Muốn tăng trưởng phải chấp nhận lạm phát tương ứng
Trong những năm gần đây, các chính sách kinh tế của nước ta dường như vẫn loay hoay trong việc lựa chọn giữa tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, diễn biến kinh tế Việt Nam hơn hai thập kỷ qua cho thấy, lạm phát và tăng trưởng có quan hệ tỷ lệ nghịch.
Theo thống kê về diễn biến lạm phát và tăng trưởng ở Việt Nam từ năm 2000 đến nay, khi lạm phát ở ngưỡng thấp, khoảng dưới 5% từ năm 2000-2003 thì tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định. Nhưng khi lạm phát xấp xỉ hoặc ở mức hai con số, từ năm 2007-2011, tăng trưởng lại có xu hướng chững lại và giảm xuống.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, thực tế tăng trưởng của nước ta là tăng trưởng theo kiểu đánh đổi, tức là muốn đạt được mức tăng trưởng khá thì phải chấp nhận mức lạm phát tương ứng. Tuy nhiên, hệ số ICOR (hệ số hiệu quả sử dụng vốn) của nước ta quá cao nên hiệu quả đầu tư thấp, chi phí cho tăng trưởng cao tác động đến lạm phát. Nói cách khác, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ở nước ta còn thấp nên tăng trưởng chưa đạt cao như kỳ vọng thì lạm phát đã mon men đến mức hai con số.
Thực trạng kinh tế Việt Nam hơn hai thập kỷ qua cho thấy, lạm phát và tăng trưởng có quan hệ tỷ lệ nghịch. Ngưỡng lạm phát của Việt Nam cũng nằm trong ngưỡng của các nước đang phát triển, tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư trong thời gian dài đã gây nên lạm phát, từ đó lạm phát tác động trở lại làm giảm tăng trưởng. Và để ngăn chặn lạm phát, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp như: giảm cung tiền, tái cơ cấu đầu tư, giảm tín dụng...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những giải pháp kiềm chế lạm phát quá mạnh tay có thể dẫn đến nhiều bất cập hơn. Ví dụ như kinh tế suy thoái, doanh nghiệp không còn sức sống. Việc chỉ số giá tiêu dùng thời gian qua liên tục đứng ở mức thấp, thậm chí tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giảm điểm, không hẳn đã là thành công của công cuộc kiềm chế lạm phát, mà còn là dấu hiệu cảnh báo sự suy thoái kinh tế, sức mua thấp…
Một trong những khu vực thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư cũng như các định chế tài chính là khu vực đầu tư công và thị trường tài chính nước ta. Thực tế thị trường tài chính nước ta chưa thực hiện tốt chức năng phân bổ, sàng lọc và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng được phân bổ vào khu vực hiệu quả thấp, rủi ro cao, hoặc đầu cơ vào chứng khoán và bất động sản. Theo Phó giám đốc Trung tâm dự báo kinh tế xã hội quốc gia Đỗ Văn Thành, việc nghiên cứu mối tương quan giữa lạm phát và tăng trưởng sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách lựa chọn được kịch bản thích hợp với điều kiện phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Mục tiêu tăng trưởng cao, lạm phát thấp là lý tưởng với Việt Nam nhưng trong ngắn hạn và trung hạn, rất khó có thể điều hành để đạt được cả hai mục tiêu trên. Nếu cố đạt được mục tiêu bằng mọi giá, rất có thể sẽ phải trả giá với lạm phát cao, tăng trưởng thấp. Trong điều kiện suy giảm kinh tế, doanh nghiệp quá khó khăn như hiện nay thì nên ưu tiên tăng trưởng và phải chấp nhận lạm phát ở ngưỡng tối ưu trong giai đoạn 2013 - 2015 là 7 - 7,5%. Để làm được điều này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ, tài khóa, song song với các giải pháp phi tiền tệ. Cụ thể là chọn khâu ưu tiên đột phá và lộ trình tái cơ cấu kinh tế trong điều kiện nguồn lực tài chính quốc gia hạn hẹp.
Thu Thùy
Đại biểu nhân dân
|