Thứ Hai, 10/06/2013 15:27

Kumho Asiana Plaza Sài Gòn có "bảo bối" để đòi lại thuế

Công ty TNHH Kumho Asiana Plaza Saigon (KAPS) đã chính thức đề nghị Cục Hải quan TP.HCM hoàn lại hơn 14,3 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu đã nộp cho các lô hàng phục vụ xây dựng Dự án Kumho Asiana Plaza Sài Gòn.

Dừng đầu tư vì khủng hoảng

KAPS nhận được giấy phép đầu tư đầu tiên (số 1601/GP) vào năm 1996, với tên ban đầu là Công ty liên doanh Kumho Sài Gòn, để xây dựng khu liên hợp gồm khách sạn, trung tâm hội nghị, văn phòng, căn hộ, cửa hàng, nơi vui chơi giải trí và các công trình phụ trợ tại 39 - Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), với tổng vốn đầu tư ban đầu 209,3 triệu USD. Tháng 8/1997, Dự án nhận giấy phép điều chỉnh lần 1, với vốn đầu tư mới 223 triệu USD.

Trong Giấy phép đầu tư 1601/GP cũng liệt kê các ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng. Cụ thể, Công ty được miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc, phụ tùng, các phương tiện phục vụ sản xuất - kinh doanh và các vật tư cho xây dựng cơ bản để hình thành Công ty.

Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, Dự án đã tạm dừng triển khai trong giai đoạn 1998-2002 và Kumho có báo cáo về việc này. Sau khi chuyển nhượng vốn cho phía đối tác nước ngoài, Dự án được cấp Giấy phép điều chỉnh 1601A/GP vào ngày 30/6/2006, trở thành DN 100% vốn nước ngoài, với tên gọi Kumho Asia Plaza Saigon (KAPS).

Theo Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định 101/2006/NĐ-CP về đăng ký lại DN, KAPS đã làm thủ tục đăng ký lại DN và được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 41104300338. Tiếp đó, tháng 10/2007, Dự án đã tăng vốn đầu tư lên 255 triệu USD.

Mất ưu đãi vì đăng ký lại

Nhưng với hàng loạt thay đổi trong quá trình thực hiện dự án và đặc biệt, sau khi tiến hành đăng ký lại theo Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định 101/2006/NĐ-CP, những ưu đãi của Giấy phép lần đầu (1601/GP) đã không được cơ quan hải quan chấp nhận khi dự án triển khai trở lại.

Nghĩa là, những ưu đãi miễn thuế nhập khẩu, như quy định tại Điều 5 của Giấy phép đầu tư 1601/GP sẽ không được áp dụng nữa.

Không chấp nhận việc mất các ưu đãi thuế nhập khẩu, phía KAPS cho rằng, khi nhận được Giấy phép 1601/GP với các ưu đãi về thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, chủ đầu tư đã được Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) xác nhận miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị khách sạn, vật tư xây dựng… hình thành tài sản cố định cho Công ty liên doanh, với trị giá 96,8 triệu USD. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp không thể triển khai Dự án, nên việc nhập khẩu cũng dừng, kéo theo Văn bản 9703/TM-XNK không được triển khai trong thời gian dừng này.

Đại diện DN cho hay, KAPS hiểu rằng, khi tiến hành đăng ký lại DN, Công ty được thừa kế các quyền và lợi ích hợp pháp của DN trước khi đăng ký lại.

Theo Tổng cục Hải quan, các trường hợp nhập khẩu hàng hóa trước ngày Công văn 10775/BTC-CST (tháng 7/2009) đã nộp thuế nhập khẩu, Công ty không đăng ký Danh mục Hàng hóa nhập khẩu miễn thuế theo quy định, thì không đủ điều kiện và đáp ứng đủ hồ sơ để được miễn thuế nhập khẩu.

Cũng với thực tế này, vào tháng 6/2010, Kiểm toán Nhà nước khi kiểm tra tình hình miễn thuế tại Cục Hải quan TP.HCM đã kết luận “Dự án KAPS đăng ký không đủ điều kiện miễn thuế theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Cụ thể, ngành nghề kinh doanh theo Giấy chứng nhận đầu tư 41104300338 không thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Phụ lục A, Nghị định 108/2006/NĐ-CP” và yêu cầu thực hiện truy thu thuế với các trường hợp nhập khẩu miễn thuế.

Cơ hội xin lại tiền thuế

Tại đề nghị hoàn thuế cho 95 tờ khai đã được nhập khẩu chủ yếu trong năm 2009 với số tiền thuế đã nộp là 14,3 tỷ đồng của KAPS có dẫn Công văn 4835/TCHQ-TXNK (ngày 14/9/2012) của Tổng cục Hải quan khi yêu cầu DN liên hệ với Cục Hải quan TP.HCM để được xem xét cụ thể.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có Công văn 10775/BTC-CST (ngày 28/7/2009), Tổng cục Hải quan đã có Công văn 5076/TCHQ-KTTT (ngày 24/8/2009) hướng dẫn thực hiện và Kiểm toán Nhà nước có Công văn 1041/KTNN-TH (ngày 19/7/2012) trả lời vướng mắc của Công ty.

Đặc biệt, tại Công văn 1041/KTNN-TH có khẳng định, nếu mức ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu quy định tại Giấy phép đầu tư 1601/GP, ngày 19/6/1996 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp, cao hơn mức ưu đãi tại Giấy chứng nhận đầu tư 411043000338, ngày 12/7/2007 do UBND TP. HCM cấp, thì tiếp tục thực hiện theo mức ưu đãi tại Giấy phép đầu tư 1601/GP, nếu đảm bảo các quy định về thủ tục hồ sơ và đăng ký Danh mục miễn thuế theo các văn bản của Bộ Tài chính.

Với các “bảo bối” này, KAPS đã quyết định xin lại số thuế đã nộp. Theo đại diện DN, hàng hóa nhập khẩu để đầu tư xây dựng cơ bản dự án Kumho Asiana Plaza Saigon thuộc đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu theo diện “hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã nộp thuế nhưng sau đó được miễn thuế hoàn thuế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” như hướng dẫn tại khoản 12, Điều 113, Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010.

Thanh Hương

đầu tư

Các tin tức khác

>   Sôi sục nước giải khát (10/06/2013)

>   Doanh nghiệp nội không thể chờ chết trên sân nhà? (10/06/2013)

>   Khi trụ đỡ nông nghiệp bị lung lay (10/06/2013)

>   Bắc Ninh kỳ vọng thu nghìn tỷ từ nhà máy Samsung (10/06/2013)

>   Dự án bauxite Tân Rai dự kiến vận hành tháng 9 tới (10/06/2013)

>   Công bố dự thảo quyết định về biểu giá bán lẻ điện (09/06/2013)

>   Thuế nhập khẩu săm lốp đã qua sử dụng là 3% (09/06/2013)

>   Mua khí nhiều hơn cam kết, nhà máy điện nợ GAS hơn 162 triệu USD (09/06/2013)

>   Xi măng hồi sức (09/06/2013)

>   Sẽ không thiếu điện tháng cao điểm nắng nóng (09/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật