Thứ Bảy, 20/04/2013 15:45

Nhật Bản phá giá JPY, Việt Nam được gì?

Kể từ cuối tháng 12/2012, Chính phủ Nhật Bản đã liên tục hối thúc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nới lỏng mạnh mẽ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với mục tiêu lạm phát 2%/năm. Việc này khiến JPY nhanh chóng giảm giá và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ với các cường quốc kinh tế như Mỹ, Đức, Nga…

Vậy, Việt Nam, nền kinh tế được coi là mới nổi và hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản, sẽ được những gì?

Phá giá đồng Yên

Khởi đầu, ngày 22/01/2013, bên cạnh việc duy trì lãi suất chủ chốt ở mức 0-0,1%/năm, BOJ công bố “Biện pháp nới lỏng không hạn chế” trong Chương trình mua lại tài sản. Chương trình này tương tự các biện pháp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) như mua vào trái phiếu chính phủ hay các tài sản tài chính tương đối an toàn từ thị trường mà không đưa ra thời hạn cụ thể.

Ngày 04/04/2013, BOJ quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ cả về “chất” và “lượng” theo cơ chế tiền tệ mới nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% trong vòng 2 năm:

- Thay đổi mục tiêu điều hành từ “Lãi suất qua đêm” sang “Cơ số tiền tệ”, tăng cơ số tiền tệ trên thị trường với tốc độ 60,000 - 70,000 tỷ JPY/năm;

- Tăng giá trị trái phiếu chính phủ mua vào với tốc độ 50,000 tỷ JPY/năm với tất cả các kỳ hạn thanh toán (bao gồm kỳ hạn 40 năm), nhằm tăng kỳ hạn còn lại trung bình của trái phiếu chính phủ được mua vào từ gần 3 năm lên khoảng 7 năm;

- Mua các tài sản tài chính rủi ro gồm chứng chỉ quỹ ETF và J-REIT với mức tăng lần lượt là 1,000 tỷ JPY và 30,000 JPY mỗi năm nhằm hạ lãi suất cho vay dài hạn.

Và các tác động đến Việt Nam

Gia tăng nhập khẩu

JPY đã liên tục mất giá so với VND trong 5 tháng vừa qua, tỷ giá JPY/VND giảm từ 270 xuống còn 215, tương đương với mức giảm 20%. Tác động rõ nhất có thể thấy là hàng hóa Nhật Bản, vốn rất được người Việt Nam ưa thích nhờ tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu thế giới và tuổi thọ lâu dài, sẽ rẻ hơn rất nhiều, dẫn tới tăng nhập khẩu vào Việt Nam.

Hiện nay, cán cân thương mại Việt - Nhật tương đối cân bằng. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật chủ yếu gồm dầu thô, dệt may, da giày và hàng thủy sản. Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này các mặt hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh như máy móc, thiết bị, sản phẩm điện tử, sản phẩm từ chất dẻo, vải. Các mặt hàng của hai quốc gia có tính bổ sung cho nhau nên sẽ ít có cạnh tranh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật sẽ phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa nhiều hơn là giá cả.

Đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản tăng lên mạnh mẽ

ASEAN hiện là một trong những thị trường đem lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất cho nguồn vốn FDI đến từ Nhật Bản và chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn khi các nguồn vốn từ Nhật buộc phải tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thị trường nước ngoài.

Nằm trong ASEAN và nhóm nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á, GDP hàng năm (2000 - 2012) tăng trung bình 7%, Việt Nam, với nhân công giá rẻ, dân số trẻ và nhu cầu tiêu dùng lớn, đã và đang là điểm đến lý tưởng cho các công ty Nhật .

Theo khảo sát tháng 1/2013 của JETRO, 86% công ty Nhật tại Việt Nam dự kiến lợi nhuận 2013 sẽ tăng hoặc không giảm. So với Ấn Độ và Trung Quốc (có cùng đặc điểm với Việt Nam về thu hút vốn FDI), tỷ lệ công ty có lãi tại Việt Nam cao hơn rõ ràng.

Hơn nữa, so với các công ty Việt Nam, các công ty Nhật có sức cạnh tranh cao hơn. Khả năng tiếp cận vốn tốt với nhân sự có kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại giúp các công ty này cắt giảm được chi phí sản xuất. Trong nhóm các công ty sản xuất, chi phí sản xuất của công ty Nhật Bản chỉ bằng 68% các công ty Việt Nam.

Nguồn vốn ODA lãi suất thấp từ Nhật Bản tăng

Dư thừa vốn cũng sẽ dẫn tới sự gia tăng vốn vay dài hạn từ Nhật Bản cho Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Shinzo Abe đã cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự kiến sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản vay lên tới 500 triệu USD  và chính phủ Nhật cam kết sẽ trao cho Việt Nam 2,6 tỷ USD vốn ODA trong năm 2013, tăng gần gấp đôi so với con số năm ngoái (1,4 tỷ USD).

Doanh nghiệp Việt hưởng lợi

JPY giảm giá chưa có tác động bất lợi rõ ràng tới các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang Nhật nhưng chắc chắn mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam đang có khoản vay hoặc nhập nguyên liệu từ nước này.

Tiêu biểu, Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC) hiện có khoản nợ 28 triệu JPY và dự kiến sẽ ghi nhận 600 tỷ VND lãi tỷ giá trong quý I/2013, giúp lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước dù mới là kết quả trên sổ sách.

Trường hợp thứ hai, Tập đoàn Hoa Sen (HSG), nhà sản xuất tôn thép với khoảng 2/3 nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HSG đã tăng hơn 100%, bên cạnh việc tăng theo xu hướng thị trường thì việc này cũng phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc HSG sẽ có kết quả hoạt động tốt hơn khi JPY giảm giá.

Lời kết

Như vậy, có thể thấy không chỉ người tiêu dùng và doanh nghiệp mà cả nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng khá nhiều lợi ích từ việc phá giá JPY. Điều cần quan tâm lúc này là chúng ta sẽ tận dụng những cơ hội đó như thế nào mà thôi.

Andy Tran Hung - Trung Clas (Vietstock)

ffn

Các tin tức khác

>    Doanh nghiệp không muốn “lớn” lên (20/04/2013)

>   Chế biến thủy sản xuất khẩu cầm chừng (20/04/2013)

>   Petro Việt Nam phản đối siêu dự án 27 tỉ USD (20/04/2013)

>   Hàng hóa đua nhau tăng giá (20/04/2013)

>   Tái cơ cấu kinh tế vẫn chưa như kỳ vọng (19/04/2013)

>   Samsung ơi, lợi đâu chẳng thấy... (19/04/2013)

>   Tháo gỡ khó khăn cho DN: Nếu Chính phủ lắng nghe... (19/04/2013)

>   Nhiều dấu hiệu đáng báo động với doanh nghiệp (19/04/2013)

>   Lo sốt vó vì tăng trưởng nhanh (19/04/2013)

>   Thu hút FDI vào khu kinh tế, công nghiệp phía Nam (18/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật