Thứ Tư, 05/06/2013 15:36

Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Vinamit (Vinamit)

Chủ tịch Vinamit: Chia sẻ để không sống trong đe dọa và sợ hãi

Mang lại “cuộc đổi đời” cho mít và chuối, Vinamit đang tạo nên sức mạnh mới cho nông phẩm Việt Nam ở khắp các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Singapore, Thái Lan… Không co cụm, tự ti, những bước đi đầy gian truân của ông Nguyễn Lâm Viên để chinh phục thị trường quốc tế là hành trình “mở cõi” đáng khâm phục.

Theo ông, vì sao niềm tin, giá trị lớn nhất của nền kinh tế lại bị tổn thương đến như vậy trong thời buổi hiện tại?

Niềm tin phải được xây dựng hai chiều. Không thể bắt những người bên dưới tin mà bên trên không hành động. Đừng vắt kiệt sự yêu mến của người dân bằng nỗi thất vọng. Nhìn vào bối cảnh nền kinh tế, nếu cứ để thất vọng và thất vọng kéo dài thì niềm tin sẽ mất. Điều hành nhà nước phải mạnh dạn thay đổi chứ.

Thực chất, doanh nhân không cần Nhà nước ban phát một cục tiền để sống sót, bản thân họ có năng lực để phát triển. Hãy giúp đỡ họ bằng một môi trường minh bạch, chính sách rõ ràng, công bằng. Nếu cào bằng lãi suất giữa nhà buôn, những kẻ áp phe với nhà sản xuất thì đất nước không có hàng hoá. Phải ủng hộ những người làm sản xuất, đầu tiên có thể sản xuất nhỏ. Nếu để các nhà tài phiệt thôn tính, tạo thành nhóm lợi ích thì đất nước sẽ chỉ có 1% tầng lớp thượng lưu, 99% còn lại là nô lệ. Nhà nước muốn đất nước có nhiều sản phẩm, nhiều thương hiệu hay chỉ có một nhà tài phiệt lo sản xuất, một nhà tài phiệt lo tiền bạc, còn lại là những người lệ thuộc? Nếu thế, dân sẽ khổ dài dài, nền kinh tế tụt hậu, sức mua không còn.

Khi cái dũng trong điều hành vĩ mô không còn, đất nước sẽ lâm vào lệ thuộc.

Vậy theo ông, trong lúc này Nhà nước cần tập trung những chính sách cụ thể nào để cứu doanh nghiệp?

Nhà sản xuất phải được tiếp cận với những nguồn tài chính hạn mức lớn, lãi suất thấp. Trong khi chưa thấy một chính sách nào bỏ vài chục tỉ đồng vào nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp nhẹ, để tạo ra hàng hoá chống lại làn sóng lớn của nước ngoài đang ập vào, lại thấy Nhà nước bỏ hàng ngàn tỉ vào địa ốc, rất đau lòng.

Tôi thấy những nhà sản xuất Việt Nam đi tiên phong giờ này thật đơn thương độc mã, họ phải vắt kiệt sức mình, bỏ tiền túi để kinh doanh, lợi thế cạnh tranh không có, sẽ tụt hậu. Nhà nước phải giúp thì họ mới có tiền đầu tư kỹ thuật cao để tái đầu tư mở rộng. Những ký kết thương mại sau ASEAN+1 được thực thi, hàng hoá nước ngoài tràn vào, coi chừng chúng ta sẽ trả giá như Trung Quốc: người Việt quay lưng với sản phẩm của người Việt.

Với nông nghiệp thì sao?

Một nền nông nghiệp tiểu nông và không có kế hoạch, một chính sách sai từ gốc, thuế VAT bất hợp lý, nên nông dân bị thương lái làm mưa làm gió. Nhà nước phải quyết tâm tạo một hành lang chính sách thông thoáng để tất cả những nhà tài chính lao vào đầu tư cho nông nghiệp, như đã từng đầu tư cho khu công nghiệp, lúc ấy mới mong tạo ra cú hích cho nông nghiệp thay da đổi thịt.

Tôi đã từng làm nông trường từ những năm 1980, tôi hiểu cơ hội cho ngành bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch là tiền đồ của nông nghiệp Việt Nam. Nếu tiếp cận được với công nghiệp, kỹ thuật, đó là sức mạnh cốt lõi, sở hữu của Việt Nam trong tương lai. Ở mức cao hơn, chế biến thành thuốc cho người tiêu dùng sẽ là khả năng vô tận mà Việt Nam sẵn có do cây cỏ thiên nhiên vô cùng phong phú. Quan trọng là Chính phủ phải biết cách bảo vệ sáng tạo của người dân. Một nước mà trùn đầy rẫy như Việt Nam nhưng lại nhập phân trùn của Mỹ để bón cây, chịu nổi không!

Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào để doanh nghiệp tự cứu mình?

Mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đặt văn phòng tại Singapore, Hong Kong, hoặc một đảo nào đó có chính sách hỗ trợ tốt hơn về tài chính, mượn dòng chảy của nước khác... đó là quy luật. Lơ mơ, tới một ngày nào đó chúng ta chỉ còn các thương hiệu mang tên Việt Nam, nguyên liệu Việt Nam, con người làm ra là Việt Nam, nhưng thu tiền lời không phải người Việt.

Khi doanh nghiệp cảm thấy cùng đường, không còn ý nghĩa nữa thì họ phải bán thương hiệu thôi, nếu không sẽ mất xác, như Phở 24 chẳng hạn…

Nhiều doanh nhân đang kiếm tiền bằng mọi giá, tàn phá môi trường, huỷ hoại rừng, bóc lột tài nguyên... Theo ông, bao giờ chúng ta mới có những doanh nhân kinh doanh với tinh thần nhân văn?

Tôi thấy doanh nhân Việt có bốn tố chất riêng biệt, căn bản, nếu biết phát triển, càng về sau những tố chất ấy sẽ trở thành triết lý kinh doanh cho chính họ.

Đầu tiên là giai đoạn ăn xổi ở thì, bằng mọi cách len lỏi vào xã hội để tìm áp phe, cơ hội, miễn làm sao ra tiền. Mục tiêu của họ ở giai đoạn này: “tiền là trên hết”. Khi có tiền, nhờ sự len lỏi đó, hình thành sự đầu cơ – tranh thủ đầu cơ bất cứ lĩnh vực gì đang nóng, mang lại lợi nhuận nhanh nhất, từ khách sạn, đất đai, nhà cửa, hiện vật, hiện kim, hàng hoá...

Nhưng khi bắt đầu khá lên, tố chất thứ ba nảy sinh: làm sao tạo ra một sản phẩm có giá trị bằng nỗ lực bằng sáng tạo, từ đó họ trở thành một CEO am hiểu về tài chính, marketing, sales… để đưa lại giá trị sản phẩm, tạo ra thương hiệu đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Khi lợi nhuận nhiều, phải có danh: giai đoạn thứ tư là trở thành một doanh nghiệp vì cộng đồng, kinh doanh bằng sự yêu mến cộng đồng, nghĩ về cộng đồng để làm những dự án lớn hơn, từ đó được người tiêu dùng yêu mến thương hiệu.

Từ bốn tố chất đó, mỗi doanh nhân tự tìm ra một triết lý để kinh doanh, có người chỉ mãi dừng ở giai đoạn đầu tiên, coi tiền là số một, có người đi đến cùng để có danh, có thương hiệu, để được yêu mến nhiều hơn nữa… Suy cho cùng, triết lý kinh doanh là làm sao để có danh, có lợi, có tình, đó cũng là bản chất của con người.

 Doanh nhân không cần Nhà nước ban phát một cục tiền để sống sót, bản thân họ có năng lực để phát triển. Hãy giúp đỡ họ bằng một môi trường minh bạch, chính sách rõ ràng, công bằng.

Việt Nam đang bước qua giai đoạn kinh tế tri thức, nhà kinh doanh phải đóng góp cho đất nước một thương hiệu có giá trị nhân văn. Nếu chỉ nghĩ đến cái tôi, sẽ đánh mất con người mình, đất nước mình. Hãy nuôi dưỡng thương hiệu như nuôi dưỡng một cái cây non, để một ngày khi mây đen bay đi, bóng mát của cây cổ thụ sẽ che chở được biết bao phận người nghèo khổ.

Trở về với cách sống của riêng ông?

Tinh thần xuyên suốt toàn bộ quá trình kinh doanh của tôi là muốn thành công, muốn khác biệt, phải biết chia sẻ nỗi lo với những người xung quanh. Đầu tiên là với gia đình, vợ con. Kế đến là công nhân, từ những nỗi lo rất cụ thể như tiền lương, tiền nhà trọ, nghỉ phép, thưởng, bảo hiểm y tế – xã hội… vì bản thân họ chỉ trông chờ vào thu nhập hàng tháng. Với nhân viên, họ cần mình chia sẻ về con đường, môi trường minh bạch để phát triển, sau đó mới là tiền. Ngược lại, doanh nhân cũng phải biết chia sẻ nỗi lo với người lao động để có được sự đồng hành về doanh số, lợi nhuận, chất lượng sản phẩm, sự tin yêu của người tiêu dùng, thị trường… Chia sẻ nỗi lo là triết lý nhân văn nhất trong đời sống kinh doanh và mối quan hệ xã hội. Khi chia sẻ nỗi lo trong gia đình tốt, công ty tốt, có thể chia sẻ nỗi lo cho xã hội, biết rung động với những số phận bên lề xã hội, những người xung quanh, vì chúng ta đang hiện diện trong một cộng đồng.

Tôi suy luận đơn giản như thế về cách sống. Chia sẻ được nỗi lo, bạn sẽ cảm thấy gần gũi dễ dàng với mọi người, nếu không sẽ phải sống trong thấp thỏm, nghi ngờ, không biết lúc nào xảy ra đình công, nhân viên kỳ cựu sẽ quay lưng… Nếu chỉ biết bản thân, sẽ luôn phải sống trong đe doạ và sợ hãi, không thể bình an được.

Đời kinh doanh của ông đã trải qua rất nhiều giông bão: ông từng trắng tay sau vụ cháy thời khởi nghiệp, từng theo đuổi vụ kiện sáu năm trời để lấy lại thương hiệu chính mình tại thị trường Trung Quốc, cảm giác của ông những lúc như thế?

Cảm giác đầu tiên là không thấy lối ra. Nhưng tôi luôn tin có một tia sáng ở đâu đó, phải theo đuổi để đi tìm tia sáng đó. Nếu chưa có tia sáng, chẳng qua thất bại chưa đến tận cùng, kẻ thù vẫn còn giấu đòn, che đậy chủ tâm. Nếu không biết chủ tâm, làm sao đánh trả, vì tất cả rủi ro của mình đều do con người gây ra. Phải cho nó ập đến, ập cho hết, mới nhìn ra tia sáng. Tôi thấm thía triết lý Lão Tử “vi vô vi nhi vô bất vi”, im lặng là hành động tốt nhất. Thất bại nếu không phải do mình gây nên thì không là lỗi của mình, bề trên muốn thử thách mình đó thôi, sẵn sàng chấp nhận nó thì tự nhiên sẽ thấy rất nhẹ nhàng.

Tôi tin sẽ có một thiên thần “bốc mình lên máy bay” trong bất kỳ rủi ro nào của cuộc đời, quan trọng là mình phải thật tỉnh táo, chuẩn bị sẵn sàng tâm hồn và lý trí để nhận biết, nếu không sẽ mất cơ hội.

 Khi cái dũng trong điều hành vĩ mô không còn, đất nước sẽ lâm vào lệ thuộc.

Để có được sự tỉnh táo và sáng suốt, đừng bao giờ chống cự khi tụt dốc, ô nhục tới đâu cũng phải chấp nhận nó, dù xuống tới đáy cũng đừng để mất tỉnh táo quan sát để đi lên. Càng chống cự, che đậy, sẽ càng mất sức. Khi gặp trở ngại về tài chính, phải chấp nhận tất cả công nợ của mình, đừng bao giờ đi trốn. Hãy nói thật với chủ nợ để xin giãn nợ, đừng bao giờ nợ người ta mà không nỗ lực làm ăn để trả nợ, hoặc tiêu xài xa xỉ, huênh hoang, họ sẽ xúm lại “bóp cổ” bạn ngay. Tôi luôn tự răn mình cuộc đời lên càng cao thì vực thẳm càng sâu, hãy chấp nhận chu kỳ lên xuống nhẹ nhàng, để biết cách chống đỡ khi tụt dốc.

Dường như đam mê triết học từ khi còn trẻ đã giúp ông có được niềm tin trong kinh doanh?

Ngày xưa, xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, tôi tìm đến triết học từ rất sớm. Sau ngày giải phóng, vì lý lịch có bố làm cho chế độ cũ nên các anh tôi không được làm ở công sở, các chị không được vào đại học. Tôi chỉ còn một cách là tìm đến triết học để trả lời cho các câu hỏi của cuộc đời, rằng ta là ai, ta sẽ đi về đâu, mục tiêu của cuộc đời ta là gì… Tôi tìm ở đó điểm tựa để sống và nuôi dưỡng niềm hy vọng.

Ông đang chuẩn bị chuyển giao mô hình kinh doanh nhà hàng Regina, toàn bộ doanh thu đều dành cho trẻ em cơ nhỡ tàn tật, đó phải chăng là cách ông trả ơn cuộc đời?

Lên thiên đàng một mình thì buồn lắm (cười), phải giúp nhiều người để cùng lên thiên đàng. Muốn thế, phải biến cuộc sống trần gian này thành thiên đàng trước đã. Hãy sống bằng tình yêu thương với tất cả mọi người ngay từ lúc mở mắt chào một ngày mới.

Yêu âm nhạc, ông từng đứng ra tổ chức nhiều đêm nhạc cho doanh nhân như chương trình Thắp sáng lửa yêu thương tại nhà hát Thành phố vừa qua, đó có phải là cách để ông nuôi dưỡng tình bạn trong kinh doanh?

Đối với bạn bè, tôi đến để cho, không lợi dụng, không nịnh bợ, không xin xỏ. Tôi cho bạn bè mọi thứ, thường thì bằng tinh thần, niềm tin, sự hưng phấn… để bạn có thể yên tâm, tạm quên đi những buồn phiền. Để mọi người cùng hát với nhau cũng là cách bộc lộ tình yêu, âm nhạc giúp cho mọi người gần nhau hơn.

Kim Yến

Chân dung hội họa: Hoàng Tường

Sài Gòn Tiếp Thị

Các tin tức khác

>   AVF: Thay đổi Phó Tổng giám đốc (05/06/2013)

>   Phó Tổng Giám đốc SHB chuyển sang làm tại VAMC (05/06/2013)

>   Nhân vật: Ông Phạm Hồng Sơn – Chủ tịch HĐQT Vinhhao, Thành viên HĐQT VCF (07/06/2013)

>   Nhân vật: Ông Phạm Đình Toại - Thành viên HĐQT VCF và Vinhhao (12/06/2013)

>   Nhân vật: Ông Nguyễn Văn Hà – Thành viên HĐQT VCF (10/06/2013)

>   MBS thay đổi Tổng Giám đốc (05/06/2013)

>   STS: Thay đổi nhân sự (05/06/2013)

>   Nhân vật: Bà Nguyễn Hoàng Yến - Thành viên HĐQT MSN, VCF, Vinhhao (08/06/2013)

>   BSI: Ông Nguyễn Văn Cựu giữ chức Chủ tịch (05/06/2013)

>   S74: Bổ nhiệm Phó TGĐ (04/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật