Góc nhìn 05/06: Thêm một bước lùi?
Đa số các ý kiến của CTCK thì phiên giảm điểm mạnh ngày 04/06 đã chính thức xác lập xu hướng điều chỉnh cho thị trường trong giai đoạn tăng điểm này. Theo đó, chỉ số VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về 500 điểm hoặc thấp hơn trước khi tăng trở lại.
Điều chỉnh về 500 trước khi hồi phục
Công ty chứng khoán ACB (ACBS): Thiếu tin tức hỗ trợ, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh khi nhà đầu tư gia tăng hoạt động chốt lời ngắn hạn. Khối lượng giao dịch trên hai sàn giữ ở mức cao với 79 triệu cp trên HSX, giá trị 1.430 tỷ đồng, và 57 triệu cp trên HNX, giá trị 451 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng mạnh trên cả hai sàn với 131 tỷ trên HSX và 11 tỷ trên HNX. Nhóm bị bán mạnh nhất gồm VIC (80 tỷ), HAG (15 tỷ), ITA (11 tỷ); trong khi đó, GAS tiếp tục được mua ròng mạnh 24 tỷ đồng.
Về mặt kỹ thuật, phiên điều chỉnh ngày 04/06 nằm trong dự đoán khi các chỉ báo hình thành tín hiệu tiêu cực trong các phiên trước đó. Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng 500-505. Đây là vùng tích lũy nhỏ, đồng thời giao với đường trung bình 20 ngày và đường xu hướng tăng nối 2 đáy 470, 480 nên mức độ quan trọng cao. Lực cầu bắt đáy có thể sớm tăng mạnh ở vùng giá này, giúp VN-Index quay lại xu hướng tăng ngắn hạn hiện tại.
Tương tự, HNX-Index có thể sớm giảm tốc và đảo chiều khi quay về vùng hỗ trợ 62,5-63.
Xác nhận khả năng điều chỉnh
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Khối lượng giao dịch ngày 04/06 tuy vẫn thấp hơn mức trung bình nhưng cao hơn phiên trước, đặc biệt là bên sàn HNX. Cùng với hình nến giảm điểm với thân nến dài thì khối lượng tăng lên đã cho thấy áp lực bán gia tăng. Diễn biến này tiếp tục xác nhận khả năng điều chỉnh của thị trường.
Trên đồ thị VN-Index, chỉ số RSI giảm nhanh và đang hướng tới vùng hỗ trợ ở mức 55 điểm và điều này cũng cho thấy VN-Index có thể sẽ có phản ứng hồi phục tại mức hỗ trợ 505. Tuy nhiên, theo BSI, đây chưa phải là vùng hỗ trợ chắc chắn và ngưỡng hỗ trợ tốt hơn là ở khoảng 495-497 điểm (nơi tập trung nhiều mức hỗ trợ theo Fibonacci Confluent). Cũng tương tự, HNX-Index sẽ có khoảng hỗ trợ đầu tiên ở 62,5 điểm và mức mạnh hơn ở 61 điểm.
Sau phiên này, nhận định của BSI vẫn chưa có gì thay đổi. Việc mua vào chỉ được đề xuất khi các chỉ số về vùng hỗ trợ và các biểu hiện tạo đáy ngắn hạn rõ nét. Trong phiên trước, BSI có khuyến nghị giảm tỷ trọng nếu nhà đầu tư đang nắm nhiều cổ phiếu. Do mức hỗ trợ sắp tới ở khá gần nên việc tiếp tục giảm tỷ trọng chỉ nên xem xét khi chỉ số phục hồi sớm trong phiên tới. Nếu tiếp tục giảm điểm thì việc bán ra có thể tạm ngừng lại.
Điều chỉnh tất yếu
CTCK Đông Á (DAS): Như vậy, sau 3 phiên điều chỉnh trong phiên, thị trường đã có một phiên điều chỉnh thực sự khi áp lực bán hiện hữu rõ rệt. Ngoài ra, thị trường trong ngắn hạn còn chịu tác động bởi việc tái cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETFs. Việc 2 quỹ này tái cơ cấu cũng sẽ tác động đến các bluechips, khiến sự phân hóa càng diễn ra mạnh hơn.
Về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index chưa chinh phục được vùng kháng cự 515 - 525 điểm, sau khi biến động tại vùng này trong vài phiên liên tiếp, chỉ số đã điều chỉnh xuống dưới mức kháng cự và hướng về vùng hỗ trợ phía dưới nằm ở 500 - 505 điểm. Nhìn lại những phiên chỉ số dao động trên vùng đỉnh ngắn hạn 515 - 525 có thể thấy, giao dịch đã bắt đầu thận trọng hơn trước áp lực chốt lời tăng cao
Điểm tích cực là thanh khoản trên thị trường vẫn đang ở mức khá tốt, nhóm các đường MA10, MA20, MA30 vẫn đang có xu hướng tiếp tục đi lên. Trong một xu hướng tăng điều chỉnh khi gặp vùng kháng cự mạnh là tất yếu và DAS đặc biệt chú ý tới vùng 492 điểm tương ứng Fibonacci Retracement của giai đoạn 10/4 - 22/4 và coi đây là hỗ trợ đặc biệt mạnh đối với thị trường.
Trên sàn Hà Nội, xét cả quá trình, chỉ số HNX-Index bắt đầu đà tăng sau VN-Index, khi chạm vào mức Fibonacci Retracement 76,4% giai đoạn 20/2 - 22/4, chỉ số bắt đầu điều chỉnh, tuy nhiên, mặt bằng giá cổ phiếu trên sàn Hà Nội cũng chưa tăng quá cao, do đó, nhịp điều chỉnh trên sàn Hà Nội tuy đồng pha với sàn HOSE, song mức sụt giảm giá của từng cổ phiếu sẽ không quá nhiều. Ngưỡng hỗ trợ chính của HNX-Index nằm ở vùng 61- 62,5 điểm lần lượt tương ứng với các mức Fibonacci 50% và 61,8%.
Về mặt cơ bản, thị trường đã đi qua giai đoạn sụt giảm chính trong năm nay, khả năng đáy dài hạn đã được thiết lập vào thời điểm cuối năm 2012, do đó, theo quan điểm của DAS, đây là một đợt điều chỉnh tất yếu trong một xu hướng tăng điểm. Cổ phiếu cơ bản trong các ngành cao su, thép, năng lượng vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với các nhà đầu tư trong giai đoạn này. Với những nhà đầu tư ưa thích lướt sóng, DAS khuyến nghị chú ý tới dòng tiền tại sàn Hà Nội trong giai đoạn tới bởi khi thị trường tiến vào một giai đoạn tăng điểm vững chắc, cổ phiếu đầu cơ luôn có xu thế thu hút dòng tiền, từ đó tạo ra cơ hội đạt lợi nhuận cao.
Áp lực bán vẫn còn
CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Việc bị bán mạnh vào phiên ATC ngày 04/06 được coi là có chút bất ngờ, thế nhưng NĐT không quá hoảng loạn, cầu mua vẫn được đổ vào cho dù không bằng các phiên trước đó.
IVS cho rằng kể từ ngày mai (05/06), ở phiên này sẽ có sự chủ động hơn của NĐT và thị trường sẽ ít bị biến động mạnh. Thanh khoản thị trường tăng vọt lên vào những khoảng thời gian cuối phiên giao dịch.
Với những diễn biến như hiện tại thì áp lực bán ra vẫn chưa hết. Chỉ khi thanh khoản co hẹp lại xuống mức thấp thì lúc đó thị trường mới được cho là cân bằng trở lại. Trong giai đoạn hiện nay các cổ phiếu tăng nóng vẫn là nhóm tiếp tục chịu áp lực bán, và khi giá cổ phiếu càng xuống thấp thì áp lực này lại càng tăng lên.
Trong quá trình điều chỉnh
Công ty chứng khoán MB (MBS): Thị trường giảm khá mạnh lúc cuối ngày giao dịch 04/06. VN-Index và HNX-Index hình thành các nến đen thân khá lớn với bấc rất ngắn. Cây nến này xác nhận cho quá trình điều chỉnh đang diễn ra.
Các chỉ báo kỹ thuật đều biến động theo hướng giảm cùng chiều với chỉ số. Đáng chú ý, PSAR đảo chiều lên trên đường giá, là tín hiệu thị trường giảm điểm. Quá trình điều chỉnh đang diễn ra, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi, không vội vàng bắt đáy.
Ngắn hạn vẫn chưa tích cực
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Sau chuỗi ngày hồi phục khá ấn tượng thị trường đang đối mặt với những phiên điều chỉnh kỹ thuật đưa giá cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn hơn. Dòng tiền vẫn hiện hữu trong thị trường thể hiện qua thanh khoản luôn duy trì ở mức khá và diễn biến giao dịch trong phiên cũng khá sôi động ở một số thời điểm.
Theo quan sát của FPTS thì lực cầu ở giá thấp vẫn khá chủ động, trong khi đó phiên giảm điểm 04/06, lượng cung đến ở thời điểm cuối phiên và khả năng cao là xuất phát từ khối ngoại.
Xu hướng của thị trường trong trung hạn là tích cực tuy nhiên trong ngắn hạn xác suất của phiên điều chỉnh vẫn còn khá lớn, đặc biệt là khi mà các chỉ số đang gặp khó khăn ở ngưỡng kháng cự trung - dài hạn.
Ngoài ra, cần theo dõi thêm động thái của nhà đầu tư nước ngoài nếu khối ngoại quay trở lại xu thế bán ròng thì nhiều khả năng xu thế hồi phục sẽ gặp khó khăn. Theo đó, trong các phiên tiếp theo, nhà đầu tư chỉ nên mua vào cổ phiếu tại những thời điểm điều chỉnh của thị trường, ưu tiên các cổ phiếu cơ bản và đầu ngành.
Sanh Tín tổng hợp (Vietstock)
Infonet
|