Thứ Năm, 07/03/2013 06:15

Tái cơ cấu kinh tế, chỉ dám rút chốt dần dần

Liệu Việt Nam có khắc phục thành công tình trạng phân bổ nguồn lực sai lệch dẫn đến vòng xoáy bất ổn vĩ mô sau khi đã thông qua đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế tuần trước? Câu trả lời không hề dễ, khi nhìn lại cả tiến trình lịch sử.

Đột phá về nhận thức

Ngồi trong một căn phòng nhỏ chứa đầy sách và văn kiện trên con phố thương mại Láng Hạ ở Hà Nội, vị tiến sĩ già Lưu Bích Hồ vẫn còn nhớ như in kỷ niệm ông được mời tham gia xây dựng bản chiến lược phát triển kinh tế xã hội đầu tiên của Việt Nam.

Vào năm 1991, ông Hồ, lúc đó là Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, được ông Phan Văn Khải, Tổ trưởng tổ biên soạn, mời tham gia bản chiến lược 1991-2000 theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Thời điểm đó, nền kinh tế vừa trải qua một giai đoạn khủng hoảng tồi tệ, với lạm phát lên tới hơn 97% năm 1990, dù đã giảm từ mức gần 777% vào năm 1986. Ông Hồ nhớ lại, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc đó yêu cầu nhóm biên soạn đưa ra được tư duy phát triển mới nhằm khắc phục những hệ lụy của nền kinh tế kế hoạch hóa kéo dài trước đó.

Hàng loạt chuyên gia kinh tế hàng đầu giai đoạn đó như Trần Đức Nguyên, Hà Nghiệp, và sáu viện nghiên cứu và trường đại học ở Hà Nội và TPHCM được yêu cầu viết các dự thảo độc lập. Rốt cuộc, bản chiến lược đầu tiên được thông qua với hàng loạt thay đổi về tư duy. Ông Hồ nhớ lại: “Có rất nhiều điểm đột phá, nhưng quan trọng nhất là quan điểm phát triển phải có hiệu quả. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực là thước đo hàng đầu”. Tư duy đó được coi là đột phá trong bối cảnh hệ thống tem phiếu mới chỉ được dỡ bỏ hai năm trước và nhiều nhà quản lý vẫn còn thói quen điều hành kinh tế theo kiểu kế hoạch hóa.

Nhưng không chỉ có vậy. Các nhà kinh tế đã thuyết phục lãnh đạo quốc gia về hàng loạt quan điểm khác như mọi thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển; Nhà nước quản lý nền kinh tế theo định hướng, và kiến tạo sự phát triển; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của ngành, vùng; ổn định kinh tế vĩ mô phải coi là nền tảng cho phát triển…

Ông Hồ nói: “Những tư tưởng của bản chiến lược đó là chuẩn mực cho sự phát triển, kể cả với Việt Nam ngày nay”. Chỉ vài năm sau, kết quả đã dần thấy rõ. Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất hiện.

Câu chuyện trên đáng để nhắc lại. Dù tinh thần đổi mới như trên được duy trì và mở rộng trong hai bản chiến lược 2001-2010, và 2011-2020, nhưng các nguồn lực một lần nữa lại bị sử dụng sai lệch và kém hiệu quả, làm kinh tế vĩ mô nhiều lần chao đảo. Trọng tâm của các chính sách phát triển chủ yếu tập trung vào gia tăng tín dụng để đầu tư, đặc biệt cho doanh nghiệp nhà nước và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, các lợi thế có sẵn như tài nguyên và nhân công giá rẻ được khai thác tối đa trong khi phớt lờ các yếu tố năng suất và hiệu quả.

“Mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đến giới hạn và không còn tiếp tục phù hợp nữa”, Giáo sư đại học Harvard Michael Porter tổng kết lại tình trạng kinh tế với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2010 khi ông được Chính phủ đặt hàng một nghiên cứu về tăng trưởng của Việt Nam. Giáo sư khuyến nghị, Chính phủ cần thành lập một cơ quan nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia để giúp phác thảo và thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cơ quan này đã được thành lập năm 2012 với tên gọi Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, song những dấu ấn của nó lên tiến trình tái cơ cấu kinh tế dường như mờ nhạt.

Trong khi thiếu những thay đổi để điều chỉnh lại mô hình tăng trưởng, nền kinh tế tiếp tục phải trải qua “những năm tháng được coi là khó khăn nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới” vào những năm đầu thập niên 1990, theo một báo cáo tổng kết của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cuối năm 2012.

Chặng đường còn dài

Cầm trong tay bản đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế mà Thủ tướng thông qua tuần trước, người chắp bút chính Nguyễn Đình Cung tỏ vẻ suy tư khi được hỏi về tính khả thi của nó. Đề án, mà ông và không ít các học giả khác hy vọng sẽ là động lực để Việt Nam tiến hành đổi mới lần hai, có đủ mạnh xoay chuyển tình thế hiện tại? Ông giải thích: “Mục tiêu trọng tâm là phải phân bổ lại nguồn lực vì hiện trạng kinh tế là hệ lụy của việc nguồn lực bị phân chia rất sai lệch trong thời gian dài”. Chìa khóa của ông Cung nói tới thực ra đã được thế hệ những học giả trước đây tìm ra từ hơn hai thập kỷ trước. Ông Cung nói tiếp: “Tình thế hiện nay quá phức tạp và cách giải quyết là rút những cái chốt một cách từ từ”.

Cái chốt đầu tiên, theo ông Cung, là phải ổn định được kinh tế vĩ mô. Chốt thứ hai là phải sửa đổi hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư, Luật Đất đai theo hướng đa sở hữu và giá cả theo cơ chế thị trường thay vì cơ chế giao, cho thuê, thu hồi như hiện tại.

Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động trên nguyên tắc lời ăn lỗ chịu mà không còn cơ chế ưu tiên. Khu vực kinh tế này buộc phải minh bạch và công khai thông tin như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cơ chế này tạo áp lực từ bên ngoài, theo ông Cung, sẽ dần giúp giải quyết được tình thế nan giải hiện nay liên quan đến chủ sở hữu.

Trong khi đó, cải cách hệ thống ngân hàng thương mại đặt trọng tâm vào xử lý nợ xấu và sở hữu chéo. Nợ xấu phải được xử lý thông qua cơ chế thị trường. Tuy nhiên, ông thừa nhận rất khó xử lý nợ xấu, khi có nhiều hành động từ Nhà nước giải cứu bất động sản được dùng làm tài sản thế chấp. “Khi mà có nhiều đòi hỏi giải cứu bất động sản thì không có động lực nào để giải chấp. Mọi người, kể cả ngân hàng và doanh nghiệp đều kỳ vọng giá lên nên cứ để đấy. Với tâm lý này, dù có thành lập công ty mua bán nợ quốc gia thì khối tài sản tồn đọng dưới dạng nợ vẫn bị bế tắc”. Liên quan đến sở hữu chéo, ông Cung cho rằng yêu cầu đầu tiên là các ngân hàng phải công bố cơ cấu sở hữu, rồi mới có thể xử lý vấn đề.

Về đầu tư công, theo ông Cung, vốn chỉ được phân bổ vào các dự án có hiệu quả kinh tế cao nhất và phải được công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phải theo quy trình chặt chẽ, tránh tình trạng xin bổ sung quy hoạch. “Những cái chốt đó được rút ra từ từ sẽ góp phần xoay chuyển tình hình hiện nay”, ông Cung nói.

Tuy nhiên, còn hàng loạt rào cản khác, đặc biệt là sở hữu đất đai mà các nhà kinh tế khác băn khoăn.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, nên có những khái niệm rõ hơn về thị trường đất đai, về sở hữu đất đai thay vì chỉ hạn chế vào một hình thức là sở hữu toàn dân. Lý do đất đai là nguồn lực cơ bản của kinh tế thị trường nên nếu các nhà hoạch định chính sách không tạo ra yếu tố bảo đảm cho nó vận hành theo nguyên tắc thị trường, thì nền kinh tế khó lòng vận hành tốt được. Ông nói: “Câu chuyện này thực sự rất nóng bỏng, nhưng chúng ta cố tình không tranh luận điều này một cách chính thức”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết theo thừa nhận của nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc khi làm Hiến pháp 1980, khái niệm sở hữu toàn dân được hiểu là mỗi người ai cũng có một miếng. Ông Nghĩa nói: “Thành ra, ai cũng vui vẻ mà không hề thấy rằng đó là quyết định quốc hữu hóa toàn bộ đất đai vào tay Nhà nước”. Tuy nhiên, dưới vỏ bọc là sở hữu toàn dân, nhưng bằng rất nhiều cách khác nhau, một miếng đất có thể biến thành biệt thự của tư nhân, với giá 1 mét vuông hàng trăm triệu đồng.

Liệu nền kinh tế có hoạt động theo nguyên tắc lấy hiệu quả làm trọng, như các học giả thế hệ những năm đầu đổi mới đã nêu, và được lặp lại bởi những thế hệ gần đây? Ngồi trong căn phòng nhỏ, ông Lưu Bích Hồ vẫn hàng ngày quan sát và đóng góp cho tiến trình cải cách kinh tế. Ông nói: “Thế hệ chúng tôi vẫn chưa thực hiện được tinh thần đó, nhưng tôi hy vọng thế hệ sau, thậm chí nhiều thế hệ sau sẽ làm được”.

Tư Giang

tbktsg

Các tin tức khác

>   TS Võ Trí Thành: "Những nỗ lực cải cách vẫn đang dang dở" (05/03/2013)

>   Năm mới: liệu có mô hình tăng trưởng “mới”? (05/03/2013)

>   Kinh tế Việt Nam: Sẽ sớm hồi phục hay còn trì trệ kéo dài? (05/03/2013)

>   Giữ lạm phát dưới mức 6,81% - nhiệm vụ khó khả thi (04/03/2013)

>   HSBC: Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tốt nhất châu Á (04/03/2013)

>   Ernst & Young: GDP Việt Nam có thể đạt 154,6 tỷ USD năm nay (01/03/2013)

>   HSBC: PMI tháng 2 xuống dưới 50 điểm, lãi suất ít có khả năng giảm  (01/03/2013)

>   Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đầu tư công, ổn định tỷ giá, tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất (28/02/2013)

>   Tái cơ cấu kinh tế: Mọi việc để quá lâu sẽ càng khó xử lý (28/02/2013)

>   Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho 5 dự án mới của Việt Nam (27/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật