Ông Trần Du Lịch: Kịch bản 3 năm vực dậy nền kinh tế
Duy trì lạm phát mục tiêu, tăng chi tiêu công, nâng trần bội chi ngân sách, chính sách tín dụng và tỉ giá linh hoạt là bốn nhóm giải pháp cần triển khai trong ba năm (2013-2015) để vực dậy nền kinh tế được đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM) đề xuất tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 30-5.
Ông Trần Du Lịch (đoàn đại biểu TPHCM). Tỷ lệ tăng GDP các năm gần đây (số liệu : Tổng cục thống kế). Ảnh: V.Dũng
|
Thời điểm thuận lợi để tái cơ cấu kinh tế
“Cử tri cả nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, đang mong đợi tại kỳ họp này Quốc hội đưa ra những quyết sách gì khả dĩ ngăn chặn được xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đang diễn ra, chấm dứt giai đoạn trì trệ của nền kinh tế, vực dậy niềm tin cho thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển trong dài hạn” - đại biểu Trần Du Lịch bắt đầu bài phát biểu mà ông “rào đón” trước là nếu có “dư chút đỉnh thời gian xin chủ tọa thông cảm”.
Ông Lịch nói: “Nếu trước đây, do bất ổn kinh tế vĩ mô, chúng ta không tiến hành được các biện pháp mạnh để tái cơ cấu kinh tế thì nay là thời điểm thuận lợi và điều kiện để chúng ta tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn để hướng tới mục tiêu trung và dài hạn. Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội, loay hoay những biện pháp nhất thời thì chẳng mấy chốc lạm phát quay lại và chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn...
Tôi cho rằng sáu nhóm giải pháp mà Chính phủ đã nêu chưa đủ mạnh để vực nền kinh tế dậy. Tôi đề xuất bốn nhóm giải pháp sau đây:
Nhóm thứ nhất, hai năm rưỡi còn lại kế hoạch năm năm chúng ta phải xây dựng một chương trình mục tiêu trung hạn.
Chương trình này là chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, và trong chương trình này chính sách chủ đạo tôi gọi là chính sách lạm phát mục tiêu chuyển từ chuyện chống lạm phát bị động sang lạm phát chủ động với mức tăng CPI khoảng 6,5-7% trong ba năm 2013-2014-2015 và kéo giảm xuống dưới 5% cho giai đoạn tiếp theo.
Với chính sách chủ động như vậy sẽ tạo dư địa để phối hợp ba chính sách: chính sách tiền tệ, chính sách chi tiêu công và đặc biệt lộ trình điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước kiểm soát để vừa chống tái lạm phát, nhưng vừa có dư địa để kích thích thị trường...
Thứ hai, trên tinh thần lạm phát mục tiêu như vậy, tôi đề nghị có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công để làm sao trong ba năm từ 2013-2015 tổng đầu tư xã hội đạt mức 30-32% GDP.
Đây là một sự đòi hỏi phối hợp chặt chẽ cả hai chính sách tiền tệ, tài khóa để bổ sung nguồn lực. Không đạt mức đầu tư như vậy thì giai đoạn sau không thể phát triển được.
Thứ ba, về chính sách tài khóa, những giải pháp giảm miễn thuế Quốc hội đang bàn nhưng thực hiện trong ba năm đến 2015 chứ không thực hiện sáu tháng hay một năm.
Bên cạnh đó tôi đề xuất trong điều kiện hiện nay đây là quyết định rất khó khăn của Quốc hội, có thể nâng trần bội chi ngân sách vượt mức 4,8% GDP, tăng một số hình thức để làm sao chúng ta có thể xử lý trả nợ các công trình đầu tư dang dở, ngân sách nợ trong điều kiện nguồn vốn hấp thụ tín dụng rất hạn chế. Đầu tư công, chi tiêu công như một cú huých trong giai đoạn trước mắt để kích tổng cầu, giúp nền kinh tế phục hồi.
Thứ tư, tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quan tâm làm sao linh hoạt hơn trong cấp tín dụng, đừng để doanh nghiệp có thị trường nhưng chết vì không tiếp cận được vốn tín dụng.
Đây là một nguyên tắc tôi đề xuất và trong năm 2013 cần có dư nợ tín dụng như đã hứa là đạt 12%, và cũng đề nghị trong ba năm (2013-2015) mức tăng tín dụng bằng 3-3,5 lần mức tăng GDP và đồng thời nên linh hoạt chính sách tỉ giá. Hiện nay chính sách tỉ giá đang bất lợi cho nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm sản xuất thay thế hàng nhập khẩu”.
Chênh lệch giá vàng cao giữ cho thị trường ổn định
Đó là quan điểm giải trình của NHNN đối với nội dung được cử tri quan tâm trong quản lý thị trường vàng, được thể hiện trong báo cáo về công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng được gửi đến các đại biểu Quốc hội trong ngày 30-5.
Theo NHNN, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao và cao hơn nhiều so với những giai đoạn trước. Tuy nhiên, thị trường vàng ổn định, đầu cơ bị đẩy lùi, không còn hiện tượng làm giá, tạo sóng để kiếm lời, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng. Hiện tượng vàng hóa được kiềm chế và đẩy lùi. Thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh lên thị trường ngoại hối như trước đây, tỉ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế.
NHNN cho rằng chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định hơn trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới.
NHNN cũng khẳng định NHNN can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận. Trước đây, toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ kinh doanh vàng, nay thuộc về ngân sách nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh. Việc lựa chọn Công ty SJC sản xuất vàng miếng cho NHNN không tạo ra độc quyền doanh nghiệp cho Công ty SJC vì từ khi nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng mà chỉ gia công vàng miếng theo đơn đặt hàng của NHNN.
Cần giải pháp thích đáng bảo vệ ngư dân
Sốt ruột trước tình trạng “hằng năm Trung Quốc đều ra lệnh cấm đánh bắt cá trên cả lãnh thổ nước ta, xua đuổi người dân VN đánh cá trên các vùng biển chủ quyền của Tổ quốc”, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa) đại diện cho cử tri là quân dân các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đề nghị Chính phủ có giải pháp thích đáng bảo vệ ngư dân trên biển.
Ông Tuân cũng mong muốn các tổ chức công đoàn, các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên tiếp tục kêu gọi nhân dân đẩy mạnh các chương trình Góp đá xây Trường Sa, Tấm lưới nghĩa tình, Cùng ngư dân trẻ bám biển...
“Đã qua nhiều kỳ tiếp xúc cử tri, cử tri luôn bức xúc, quan tâm về tình hình biển Đông và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Với những diễn biến ngày càng phức tạp, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần thông tin kịp thời, đầy đủ những diễn biến, tình hình quản lý chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển Đông cho các tầng lớp cử tri, cán bộ, đảng viên” - đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) bày tỏ.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhắc đến lĩnh vực mà lâu nay hình như sinh hoạt Quốc hội ít đề cập tới, đó là vấn đề ngoại giao, quốc phòng. Đồng thời ông Quốc đã chuyển lời kiến nghị của những người làm công tác sử học tới Chính phủ là sang năm, vừa đúng 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của VN năm 1974, và 35 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
“Chính phủ nên chỉ đạo cuộc sinh hoạt chính trị thế nào để ghi nhận từ lịch sử dân tộc một bài học sâu sắc về chiến tranh, cũng là bài học về hòa bình. Chỉ có thấm nhuần những bài học lịch sử mới bảo vệ vững chắc được chủ quyền và giữ gìn được hòa hiếu lâu bền với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới” - ông Quốc nói.
“Nay cung cấp số liệu, mai lại điều chỉnh”
Nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục mổ xẻ các con số trong báo cáo của Chính phủ và bày tỏ sự nghi ngờ. Có đại biểu bình luận rằng “những con số như được cài đặt”. Hai thành viên Chính phủ đã phải giải trình vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định con số giảm nghèo thêm 2,3% trong năm 2012 là có cơ sở. Bà Chuyền cho biết lý do là chúng ta đã thành lập các ban chỉ đạo giảm nghèo từ trung ương đến địa phương, hằng năm rà soát danh sách, các đồng chí chủ tịch UBND tỉnh báo cáo trước HĐND. “Do vậy, tập hợp lên thì toàn quốc còn tỉ lệ hộ nghèo là 9,6%. Chúng tôi tin vào các con số này, bởi năm 2012 khó khăn, nhưng ngân sách dành cho các chương trình giảm nghèo vẫn tăng lên” - bà nói.
Là người đứng đầu bộ chịu trách nhiệm tổng hợp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh phân trần: “Báo cáo của Chính phủ từ trước đến nay dựa trên các số liệu từ cơ quan thống kê và ngành dọc từ các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Cho nên nguồn số liệu có rất nhiều.
Ví dụ, trong số 15 chỉ tiêu mà Quốc hội thông qua thì cơ quan Tổng cục Thống kê chỉ công bố sáu chỉ tiêu, còn lại chín chỉ tiêu của các bộ, ngành lựa chọn và cung cấp. Số liệu từ các nguồn khác nhau, có thể chưa chính xác, nhưng độ tin cậy để có đánh giá thì cơ bản là chấp nhận được.
Có một số số liệu khép kín nên cũng không có căn cứ để bình luận xem chính xác hay không chính xác. Chúng tôi cũng rất vất vả khi xử lý các số liệu này, bởi vì hôm nay các bộ, ngành có thể cung cấp một số liệu, ngày mai lại điều chỉnh”.
Ý kiến đại biểu
* Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: “Việc hàng ngàn tỉ đồng của dân bỏ ra mua phải 70% mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng ai chịu trách nhiệm? Không lẽ chỉ là lỗi của dân? Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ cần làm rõ để trả lời cho cử tri.”
* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): “Báo cáo của Chính phủ chủ yếu nêu thành tích và nêu rất ít hạn chế, phát biểu của đại biểu thì xoáy sâu vào hạn chế. Tôi đề nghị lần sau báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ phải nói sâu về những vấn đề còn hạn chế để đại biểu Quốc hội hiểu, từ đó cùng Chính phủ đưa ra giải pháp thích hợp để giải quyết khó khăn”.
* Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương): “Có một tình hình khác đáng lo ngại hơn nhưng rất tiếc lại đang diễn biến trong nền kinh tế đất nước chúng ta. Đó là không khí im lặng, dò xét và tâm thế ngồi yên chờ thời trong không ít doanh nghiệp. Đó là sự thiếu tin tưởng, thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô mà Nhà nước đang tiến hành, đó còn là sự lo ngại, ngao ngán về khả năng thao túng của các nhóm lợi ích. Tôi cho rằng chúng ta cần minh bạch và công khai hơn nữa để hóa giải tâm lý tiêu cực trên, niềm tin cần nhanh chóng được khôi phục”.
|
P.V
Tuổi Trẻ
|