Thứ Ba, 11/06/2013 06:15

Bôxit và giải trình từ thực tế

Những lo ngại và tranh cãi về hai dự án bô xít vẫn tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, chủ đầu tư và địa phương cho rằng cần có cái nhìn dài hạn và đa mục tiêu về hai dự án này.

Thực tế công nghệ khai thác

Lo ngại về Bô xít được các nhà khoa học nêu lên tập trung vào các vấn đề: dự án chiếm dụng đất rất lớn, nguy cơ bùn đỏ, chất độc hại không bao giờ phân huỷ. Đặc biệt, nếu có sự cố, bùn đỏ và chất độc hại tràn ra môi trường thì không thể kiểm soát nổi gây ảnh hưởng nguồn nước, làm thay đổi môi trường sinh thái..; không thể làm nông, lâm nghiệp trên những vùng đất đã khai thác bô xít...

Với thực tế triển khai dự án, TKV cho rằng cần những đối thoại để hiểu rõ hơn về những vấn đề quanh dự án này.

Alumin thành phẩm đóng bao tại nhà máy Tân Rai

Đại diện TKV cho biết, nhà máy khi hoàn thành cần 850 ha đất, tức là chưa tới 10 km2. Mỗi năm một nhà máy sử dụng 60 -80 ha để khai thác quặng. Với tuổi đời 30 năm, nhà máy sử dụng khoảng 20 km2 đất. Đây là diện tích không quá lớn.

 Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang đầu tư xây dựng 2 tổ hợp bô-xít - alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông) với tổng sản lượng 1,3 triệu tấn alumin/năm. Hiện nay tổ hợp bô xít - alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) đã hoàn tất xây dựng đang trong thời gian chạy thử nghiệm, đã có sản phẩm alumin xuất khẩu. Còn dự án Nhân Cơ đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dự kiến giữa 2014 sẽ đi vào hoạt động.

Quặng bô xít tại những khu vực khai thác chủ yếu là lộ thiên, nằm cách mặt đất từ 0,5m -1m. Vì vậy, các cây trồng trên quặng thường khó sống và cho năng suất rất thấp. Công nghệ khai thác bô xít được tiến hành rất đơn giản: chỉ gạt phần đất trên mặt, thu quặng, khi lấy hết quặng thì dùng lớp đất mặt hoàn thổ ngay.

Thực tế, tại khu mỏ ở Tân Rai hiện nay, cứ khai thác đến đâu thì ngay lập tức đã hoàn thổ và trồng cây xanh lên trên.

Nguồn nước cho các nhà máy lấy 100% từ nước mưa, chứa trong hồ. Tổng nhu cầu nước cho nhà máy tuyển quặng một năm cần 30.000.000 m3. Trong đó nước thu hồi sử dụng lại là 23.000.000 m3, nước bổ sung mới 7.000.000 m3. Nhà máy alumin cần 4,2 triệu m3, nước thu hồi sử dụng lại là 3 triệu m3, nước bổ sung mới 1,2 triệu m3.

Tại Nhân Cơ sẽ nâng cấp hồ Cầu Tư có dung tích chứa tự nhiên 1,2 triệu m3 lên 9 triệu m3/năm, Tại Tân Rai đã xây dựng hồ Cai Bảng có dung tích chứa 20 triệu m3/năm. Với dung tích này, ngoài phục vụ nhà máy thì có thể còn phục vụ cho tưới tiêu của nhân dân quanh vùng.

Vấn đề lo ngại nhất là xứ lý chất thải. Hiện tại các nhà máy đã có hồ quặng đôi để xử lý nước thải. Khu vực chứa bùn đỏ được thiết kế có hệ thống đường bê tông bao quanh, có 3 lớp gồm thoát nước, chống thấm và chuyển tiếp. Lớp chống thấm gồm 2 lớp đất sét, mỗi lớp dày 200 mm, giữa 2 lớp có 2 lớp vải địa kỹ thuật và 1 lớp màng HDPE. Lớp thoát nước phía bên trên có hệ thống thu hồi nước thoát ra từ bùn đỏ, lớp sỏi dày 300mm, vải địa kỹ thuật và cát mịn dày 100mm.

Bùn đỏ khô có thể đứng lên trên, tại khu chứa bùn đỏ nhà máy Alumin Tân Rai

Công nghệ xử lý bùn đỏ là dạng cô đặc. Sau khi xả bùn đỏ vào hồ 10 ngày sẽ khô cứng và không thể hòa tan trong nước cho dù gặp mưa lớn kéo dài. Bùn đỏ không có phóng xạ, xung quanh khu vực chứa bùn đỏ là đường và đồi núi, không gần sông suối, không thể tạo ra lũ để cuốn trôi.

Tại Tân Rai, bùn đỏ sau khi xả xuống hồ đã khô cứng có thể đi lại ở trên. Bên cạnh đó là 1 hồ dự phòng, dành cho những tình huống khẩn cấp. Nước thoát ra từ bùn đỏ có nhiều xút được thu hồi chuyển trở lại nhà.

Vận chuyển quặng bô xít không diễn ra trên đường giao thông mà chỉ trong khu vực từ mỏ về nhà máy tuyển. Chỉ vận chuyển alumin tinh chế ra cảng biển để xuất khẩu hoặc bán trong nước, mỗi nhà máy 650.000 tấn/năm số lượng này không bằng khối lượng vận chuyển 1 nhà máy xi măng công suất 2-3 triệu tấn/năm nên sức ép gây quá tải cho hệ thống giao thông không lớn.

Những trông đợi

Nhà máy alumin Nhân Cơ dự kiến lỗ 7 năm đầu và Tân Rai dự kiến lỗ 5 năm đầu. Tuy nhiên, theo TKV, hai nhà máy rất có hiệu quả về dài hạn.

Cụ thể, nếu tính bình quân cả đời dự án 30 năm thì dự án Tân Rai có giá thành sản xuất bình quân 1 tấn alumin là 6,55 triệu đồng (khoảng 311,9 USD), giá bán bình quân 1 tấn alumin xác định là 7,96 triệu đồng (khoảng 379 USD).

Theo ông Trần Văn Cảng, Trưởng Ban tuyên giáo huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), dự án alumin Tân Rai cùng với các dự án thủy điện đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, biến Bảo Lâm trở thành 1 trong 4 địa bàn phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Cơ sở hạ tầng của dự án như đường giao thông, hồ chứa nước vừa phục vụ dự án vừa phục vụ dân sinh rất hiệu quả. Dự án còn đào tạo và thu hút 1.300 lao động địa phương.

Ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh có 2 tiềm năng lớn là thuỷ điện và bô xít, nếu không khai thác lợi thế này mà chỉ nhìn vào các loại cây nông nghiệp thì buồn lắm.

Nhân dân địa phương rất trông đợi vào các dự án này, đã có đồng thuận rất cao ngay từ ban đầu, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc như sẵn sàng giao đất, nhận đền bù cho TKV triển khai dự án đúng tiến độ.

Công nghệ lựa chọn cho 2 công trình alumin Nhân Cơ và Tân Rai theo phương pháp Bayer - Đức. Đây là công nghệ tối ưu của thế giới hiện nay cho việc sản xuất alumin phục vụ luyện nhôm. Hiện lượng alumin được sản xuất theo công nghệ này chiếm hầu hết sản lượng trên toàn thế giới.

Theo ông Bùi Quang Tiến, Giám đốc Dự án Alumin Nhân Cơ, sở dĩ cả Tân Rai và Nhân cơ sử dụng chung một nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) vì khi Nhân Cơ mời thầu quốc tế có 34 nhà thầu mua hồ sơ, nhưng khi nộp hồ sơ thầu chỉ có 7 nhà thầu. Qua vòng sơ loại còn 2 nhà thầu Trung Quốc nhưng giá họ đưa ra cao gấp gần 2 lần so với dự kiến. Khi đó, TKV đã báo cáo Chính phủ đề nghị hủy kết quả thầu và cho áp dụng kết quả đấu thầu quốc tế của Dự án Tân Rai với Nhân Cơ có giá thành thấp hơn.


Trần Thủy

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Sunlight trở thành đối tác của Siemens (10/06/2013)

>   Nhu cầu tăng giúp Ford Việt Nam tăng trưởng 176% (10/06/2013)

>   Quảng Ninh xây khu công nghệ cao 2 tỷ USD (10/06/2013)

>   Cảnh báo xuất khẩu mực, bạch tuộc rơi vào suy thoái? (10/06/2013)

>   Liên kết sản xuất theo chuỗi, tại sao không? (10/06/2013)

>   Kỳ vọng “hồi sinh” từ chi phí lãi vay giảm (10/06/2013)

>   Đưa mặt hàng than vào danh mục quản lý rủi ro hàng XK (10/06/2013)

>   Kumho Asiana Plaza Sài Gòn có "bảo bối" để đòi lại thuế (10/06/2013)

>   Sôi sục nước giải khát (10/06/2013)

>   Doanh nghiệp nội không thể chờ chết trên sân nhà? (10/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật