TS Lê Xuân Nghĩa luận về tăng trưởng, nợ xấu, vàng và ngoại tệ
Tại buổi hội thảo “Ý nghĩa và tính thực tiễn của Nghị quyết 02 trong việc giải phóng tồn kho BĐS” tổ chức ngày 24/05, TS Lê Xuân Nghĩa đã có những chia sẻ thú vị về tăng trưởng, vấn đề nợ xấu, thị trường vàng và ngoại tệ.
TS Lê Xuân Nghĩa
|
Nền kinh tế đã thoát đáy từ quý 1/2013
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu hồi phục từ đáy trong quý 1/2013. Bằng chứng là chỉ số PMI sản xuất trong tháng 3/2013 đã tăng trên mốc 50 điểm sau khi giảm dưới mức này trong tháng trước đó. Tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm ước tính tăng 2.5%, tích cực hơn rất nhiều so với mức âm của cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, thâm hụt thương mại tháng 5 lên đến 1.7 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 723 triệu USD. Tích cực hơn, lượng vốn FDI vào Việt Nam nhiều trong thời gian từ đầu năm cho thấy môi trường đầu tư đã có những cải thiện đáng kể.
TS Nghĩa cũng đưa ra 3 giả thuyết về tăng trưởng mà Chính phủ cân nhắc lựa chọn để đưa nền kinh tế vươn lên trong năm 2013.
Theo đó, giả thuyết thứ nhất là Chính phủ sẽ không can thiệp vào điều hành thị trường, để tự các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu, doanh nghiệp tự đối mặt với khó khăn và phá sản. Khi đó kết quả dự kiến tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 sẽ đạt dưới 8%, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn đóng băng và GDP chỉ tăng ở mức 4%.
Giả thuyết thứ hai, Chính phủ sẽ can thiệp nhưng ở mức độ rất ít, NHNN sẽ dùng dự trữ bắt buộc để tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại. NHNN cũng có thể dùng dự trữ ngoại tệ hay in thêm tiền mới để thực hiện tái cấp vốn. Kết quả của giả thuyết này là tăng trưởng dưới 14%, BĐS bắt đầu tan băng, GDP tăng từ 6-6.5%.
Đối với giá thuyết này, vấn đề lo lắng là liệu có dẫn đến lạm phát hay không? Có mất cân đối trong cán cân thanh toán không và tỷ giá như thế nào? TS Nghĩa cho biết, nhóm làm việc của ông đã nghiên cứu rất kỹ và đưa ra kết luận lạm phát sẽ không xuất hiện vì tổng cầu còn rất yếu, NHNN hoàn toàn có thể xử lý được những vấn đề nảy sinh về lạm phát (nếu có), cán cân thanh toán hay tỷ giá.
Giả thuyết thứ ba, Chính phủ sẽ dùng tiền thật, tiền mặt từ nguồn bán tài sản của các DNNN. Thực hiện vay nội địa hay nước ngoài từ việc phát hành trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế. Kết quả, dự kiến tăng trưởng tín dụng dưới 18%, GDP tăng từ 7.5-8% trong năm 2013. Tuy nhiên theo TS Nghĩa thì giả thuyết thứ ba rất khó thực hiện vì còn liên quan đến rất nhiều vấn đề mà cụ thể là việc bán tài sản các DNNN sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Từ đó, theo ông Nghĩa thì Chính phủ nên thực hiện giả thuyết thứ hai và kết hợp một phần giả thuyết thứ ba (phát hành trái phiếu) để cân đối được tăng trưởng, lạm phát mục tiêu và giải quyết khó khăn từ nợ xấu.
Ba phương án xử lý nợ xấu
Nói về vấn đề nợ xấu, TS Nghĩa cho biết các nhà làm ngân sách đứng trước nỗi khổ là làm sao giải quyết nợ xấu mà không dùng tiền ngân sách. Vì thế có 3 phương án cần cùng thực hiện cùng lúc để giải quyết được nợ xấu.
Đó là việc thành lập Công ty mua bán nợ xấu (AMC) để thực hiện xử lý nợ xấu nhóm 4 và 5. Giá mua lại nợ xấu bằng giá trị sổ sách. Nguyên nhân mua bằng giá sổ sách xuất phát từ yêu cầu “nhanh và cấp bách”, nếu để các ngân hàng thỏa thuận bán lại nợ xấu với giá nào là hợp lý sẽ mất rất nhiều thời gian. Đáng chú ý, các ngân hàng sau khi bán nợ xấu cho AMC sẽ trích lập 20% dự phòng rủi ro hàng năm trái phiếu đã chuyển đổi.
Tiếp theo, NHNN sẽ thực hiện tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại để xử lý nợ xấu nhóm 3.
Cuối cùng là xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém.
Nguyên nhân quốc hữu hóa SJC
Chia sẻ tại buổi hội thảo, TS Nghĩa còn đưa ra những nguyên nhân mà Chính phủ quyết định quốc hữu hóa thương hiệu vàng miếng SJC.
TS Nghĩa cho biết, vào năm 2008 dự trữ ngoại hối quốc gia đạt 23 tỷ USD nhưng đến năm 2011 chỉ còn 7 tỷ USD. Cán cân thanh toán rơi vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” vì một quốc gia có FDI, nợ hay tỷ lệ xuất nhập khẩu bằng 1.6 lần GDP mà dự trữ chỉ 7 tỷ USD là rất nguy hiểm.
Khi đánh giá lại tổng ngoại tệ vào trừ đi ngoại tệ ra, không những không bằng dự trữ ngoại hối mà còn bị thâm hụt mất 10 tỷ USD. Lúc đó, rà soát lại mới biết con số này là từ thị trường vàng mà ra.
Vào thời điểm đó việc nhập lậu vàng không thể kiểm soát được, vì vàng sau khi nhập khẩu qua đơn vị SJC gia công rồi bán ra thị trường mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ. Con số ước tính là lãi gần 1 triệu đồng trên mỗi lạng vàng, trong khi có người nhập lậu đến cả 60kg vàng.
Nhận diện thấy vấn đề hết sức nguy cập nên Chính phủ mới quyết định thực hiện quốc hữu hóa thương hiệu vàng SJC nhằm đạt mục tiêu đưa dự trữ ngoại hối lên mức an toàn trở lại. Kết quả tính đến hiện nay, dự trữ đã đạt 30 tỷ USD, TS Nghĩa tiết lộ.
Việc thực hiện đưa SJC thành thương hiệu vàng quốc gia cuối cùng đã hạn chế được rất nhiều trong việc nhập lậu vàng. Còn đối với việc chênh lệnh giá vàng trong nước, TS cho biết đang có một phương án khác sẽ triển khai trong 2, 3 năm tới. Còn trước mắt NHNN sẽ bình ổn được tới đâu thì hay đến đó.
Về tỷ giá, TS Nghĩa chia sẻ việc giữ tỷ giá ổn định trong năm nay là nằm trong giới hạn và cố gắng của NHNN. Vì khi tăng cung tiền để kích thích tăng trưởng sẽ làm lãi suất giảm và tỷ giá theo đó cũng sẽ phải tăng lên. Khi không còn chịu nổi trước áp lực tỷ giá, NHNN buộc phải điều chỉnh, mà theo ước tính thì có thể tăng 4 đến 5% trong năm 2014.
Sanh Tín ghi (Vietstock)
Infonet
|