Thứ Hai, 22/04/2013 10:39

Khối ngoại đang dành sự quan tâm đặc biệt đến TTCK Việt Nam

“Hiện nay nhà đầu tư nước ngoài dành sự quan tâm đặc biệt vào thị trường Việt Nam. Điều này thể hiện từ các chuyến thăm của các công ty quản lý quỹ nước ngoài trong các cuộc họp với chúng tôi và rất nhiều câu hỏi tìm hiểu khác”.

Trên đây là chia sẻ của ông Michael Kokalari (ảnh) - Giám đốc nghiên cứu phân tích, CTCK Maybank Kim Eng (Việt Nam) - MBKE về tình hình kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán quý 2/2013.

Dự báo tăng trưởng của các chuyên gia khá bi quan

Nền kinh tế trong quý 1/2013 đã có những dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn còn khá khó khăn với doanh nghiệp, ông nhìn nhận diễn biến nền kinh tế quý 2 sẽ như thế nào?

Cá nhân tôi cho rằng thật khó để nói điều gì là thật sự quan trọng cho nền kinh tế chỉ trong vòng một quý. Trong cả năm 2013, tôi tin rằng hầu hết những người làm công tác dự báo đều quá bi quan khi cho rằng tăng trưởng GDP năm nay ở mức 5.5%.

Mặc dù chỉ tăng trưởng nhẹ 4.9% trong quý 1/2013 nhưng tôi kỳ vọng GDP cả năm có thể tăng từ 6,6-7%. Nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế là sự dè dặt trong hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp vì vấn đề nợ xấu tại Việt Nam. Trong quý 1 vừa qua, tín dụng của hệ thống ngân hàng gần như không tăng trưởng trong khi hoạt động huy động vốn tăng trưởng 4%. Điều này cũng giống như những gì chúng tôi quan sát thấy trong năm trước khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng 5%, thấp nhất trong 20 năm qua bởi vì tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 9%, yếu nhất trong 20 năm qua.

Tôi tin là giải pháp thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) để giải quyết vấn đề nợ xấu có thể là chưa hoàn hảo nhưng cũng đủ hiệu quả để kích thích tăng trưởng tín dụng lên khoảng 12% trong năm nay, đúng với mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Mức tăng trưởng tín dụng này đủ lớn để kích thích nền kinh tế tăng trưởng 6,5-7% năm nay. Tôi cũng biết hạn chót về việc thành lập VAMC đã qua nhưng tôi nghĩ rằng Chính phủ sẽ đưa ra kế hoạch rõ ràng hơn vào cuối tháng 5, thời điểm kỳ họp Quốc hội sẽ diễn ra.

Ngoài việc tăng trưởng tín dụng hồi phục thì những điều kiện sau khiến tôi cho rằng dự báo tăng trưởng kinh tế 5.5% của hầu hết các chuyên gia kinh tế hơi thấp:

(1) Tăng trưởng nhập khẩu gần đây tăng mạnh từ 6% lên 17% (y-o-y) bởi vì các công ty bắt đầu nhập khẩu nguyên vật liệu mà họ cần để đẩy mạnh hoạt động sản xuất (một chỉ báo rất tốt);

(2) Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của HSBC tháng 3 vừa qua tăng lên mức cao nhất trong 2 năm qua (50,8 điểm);

(3) Chỉ báo đơn hàng mới tăng mạnh trong tháng 3 sau khi giảm trong 11 tháng liên tiếp trước đó;

(4) Chỉ số việc làm đã tăng 5 trong 6 tháng qua – các công ty thường không tăng số lượng nhân viên trừ khi họ muốn mở rộng sản xuất và cuối cùng

(6) Lãi suất đã được cắt giảm 700 điểm phần trăm trong năm vừa qua.

Thoái vốn khỏi Thái Lan và Philippines, cơ hội cho Việt Nam

Thế còn thị trường chứng khoán thì sao, thưa ông? Dòng tiền ngoại có mang tính quyết định trên TTCK trong quý 2 này không?

Nhà đầu tư nước ngoài đã rót một lượng vốn lớn vào thị trường Việt Nam sau giai đoạn điều chỉnh nhẹ sau Tết, khi chỉ số VN-Index xoay quanh mức 470 điểm (nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh khi chỉ số VN-Index ở mức khoảng 450 điểm). Hơn nữa, giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong quý 1 vừa qua tương đương với giá trị mua ròng của cả năm 2012.

Một điểm nữa mà tôi muốn đưa ra ở đây, hiện nay nhà đầu tư nước ngoài dành sự quan tâm đặc biệt vào thị trường Việt Nam. Điều này thể hiện từ các chuyến thăm của các công ty quản lý quỹ nước ngoài trong các cuộc họp với chúng tôi và rất nhiều câu hỏi tìm hiểu khác.

Điều chúng tôi nghe được từ nhà đầu tư nước ngoài là họ đã đạt lợi nhuận lớn tại Thái Lan và Philippines trong các năm qua. Tại thời điểm này, họ đang nghĩ tới việc nếu như thoái vốn tại Thái Lan và Philippines thì đâu sẽ là điểm đầu tư tiếp theo?

Có thể thấy, chỉ số PE của thị trường Philippines hiện đang cao hơn 2 lần độ lệch chuẩn so với mức PE trung bình trong lịch sử nhờ việc được nâng lên mức xếp hạng đáng đầu tư gần đây. Và đương nhiên tại Thái Lan, các công ty quản lý quỹ đang lo ngại rằng những căng thẳng chính trị có thể lại xảy ra trong tương lai.

Cám ơn ông!

Mỹ Hà thực hiện (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Cần ít nhất một nhịp giảm nữa mới có sóng hồi (22/04/2013)

>   Góc nhìn 22 – 26/04: Dòng tiền đang rút chạy? (21/04/2013)

>   Ngày 18/04: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (18/04/2013)

>   Góc nhìn 18/04: Chưa thể tăng trở lại? (17/04/2013)

>   Góc nhìn 17/04: Sẽ khó giảm sâu (16/04/2013)

>   Ngày 16/04: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (16/04/2013)

>   Góc nhìn 16/04: Đáy ngắn hạn còn xa? (15/04/2013)

>   Ông Andy Ho: VinaCapital sẽ thoái vốn nhiều tài sản và tái đầu tư vào TTCK Việt Nam (16/04/2013)

>   Góc nhìn 15 – 18/04: Tâm lý lo sợ (14/04/2013)

>   IQ cao chưa chắc thắng chứng khoán (14/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật