Thứ Tư, 29/05/2013 21:09

CSTT chỉ hiệu quả khi theo đuổi một mục tiêu

Khi lạm phát đã được kiểm soát, DN đang gặp khó khăn, NHNN đã hạ thấp mặt bằng lãi suất và cung ứng vốn cho các NHTM để đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm. Việc hạ thấp lãi suất và cung ứng tiền cũng đồng nghĩa với nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT), song mức độ nới lỏng vẫn phải đảm bảo kiểm soát được lạm phát như mục tiêu đã đề ra.

Mục tiêu hàng đầu

Ổn định giá trị đồng tiền có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với một nền kinh tế, vì nó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô (việc làm, thu nhập, công bằng, an sinh xã hội), tăng cường vị thế đối ngoại của nền kinh tế... Chính vì thế, ổn định giá trị đồng tiền đã trở thành mục tiêu hàng đầu của tất cả các NHTW trên thế giới.

Kết thúc năm 2011, nền kinh tế đang đứng trước những mất cân đối lớn: Tăng trưởng kinh tế đạt 5,89%, CPI tăng 18,13%, thâm hụt ngân sách trên 5%, thâm hụt thương mại lớn. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng bộc lộ nhiều yếu kém, hiệu quả đầu tư thấp, thị trường tài chính ẩn chứa nhiều bất ổn. Trong khi kinh tế thế giới được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, các nền kinh tế chủ chốt phục hồi chậm chạp, khủng hoảng nợ công khu vực châu Âu lan rộng, giá lương thực thực phẩm và năng lượng trên thế giới tiếp tục gia tăng...

Tình trạng nhập siêu kéo dài tạo áp lực rất lớn đến tỷ giá

Trước bối cảnh như vậy, việc thực thi chính sách tiền tệ (CSTT) theo xu hướng chặt chẽ, linh hoạt trong năm 2012 của NHNN là sự lựa chọn tối ưu. Bởi nếu không thì nguy cơ lạm phát tiếp tục gia tăng là khó tránh khỏi, đi kèm theo lạm phát là những mất cân đối vĩ mô sẽ tiếp tục trầm trọng hơn.

Trong năm 2012, các công cụ CSTT đã được sử dụng rất đồng bộ, hiệu quả theo đúng mục tiêu định hướng đã đề ra. Xu hướng thận trọng, được thể hiện ở giải pháp hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức từ 15-17% (những năm trước là trên 20%-30%). Việc thực hiện hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức như trên, cùng một lúc sẽ đạt được 3 mục tiêu: kiểm soát lạm phát, cải thiện thanh khoản của thị trường và hạn chế sự gia tăng nợ xấu.

Tính linh hoạt của CSTT, được thể hiện ở sự ứng phó kịp thời trước những biến động của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế. Cụ thể, trước tình hình khó khăn trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của DN, khi lạm phát có xu hướng giảm, từ tháng 3/2012 NHNN đã kịp thời giảm mặt bằng lãi suất liên tiếp để hỗ trợ cho DN. Theo đó, trong năm 2012, NHNN đã 6 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất chỉ đạo, đưa lãi suất tái cấp vốn từ 15%/năm xuống 9%/năm tại thời điểm cuối năm; lãi suất chiết khấu từ 13%/năm xuống 7%/năm.

NHNN cũng 5 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND từ 14%/năm xuống 8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng; từ 6%/năm xuống 2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn. Bên cạnh đó, NHNN cũng áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với 4 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ), lãi suất điều chỉnh giảm từ 15% xuống còn 12%/năm.

Riêng đối với tiền gửi trên 12 tháng, NHNN cho phép các TCTD tự ấn định trên cơ sở quan hệ cung cầu. Đây cũng là dấu hiệu khởi đầu cho việc tự do hóa lãi suất các loại kỳ hạn khi thị trường cho phép. Điều này cũng thể hiện tính linh hoạt và thận trọng trong việc điều hành CSTT của NHNN hướng tới áp dụng các công cụ tiền tệ gián tiếp.

Để chính sách tiền tệ đạt hiệu quả cao

Về phương diện lý thuyết cũng như thực tế, mỗi công cụ chính sách chỉ mang lại hiệu quả cao khi theo đuổi một mục tiêu. CSTT là một hệ thống các biện pháp chính sách của cơ quan quản lý tiền tệ (NHTW), nhằm điều tiết cung tiền và lãi suất để đạt được mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm cao. Việc nới lỏng hay thắt chặt cung tiền qua công cụ CSTT, sẽ làm giảm hoặc tăng lãi suất nền kinh tế qua đó sẽ khuyến khích hay hạn chế hệ thống ngân hàng cho vay nền kinh tế (hoặc DN đến vay ngân hàng), qua đó sẽ có tác động đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Do vậy, CSTT sử dụng để kiểm soát lạm phát sẽ hiệu quả hơn là sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng. Lý thuyết về tăng trưởng kinh tế đã khẳng định, có 4 yếu tố chính quyết định tăng trưởng kinh tế đó là: lao động, vốn, đất đai và công nghệ. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vững chắc, cần sử dụng có hiệu quả cả 4 yếu tố đó. Từ đó có thể thấy, không thể sử dụng hiệu quả công cụ CSTT khi mà công cụ này phải theo đuổi cùng một lúc quá nhiều mục tiêu.

Một câu hỏi đặt ra ở đây là, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay, NHNN có nên nới lỏng mạnh hơn nữa CSTT không? Như đã nói ở phần trên, nhiệm vụ chính của CSTT là kiểm soát lạm phát nên việc nới lỏng hay thắt chặt CSTT chỉ vì mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trong ngắn hạn, khi lạm phát đã được kiểm soát, DN đang gặp khó khăn như hiện nay, NHNN đã thực hiện hạ thấp mặt bằng lãi suất và cung ứng vốn cho các NHTM để đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm nhằm thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân. Việc hạ thấp lãi suất và cung ứng tiền cũng đồng nghĩa với nới lỏng CSTT, song mức độ nới lỏng vẫn phải đảm bảo kiểm soát được lạm phát như mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, những thay đổi của công cụ CSTT làm tăng (giảm) lãi suất hay cung tiền không thể tác động ngay đến sự thay đổi về lạm phát, hoặc ảnh hưởng ngay đến tăng trưởng kinh tế, bởi nó cần thời gian để thay đổi hành vi thị trường.

Chính vì vậy, một trong những yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả điều hành CSTT đó là khả năng dự báo tốt những nhân tố tác động làm thay đổi dự báo lạm phát trong tương lai để NHTW kịp thời điều chỉnh các chính sách. Đồng thời trong quá trình điều hành cần thiết phải kiên định mục tiêu theo đúng nhiệm vụ cơ bản mà bản thân mỗi chính sách hướng tới và tăng cường sự trao đổi, phối hợp đồng bộ giữa các chính sách để hướng tới mục tiêu chung.

Bên cạnh đó, cũng cần thiết tăng cường tính linh hoạt, sáng tạo trong việc điều chỉnh phù hợp mục tiêu của từng chính sách, sử dụng các công cụ chính sách trong từng giai đoạn, chấp nhận những đánh đổi về mục tiêu nhất định trong ngắn hạn để phản ứng nhanh chóng trước các diễn biến bất thường của nền kinh tế nhưng không quên đi mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản, và tính quy luật của mỗi chính sách.

Thanh Anh

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   “Báo động” thất nghiệp do doanh nghiệp phá sản (29/05/2013)

>   “Đã đến lúc nên ưu tiên hơn cho tăng trưởng” (29/05/2013)

>   Muốn tăng trưởng phải chấp nhận lạm phát tương ứng (28/05/2013)

>   Standard Chartered: Lạm phát có thể quay lại trong quý IV (28/05/2013)

>   Nợ công tăng 5 lần sau một thập kỷ (28/05/2013)

>   “Bóng ma” lạm phát đáng ngại hơn giảm phát (28/05/2013)

>   Quỹ Tiền tệ Quốc tế: Kinh tế Việt Nam phục hồi từ mức đáy (27/05/2013)

>   Tương lai kinh tế Việt Nam 'rất gập ghềnh' (27/05/2013)

>   Oan cho chuyên gia kinh tế (27/05/2013)

>   Đừng để con số bị vênh (27/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật