Sunlight trở thành đối tác của Siemens
Công ty Sunlight Energy International (SLE) vừa ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Siemens của Đức, theo đó SLE sẽ trở thành đối tác công nghệ trong sản xuất các thiết bị chuyển mạch điện trung và hạ thế của Siemens.
Lễ ký kết giữa công ty Sunlight Energy International và Tập đoàn Siemens
|
Tổng giám đốc công ty Sunlight Electrical Việt Nam, ông Ken Tan, cho biết, thỏa thuận này là kết quả của một sự hợp tác lâu dài giữa hai công ty và Việt Nam.
SLE là công ty sản xuất tủ bảng điện có trụ sở tại Singapore với hơn 40 năm kinh nghiệm.
Sunlight Electrical Việt Nam đã có mặt tại Việt Nam được 16 năm nay và công ty đã có một nhà máy sản xuất tại Bình Dương, khu công nghiệp Vietnam Singapore 1 (VSIP 1).
Theo ông Ken Tan, SLE rất tự hào khi đứng chung với nhãn hiệu toàn cầu như Siemens và hợp tác về công nghệ để địa phương hóa sản xuất tủ bảng điện trung thế & hạ thế. Điều này giúp cho SLE đáp ứng tốt hơn nhu cầu nội địa một cách có hiệu quả và cạnh tranh nhất. Thêm vào đó, SLE sẽ hoạt động như một trung tâm xuất khẩu cung cấp sản phẩm ra các nước trong khu vực.
Trong khi đó, Siemens cũng đã hoạt động chính thức tại thị trường Việt Nam từ hai mươi năm nay trên rất nhiều lĩnh vực như năng lượng, y tế, thiết bị truyền dẫn điện, dầu khí, tự động hóa…
Trong nhiều năm qua, tập đoàn Siemens đã bắt tay cùng với Sunlight Electrical cung cấp các giải pháp kỹ thuật điện ở nhiều công trình như Trung tâm hội nghị quốc gia, Tháp truyền hình Việt Nam hay Bảo tàng Hà Nội…
Đại diện của Siemens cho biết, việc hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực thiết bị công nghệ điện trung và hạ thế không phải là điều mới đối với tập đoàn này, vì trên thực tế, Siemens đã có hơn 300 đối tác tương tự.
Tuy nhiên, việc chọn một đối tác có tiềm lực để nội địa hóa sản xuất tủ điện trung và hạ thế như SLE là một sự lựa chọn có tính toán khi thị trường Việt Nam đang mở ra những cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Đối tác công nghệ của Siemens phải được chọn lựa kỹ, được chứng nhận và liên tục theo dõi bởi Siemens.
Theo ông Võ Huy Danh, Giám đốc phụ trách thiết bị điện hạ thế Siemens Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trong khu vực. “Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang rất cao. Hiện tại, tỷ lệ dân số thành thị ở Việt Nam là 34%, và đến năm 2020 tỉ lệ này sẽ đạt 45% dân số cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa, đặt ra nhiều thách thức. Và điều đó mở ra cơ hội lớn mà sự hợp tác của Siemens và SLE cũng là nhằm nắm bắt cơ hội đó,” ông Danh nói.
Phi Tuấn
tbktsg
|