp đóng cửa nhiều và dự báo còn tiếp tục tăng nhanh; nợ xấu khó giải tỏa nhanh; các cơ chế xử lý nợ xấu không thể vận hành sớm; chưa thể phá băng bất động sản, lượng vốn lớn tiếp tục bị ứ đọng, gây tắc nghẽn nguy hiểm; khả năng phá sản một số ngân hàng yếu kém...

Quá hiếm muộn tiền cung ứng cho các ngành sản xuất, Việt Nam đã phải đánh đổi cho mục tiêu kềm chế lạm phát bằng sự trì trệ tăng trưởng. Nhưng chỉ đến cuối năm 2011, giới quản lý nhà nước mới thừa nhận con số khoảng 50,000 doanh nghiệp đã bắt buộc phải phải giải thể hoặc phá sản. Tuy nhiên, con số này xem ra vẫn còn khá ít ỏi so với tổng số hơn 600,000 doanh nghiệp hoạt động theo thống kê trước đó.

2012 vẫn là năm chỉ chứng kiến tốc độ vòng quay vốn có 0.8 lần, so với hơn 2 lần vào thời kỳ 2009–2010.

Đầu năm 2013, những thông tin từ Ủy ban kinh tế quốc hội cũng như giới phân tích kinh tế cho thấy con số giải thể và phá sản của doanh nghiệp có thể đã lên tới hàng trăm ngàn. Chỉ có thông tin về xuất khẩu được mô tả là sáng lạn hơn cả. Thế nhưng với vị trí là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và chiếm vị trí quốc gia xuất gạo lớn thứ hai trên trường thế giới, giá gạo Việt Nam lại đã làm nên một nghịch lý khó hình dung khi giảm đến 17%, trong khi cùng thời điểm, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng 4%.

Công tâm mà xét, rất khó để “tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế” – như tinh thần bản Nghị quyết số 02 của Chính phủ ban hành vào đầu tháng Giêng năm 2013, nếu Việt Nam không thể xử lý được khối tồn kho hàng trăm ngàn căn hộ cao cấp và do đó mới có thể giúp các doanh nghiệp bất động sản thanh toán phần nào nợ xấu và lãi vay cho nhóm ngân hàng.

Nợ xấu đã hình thành và tích tụ từ năm 2007, đến nay đã trở thành vấn đề quá đỗi khẩn cấp khi trong một thực tế sâu sát nhất với các doanh nghiệp con nợ.

Bất động sản - một gam màu chiếm vị thế chủ đạo trên bức tranh kinh tế tổng thể, một chủ đề mà từ cuối năm 2011 đã được xem là “mối quan tâm lo lắng nhất của Chính phủ”, cho tới nay vẫn chưa hề thoát khỏi cái hố do nó tự đào suốt gần hai mươi năm qua, tính từ con sóng đầu cơ nhà đất đầu tiên vào năm 1995.

Trái ngược với mong muốn của giới điều hành kinh tế và các lý thuyết gia, trong thực tiễn đã chẳng hiện ra cái đáy nào. Mọi thứ vẫn trì đọng và có vẻ còn tuột dốc thêm.

V hay L?

Điều có thể an ủi là không phải đồ thị kinh tế Việt Nam đã, đang và sẽ lao dốc một cách thẳng thừng và liên tục. Theo quy luật thường thấy, hình thể parabol lõm thường làm nên một giai đoạn hồi phục nhẹ, trở thành parabol lồi – hiện tượng có thể xảy ra vào năm 2013–2014, bắt đầu từ việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải thúc đẩy hạ các loại lãi suất và bơm tiền cho nền kinh tế. Tiền được bơm ra càng nhiều, nền kinh tế sẽ càng nhanh phục hồi.

Tuy nhiên, từ khái niệm phục hồi này đến yêu cầu về một nền kinh tế phát triển bền vững vẫn còn một khoảng cách rất xa. Sau giai đoạn phục hồi tạm bợ đó, nếu nền kinh tế không được bơm vào sức sống thật sự, nó sẽ tiếp tục lao dốc. Người ta có thể kiểm nghiệm lại đồ thị lao dốc của nền kinh tế Mỹ và chỉ số chứng khoán Dow Jones vào nửa cuối năm 2008 để có thể xác nghiệm một bài học nào đó cho nền kinh tế Việt Nam.

Hoặc xa hơn nữa nhưng lại có vẻ rất gần gũi với Việt Nam, đó là cuộc Đại khủng hoảng năm 1929–1932 ở Hoa Kỳ, khi chỉ số Dow Jones mất đến 90% và tỷ lệ thất nghiệp tăng trên 20%.

Với tình hình trên, biểu đồ lao dốc của nền kinh tế có thể chỉ dừng lại vào năm 2016–2017, tức đến lúc đó nền kinh tế mới thật sự nhìn ra cái đáy của chính nó.

Nhưng còn sau đó, rất khó để có thể nói đến một sự phục hồi chữ V. Mà thường là giai đoạn trì trệ. Khi đó, chu kỳ tiếp theo sẽ là đường biểu diễn chữ L.

Việt Thắng

Infonet

Các tin tức khác

>   Tháng 5: Hoạt động sản xuất Việt Nam giảm sút trở lại (03/06/2013)

>   Nhà đầu tư nước ngoài chất vấn trực tiếp Chính phủ (03/06/2013)

>   Khi các con số biết nói (03/06/2013)

>   Thất nghiệp chỉ 2% dù kinh tế khó khăn (02/06/2013)

>   Lối thoát nào cho nền kinh tế? (02/06/2013)

>   Kích cầu tiêu dùng thế nào? (02/06/2013)

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kinh tế 2014 dự kiến tăng trưởng 6% (31/05/2013)

>   Kinh tế TP.HCM tiếp tục tăng trưởng ổn định (31/05/2013)

>   Ông Trần Du Lịch: Kịch bản 3 năm vực dậy nền kinh tế (31/05/2013)

>   Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia: Lạm phát 2013 sẽ thấp hơn mức mục tiêu 6,5% (31/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật