Thứ Hai, 10/06/2013 17:18

Liên kết sản xuất theo chuỗi, tại sao không?

Thực trạng khó khăn trong sản xuất thuỷ sản trong nước hiện nay đã đặt ra với các DN chế biến xuất khẩu cần phải có một chiến lược đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi để sản phẩm thủy sản luôn đáp ứng được các nhu cầu của thị trường và thương hiệu thủy sản Việt Nam thực sự vững mạnh.

Những năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì là 1 trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản với giá trị không ngừng tăng. Thủy sản Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thị trường quốc tế khi được xuất sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc xây dựng thương hiệu cho thủy sản Việt Nam cũng được các DN Việt Nam chú trọng.

Việc thiếu gắn kết giữa DN chế biến với người nuôi khiến số phận con cá tra rất long đong

Tuy nhiên, thực trạng khó khăn trong sản xuất thuỷ sản trong nước hiện nay đã đặt ra với các DN chế biến xuất khẩu cần phải có một chiến lược đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi để sản phẩm thủy sản luôn đáp ứng được các nhu cầu của thị trường và thương hiệu thủy sản Việt Nam thực sự vững mạnh.

Mỗi năm, Việt Nam có trên 2 triệu tấn thủy sản khai thác và trên 3 triệu tấn thủy sản nuôi trồng với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, trong đó có số lượng lớn thủy sản phục vụ cho công tác chế biến, xuất khẩu. Thủy sản Việt Nam đã phát triển mạnh trên nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Hong Kong, ASEAN, Ôtxtrâylia, Canađa, Mêxicô, Nga... Những thị trường này chiếm 85% giá trị xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam với những nhóm hàng phát triển chủ lực như cá tra, tôm, cá ngừ...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản Việt Nam đang phải gánh chịu nhiều thách thức bởi quy định của thị trường ngày càng cao và nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, về nguồn gốc, trách nhiệm môi trường và bảo vệ nguồn lợi. Nếu như EU, Mỹ chú ý tới giấy chứng nhận chất lượng thì Nhật Bản quan tâm tới quá trình thực tế làm ra sản phẩm.

Theo ông Nam, tuy thị trường nhập khẩu có những đòi hỏi khác nhau về tiêu chuẩn chất lượng, nhưng nếu có sự liên kết, liên doanh trong sản xuất, thương mại theo chuỗi giá trị ngành hàng và DN có thương hiệu thực sự mạnh, thì việc vượt qua các rào cản kỹ thuật sẽ dễ dàng hơn.

Thực tế cho thấy, đối với các DN mạnh, có uy tín, có thương hiệu, mô hình sản xuất liên kết theo chiều dọc đang được mở rộng và ngày càng thể hiện rõ những ưu việt. Khi đó, các DN chế biến, xuất khẩu áp dụng hệ thống truy suất nguồn gốc có thể dễ dàng tìm ra nguyên nhân và giải quyết nhanh chóng nếu có vấn đề gặp phải. Với kiểu liên kết này, những DN xuất khẩu lớn có thể đầu tư để tự kiểm soát chất lượng qua việc đầu tư sản xuất cùng với người nuôi trồng quy mô lớn.

Chẳng hạn như sản phẩm cá tra, nhờ có chất lượng cao, giá phải chăng nên cá tra Việt Nam đã nhanh chóng được hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tín nhiệm. Tuy nhiên, sau một giai đoạn phát triển quá “nóng”, giờ đây, cá tra đã lâm vào khủng hoảng.

Ông Nguyễn Minh Hải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Hải Hương, cho rằng sự phá vỡ quy hoạch trong nuôi trồng cũng như DN chế biến và sự thiếu liên kết trong quy trình: sản xuất - chế biến - tiêu thụ đã đưa con cá tra đến hoàn cảnh như ngày nay. Sự phát triển quá nhanh trong thời gian qua đã đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quy hoạch, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo sự phát triển ổn định.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch - Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex, việc quan trọng cần làm hiện nay là quy hoạch vùng nuôi, hướng đến cấp phép sản lượng cho từng địa phương, ao nuôi… đồng thời phải ra đời nhanh một nghị định về quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra thành ngành kinh doanh có điều kiện.

Trong khi chờ những “cây gậy” quản lý của các ngành chức năng, để chủ động tốt nhu cầu về sản lượng cũng như chất lượng cho thị trường, nhiều DN chế biến đã liên kết sản xuất thông qua các hợp đồng, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu riêng.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nếu thực hiện tốt khâu này sẽ giải quyết tốt mối quan hệ lỏng lẻo giữa người nuôi và DN, chấm dứt tình trạnh thừa - thiếu nguyên liệu như trước đây. Cùng với đó là việc tăng cường kiểm soát chất lượng, các yếu tố đầu vào như: con giống, cá bố mẹ, thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y… các DN sẽ dễ dàng đạt các chứng chỉ quốc tế, đồng thời tạo thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ, nâng cao hình ảnh và khẳng định thương hiệu của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nhìn ra hướng đi sẽ giúp DN phát triển bền vững, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre đã đầu tư và có trên 40 ha nuôi cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP. Công ty hiện có 4 khu nuôi cá gồm 1 khu ươm cá giống và 3 khu nuôi cá thương phẩm, cung cấp 15.000 tấn cá tra thịt/năm. Ứng dụng GlobalGAP, Công ty hoàn toàn yên tâm, chủ động xúc tiến mở rộng thị trường, bởi sản phẩm luôn đảm bảo quy trình kỹ thuật nuôi nghiêm ngặt, truy xuất được nguồn gốc từ con giống, thức ăn, quản lý thuốc phòng trị bệnh, vệ sinh môi trường và yếu tố cộng đồng.

Hay như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, bên cạnh việc đầu tư nhiều vùng nuôi đạt chứng nhận GlobalGAP, Vĩnh Hoàn tự hào là đơn vị có diện tích vùng nuôi cá tra đạt ASC lớn nhất, cung cấp một lượng lớn sản phẩm cá tra chất lượng ra thị trường quốc tế. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã giúp Vĩnh Hoàn quản lý, điều tiết tốt hơn trong quá trình sản xuất cũng như tự tin khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Hiện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có trên 100 trại nuôi cá tra với diện tích 2.800 ha (chiếm gần 40% tổng diện tích nuôi cá tra) đạt các chứng nhận bền vững, hơn 50% nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu đạt chứng nhận GlobalGAP, ASC…

Ngày càng nhiều vùng nuôi thủy sản được cấp chứng nhập GlobalGAP, ASC, BAP, SQF 1000/2000 CM… đảm bảo an toàn vệ sinh nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Việt Nam phấn đấu đến năm 2015 có 100% sản lượng cá tra được cấp chứng nhận nuôi có trách nhiệm, trong đó 50% đạt chứng nhận ASC.

Đối với con tôm, Việt Nam cũng có thế mạnh trên cả tôm sú và tôm chân trắng. Sản phẩm tôm đã xuất sang được trên 90 thị trường, mỗi năm đem về cho đất nước trên 2 tỷ USD. Trước những rào cản từ nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… về dư lượng hoá chất trong sản phẩm, cũng đang đặt ra cho nền sản xuất cần có phương hướng phát triển bền vững bằng cách cải thiện chất lượng, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến.

Chính vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích các vùng nuôi lớn áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, HACCP…, Tổng cục Thuỷ sản luôn tuyên truyền, nhân rộng các mô hình nuôi sinh thái…

Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để phát triển thương hiệu thuỷ sản Việt Nam thì ngành sản xuất trong nước trước hết cần phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả. Yếu tố cơ bản, quyết định sản xuất thuỷ sản bền vững là chủ động về thị trường, kiểm soát được dịch bệnh và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Bích Hồng

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Kỳ vọng “hồi sinh” từ chi phí lãi vay giảm (10/06/2013)

>   Đưa mặt hàng than vào danh mục quản lý rủi ro hàng XK (10/06/2013)

>   Kumho Asiana Plaza Sài Gòn có "bảo bối" để đòi lại thuế (10/06/2013)

>   Sôi sục nước giải khát (10/06/2013)

>   Doanh nghiệp nội không thể chờ chết trên sân nhà? (10/06/2013)

>   Khi trụ đỡ nông nghiệp bị lung lay (10/06/2013)

>   Bắc Ninh kỳ vọng thu nghìn tỷ từ nhà máy Samsung (10/06/2013)

>   Dự án bauxite Tân Rai dự kiến vận hành tháng 9 tới (10/06/2013)

>   Công bố dự thảo quyết định về biểu giá bán lẻ điện (09/06/2013)

>   Thuế nhập khẩu săm lốp đã qua sử dụng là 3% (09/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật