Thứ Hai, 27/05/2013 10:19

Oan cho chuyên gia kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo” là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa tại phiên họp chiều 14.5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp này đặt trọng tâm vào việc xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013. Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt mức là mức giảm tỉ lệ hộ nghèo.

Có lẽ để giải thích thêm cho thành tích này, ông Hòa cho rằng mặc dù có khó khăn về kinh tế nhưng “theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”.

Thế nào là nghèo?

Theo Quyết định 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn để xác định hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống ở nông thôn, từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống ở thành thị. Tiêu chí là vậy, nhưng ở Việt Nam, xác định thu nhập là việc rất khó. Theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phương pháp xác định hộ nghèo là sự kết hợp giữa phương pháp nhận dạng nhanh với phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân.

Theo phương pháp nhận dạng nhanh, điều tra viên sẽ quan sát và tự quyết định hộ nào có thể được xếp vào hộ nghèo. Còn phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân thì phải có bình xét của người dân tại hội nghị bình xét tổ chức ở thôn, ấp, tổ dân cư. Hội nghị phải có trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự và sẽ lấy ý kiến biểu quyết đối với từng hộ. Kết quả biểu quyết phải có trên 50% số người tham dự đồng ý mới đưa vào danh sách hộ nghèo.

Khi các địa phương tổ chức điều tra và bình chọn hộ nghèo, không có sự giám sát độc lập của cơ quan tổ chức nào của trung ương hoặc của các tổ chức phi chính phủ. Các địa phương sẽ được coi là có thành tích tốt nếu giảm được số hộ nghèo nhiều hơn so với chỉ tiêu đặt ra. Vì thế, bệnh thành tích là khó tránh khỏi.

Các cơ quan trung ương phải dựa vào báo cáo từ các địa phương, như giải thích của ông Hòa là “tỉ lệ hộ nghèo được báo cáo từ địa phương lên”. Việc báo cáo một chiều này sẽ dẫn tới sự lúng túng của cơ quan trung ương khi gặp phải tình trạng kinh tế đi xuống mà người nghèo lại giàu lên.

Ai khổ hơn ai?

Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến đối tượng dân cư nào nhất? Về con số tuyệt đối (tức số thu nhập bị mất đi), các chủ doanh nghiệp, người làm ăn lớn là bị mất nhiều tiền nhất. Một ngày thị trường chứng khoán sụp đổ có thể kéo theo giá trị tài sản của tỉ phú Mỹ Warren Buffett bốc hơi đến hàng tỉ USD như giai đoạn cuối năm 2008 đầu năm 2009. Không có người nghèo nào có số tiền lớn như vậy để mất.

Về mặt tương đối, người lao động nghèo thường mất nhiều hơn. Lý do là họ thường chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất: tiền lương/tiền công lao động. Khủng hoảng kinh tế bao giờ cũng kéo theo việc sa thải lao động. Những người mất việc làm sẽ là những người mất đi nguồn sống duy nhất của mình và gia đình và sẽ bị đẩy vào cảnh khó khăn.

Đương nhiên, có những bộ phận người dân không bị ảnh hưởng nhiều. Đó là những người không bị sa thải, những người không có việc làm từ trước khi khủng hoảng nổ ra, hoặc những người ở vùng sâu vùng xa, nơi chủ yếu sống theo kiểu tự cấp tự túc và không dùng tiền nhiều. Đối với những người này, không phải khủng hoảng kinh tế, mà suy thoái môi trường mới là mối nguy lớn.

Trong trường hợp của Việt Nam, suy thoái hiện nay không chỉ liên quan đến công ăn việc làm mà còn đến sức mua của đồng tiền. Lạm phát chính là mối nguy lớn đối với người thu nhập thấp.

Đối với những người nhận lương tối thiểu (và không mất việc làm), nếu lấy mức lương năm 2000 làm mốc (chỉ số = 100) thì năm 2006, lương của họ sau khi đã điều chỉnh mức độ trượt giá bằng 185,3, cao gần gấp đôi sau 6 năm. Thế nhưng, từ năm 2006 trở lại đây, họ hầu như không được hưởng lợi gì từ tăng trưởng kinh tế do tốc độ trượt giá cao hơn tốc độ tăng lương trong nhiều năm. Có năm thu nhập thực tế của họ còn giảm, như năm 2007 và 2008 đã giảm liên tục so với năm 2006.

Nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người giàu khi CPI tăng, vì họ không có tài sản đáng kể và thu nhập của họ là để chi tiêu hằng ngày. Còn CPI, hay là chỉ số giá tiêu dùng, vẫn được dùng làm thước đo lạm phát.

Điều đó có ý nghĩa gì? Ví dụ, một người giàu có 100 đồng, trong đó chỉ dùng 10 đồng để chi tiêu, còn lại là để mua tài sản khác. Một người nghèo thu nhập 5 đồng và dùng cả 5 đồng để chi tiêu. Trong nhiều giai đoạn, giá các tài sản khác không tăng bằng giá hàng tiêu dùng, thậm chí còn giảm. Điển hình là giai đoạn vừa qua, giá nhà đất hầu như không tăng (khi tính bằng tiền đồng) trong khi CPI tăng mạnh.

Người nghèo phải dùng hết thu nhập của mình cho hàng tiêu dùng, nên họ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cơn bão CPI. Trong khi đó, người giàu chỉ dùng một phần thu nhập cho hàng tiêu dùng, còn lại có thể được dùng để mua các tài sản không bị ảnh hưởng nhiều bởi CPI tăng.

Đây là sự thật hiển nhiên. Không có chuyện chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo như lời của ông Hòa. Phát biểu này không có cơ sở lý thuyết và càng không có cơ sở thực tiễn. Nó cũng khoác lên vai của những người được coi là chuyên gia kinh tế một án oan mà họ không bao giờ phạm phải.

TS. Trần Vinh Dự

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Đừng để con số bị vênh (27/05/2013)

>   Giá thực phẩm thuộc về ai? (27/05/2013)

>   Vốn FDI tháng 5 giảm mạnh (26/05/2013)

>   Bộ trưởng Vũ Đức Đam: “Chúng ta không chủ quan dù vĩ mô tốt hơn” (26/05/2013)

>   “Cho Chính phủ vay là an toàn nhất” (26/05/2013)

>   Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2013 (26/05/2013)

>   TS Lê Xuân Nghĩa luận về tăng trưởng, nợ xấu, vàng và ngoại tệ (25/05/2013)

>   Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: Xem xét nới trần nợ công (25/05/2013)

>   “Cứu” gần 3.000 doanh nghiệp FDI “đang sống phải chết” (25/05/2013)

>   Tối ưu hóa mục tiêu tăng trưởng - lạm phát (25/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật