Góc nhìn 22 – 26/04: Dòng tiền đang rút chạy?
Sau tuần giao dịch đầy biến động vừa qua, các công ty chứng khoán đều tỏ ra thận trọng và bi quan về tuần giao dịch sắp tới. Thậm chí có chuyên gia còn cho rằng, dòng tiền đang rút chạy.
Sẽ dao động mạnh
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Trong tuần giao dịch cuối tháng 4, thông tin vĩ mô được đón đợi không nhiều, chủ yếu liên quan đến diễn biến CPI. Xét tổng thể, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến chỉ số CPI tháng 4 gồm: diễn biến tăng giá xăng dầu; tăng giá dịch vụ y tế tại một số tỉnh thành; giá lương thực thực phẩm có xu hướng giảm theo biến động giá thế giới; và sức cầu trong nước còn yếu. Chúng tôi đánh giá tác động từ sức cầu yếu sẽ lấn át ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá xăng và dịch vụ y tế, CPI của tháng 4 có thể đạt mức tăng nhẹ từ 0.05-0.1%.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, hiện tại thông tin CPI sẽ không mang nhiều ý nghĩa đối với diễn biến của các chỉ số trên TTCK. Chúng tôi cho rằng, hiện tại thị trường đang bị chi phối bởi các yếu tố: tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư đã dâng cao trở lại sau những biến động mạnh của thị trường trong nửa đầu tháng 4; thiếu vắng thông tin đủ mạnh về vĩ mô để hỗ trợ thị trường lấy lại xu thế tăng điểm; rủi ro đến từ việc bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, chúng tôi cho rằng vùng biến động của VN-Index trong tuần giao dịch mới nằm trong khoảng từ 460-480 điểm.
Sẽ bình tĩnh hơn
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Trong tháng 4, thị trường xuất hiện hai đợt nghỉ lễ dài ngày, trong bối cảnh xu hướng giảm điểm như hiện nay những đợt nghỉ dài sẽ có tác dụng khá tích cực. Khoảng thời gian này giúp nhà đầu tư bình tĩnh và có thể nhìn nhận được những dòng/nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng và dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.
Theo dõi nhóm cổ phiếu midcaps với tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính từ 1-2, chúng tôi nhận thấy đây là nhóm đang có chuyển biến tích cực về kết quả kinh doanh. ROE đã có dấu hiệu lập đáy và tiến dần về mức trung bình của các năm 2010, 2011. Kết hợp cùng việc nhóm này có diễn biến giá khá ổn định, mức độ tăng chưa mạnh khiến khả năng một số cơ hội đầu tư hiệu quả xuất hiện trong nhóm này.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, theo quan điểm của BVS, thanh khoản thấp khiến thị trường tiềm ẩn rủi ro lớn, nhà đầu tư nên hạn chế tham gia thị trường và chờ đợi các chuyển biến tích cực hơn về mặt xu hướng.
Thoát hàng khi tăng nhẹ
CTCP Chứng khoán FLC (FLCS): Trước kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Hiện tượng khối lượng giao dịch sụt giảm trong hai ngày cuối tuần đã thể hiện lực cung và cầu tham gia thị trường đều yếu. Với biểu hiện này, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động theo xu thế giảm giá trung hạn trước đó.
Sự giảm điểm trong ngày 18/04 của cả hai chỉ số chính đã thể hiện đợt hồi phục ngắn trong 3 phiên trở lại đây đã thất bại, thông thường sau diễn biến này thị trường sẽ tiếp tục đà giảm điểm với khối lượng giữ ở mức thấp, giai đoạn giảm điểm trung hạn có thể tiếp tục kéo dài hơn một tháng, do vậy trong tuần mới, những phiên tăng điểm nhẹ trở lại đều là cơ hội giảm tỷ trọng cổ phiếu với mức giá tối ưu.
Chưa nên mua vào
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Có thể coi thị trường đã kết thúc quá trình phục hồi ngắn hạn sau đợt giảm mạnh. Hiện tại, các yếu tố thị trường đều chưa cho thấy tín hiệu khả quan. Khối ngoại tiếp tục có diễn biến tiêu cực khi tăng quy mô bán ròng trong đó tập trung bán mạnh các bluechip lớn. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp trong khi thị trường thế giới đang trong giai đoạn chịu nhiều rủi ro.
Môi trường thế giới đang đang trong trạng thái bất lợi với thị trường trong nước, cả từ góc độ tâm lý cũng như trực tiếp qua các quỹ ETF. Do đó, việc mua vào ở thời điểm hiện tại vẫn chưa được đề xuất.
Dòng tiền đang rút chạy
CTCP Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE): Giảm tới 2.2% trong phiên cuối tuần, VN-Index trả lại toàn bộ số điểm tăng được trong phiên trước. Nhìn trên tổng thể, chúng tôi thấy khối lượng có chiều hướng thấp dần; điều này được hiểu rằng dòng tiền rút ra khỏi thị trường.
Thị trường giảm ngay lập tức trước khi có phiên tăng nhắc lại, như vậy còn yếu hơn so với cả cảm nhận của chúng tôi. VN-Index có chiều hướng thử lại hỗ trợ ở 460 điểm trong tuần mới. Tâm lý chung đang trở nên bi quan hơn. Chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên tránh rủi ro và giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục thấp.
Ngưỡng 470 điểm sẽ bị thử thách
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Mặc dù không có thông tin vĩ mô nào quá xấu tuy nhiên các chỉ số dường như bắt đầu rơi vào chu kỳ điều chỉnh giảm lớn. Nếu tính từ đợt tăng từ cuối năm 2012 đến nay, các chỉ số chưa xuất hiện đợt điều chỉnh nào đáng kể, mà chủ yếu duy trì trong kênh tăng điểm.
Có thể nói yếu tố trụ cột với dòng tiền ngoài và tâm lý kỳ vọng vào chuyên biến tích cực của vĩ mô trong năm 2013 đã góp phần chính tạo nên đợt tăng vừa qua. Một phần nguyên nhân dẫn đến xu hướng giảm hiện nay cũng đễn từ những yếu tố này khi mà thanh khoản giảm sút và các bluechips có dấu hiệu bị bán mạnh.
Trong bối cảnh này, ưu tiền tỷ trọng tiền mặt lớn cần được thực hiện, đồng thời tránh tham gia bắt đáy khi các ngưỡng hỗ trợ chưa được kiểm tra một cách cẩn trọng.
Đầu tuần mới, ngưỡng hỗ trợ 470 điểm sẽ bị thử thách và cơ hội hồi phục tại mức này là rất mong manh do thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện. Giảm và đi ngang sẽ là kịch bản chủ đạo đi kèm với thanh khoản sụt giảm trong tuần mới.
Viết Vinh tổng hợp (Vietstock)
FFN
|