Thứ Bảy, 20/04/2013 09:40

CPI tháng 4 sẽ tiếp tục giảm

Hàng hóa đua nhau tăng giá

Giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng đã khiến nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá. Trong khi đó, sức mua tại các hệ thống bán lẻ vẫn còn rất chậm.

Mì gói, nước mắm, thực phẩm, nước ngọt, đồ gia dụng... là những mặt hàng được điều chỉnh tăng giá tại hầu khắp các hệ thống bán lẻ, từ chợ cho tới cửa hàng, siêu thị.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng buộc Nước mắm Liên Thành phải tăng giá bán. Trong ảnh: khách hàng chọn lựa sản phẩm nước mắm Liên Thành tại chợ Bà Chiểu

Tăng đồng loạt 5-15%

Khảo sát tại nhiều chợ ở TP.HCM như Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), Võ Thành Trang (Q.Tân Bình), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) cho thấy các loại thực phẩm như nước tương Maggi đậu nành nắp đỏ đã tăng thêm 2.000 đồng lên 25.000 đồng/chai 750ml. Các loại mì gói như Hảo Hảo cũng tăng lên gần 100.000 đồng/thùng, Modern lẩu Thái từ 110.000 đồng tăng lên 137.000 đồng/thùng...

Đại diện Cục Thống kê TP.HCM đánh giá suốt nửa cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4, giá cả hàng hóa hầu như rất ít biến động. Đáng chú ý là nhóm hàng lương thực, thực phẩm lại có xu hướng giảm, nên nhiều khả năng sẽ kéo giá CPI tháng 4 tiếp tục đi xuống. Về vấn đề giá cả hàng hóa tăng thời gian gần đây, vị đại diện này cho biết sẽ tác động vào cơ cấu giá thành của tháng 5. Dự kiến khoảng vài ngày tới chỉ số giá tiêu dùng tại TP.HCM mới được công bố.
Ngoài ra, cách đây vài ngày bột ngọt Ajinomoto điều chỉnh tăng giá khoảng 260.000 đồng/thùng từ 990.000 đồng lên 1.250.000 đồng/thùng, giá bán lẻ tương đương 25.600 đồng/gói, tăng thêm 700 đồng so với giá cũ. Một số mặt hàng khác như nước ngọt Red Bull, bánh kẹo cũng tăng thêm 5.000-10.000 đồng/thùng. Giá tăng của các mặt hàng trên là giá bỏ sỉ cho tiểu thương, một số tiểu thương cho biết giá bán lẻ chắc chắn phải tăng thêm nữa.

Tại siêu thị, thông báo tăng giá đã gửi tới hầu hết các hệ thống. Siêu thị Co.op Mart cho biết từ đầu tháng 4 đã nhận được thông báo của các doanh nghiệp hóa phẩm và đồ gia dụng. Tỉ lệ tăng giá được đề nghị dao động từ 4-8%. Hiện Co.op Mart chưa có kế hoạch tăng giá các mặt hàng này. Đại diện hệ thống Vinatexmart thông tin trong tháng 3 và 4 đã nhận được đề nghị tăng giá 10-15% của một số nhà cung cấp ngành may mặc và hóa phẩm, mức tăng 5-10% đối với thực phẩm đông lạnh. Lý do mà các nhà cung cấp đưa ra là do suốt cả năm chưa tăng giá, thời điểm này giá nguyên liệu đầu vào, vận chuyển tăng nên buộc phải tăng giá. Đại diện hệ thống Vinatexmart khẳng định thị trường đang bão hòa nên đang cân nhắc, xem xét có tăng giá bán tại siêu thị hay không. Lotte Mart cũng nhận được yêu cầu tăng giá từ ngành hàng thực phẩm tươi sống như thủy hải sản tăng giá 5-10%, nguyên nhân được giải thích là do giá xăng tăng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, cho biết từ tết đến nay siêu thị nhận được đề nghị tăng giá của vài chục nhà cung cấp với mức tăng 5-10% ở tất cả ngành hàng.

Tăng do nhiều yếu tố

Giá hàng hóa tăng thời gian qua được các doanh nghiệp giải thích là do một phần tác động từ giá xăng tăng đợt vừa qua, bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp cho biết đã kiềm giữ giá suốt một thời gian dài nên kể từ sau tết buộc phải tăng do hầu hết các loại chi phí tăng.

Đại diện Công ty nước mắm Liên Thành cho biết suốt thời gian qua giá nguyên liệu tăng cao khoảng 200% mà vẫn không có nguyên liệu để nhập nhưng doanh nghiệp này vẫn không có kế hoạch tăng giá. Thời gian gần đây mới tăng 30% đối với nhà phân phối là để giảm bớt áp lực chi phí, các mặt hàng trong chương trình bình ổn cũng đang xin phép điều chỉnh tăng nhẹ. “Suốt từ quý 4 năm ngoái đến nay, chúng tôi vẫn cố gắng giữ giá, không điều chỉnh tăng nhưng cơ cấu giá thành sản phẩm tăng cao đành phải tăng giá sản phẩm” - đại diện Liên Thành nói. Vị này thừa nhận xăng dầu tăng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp vào giá nguyên liệu, thu mua, vận chuyển...

Trong khi đó, đại diện Công ty Ace Cook (mì Hảo Hảo) cho hay thời điểm này không có điều chỉnh giá bất kỳ mặt hàng nào. Theo lý giải của đơn vị này, thị trường mì gói tăng giá là do điều tiết khuyến mãi thời gian qua. “Chúng tôi không quy định giá bán cho hệ thống phân phối, bán lẻ nên giá tăng có thể do cửa hàng, phân phối đã điều chỉnh giá để cân đối thu chi” - vị đại diện này khẳng định.

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy hải sản cho biết nguồn cung hạn hẹp đã gây áp lực rất lớn lên giá cả hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất nhóm hàng này hiện nay. Do tình hình đánh bắt gặp nhiều khó khăn hơn trước, bên cạnh đó giá xăng dầu tăng cũng tác động vào cơ cấu giá thành của sản phẩm nên buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá.

Dũng Tuấn

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Tái cơ cấu kinh tế vẫn chưa như kỳ vọng (19/04/2013)

>   Samsung ơi, lợi đâu chẳng thấy... (19/04/2013)

>   Tháo gỡ khó khăn cho DN: Nếu Chính phủ lắng nghe... (19/04/2013)

>   Nhiều dấu hiệu đáng báo động với doanh nghiệp (19/04/2013)

>   Lo sốt vó vì tăng trưởng nhanh (19/04/2013)

>   Thu hút FDI vào khu kinh tế, công nghiệp phía Nam (18/04/2013)

>   2012, hơn 54.200 DN giải thể và ngừng hoạt động (18/04/2013)

>   Thủ tướng chỉ đạo: "Khẩn trương cổ phần hóa cảng biển lớn" (18/04/2013)

>   Huawei xem Viettel, VNPT là “đối tác lớn nhất” (18/04/2013)

>   Starbucks gọi, sao Highlands chưa trả lời? (18/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật