Giữ lạm phát dưới mức 6,81% - nhiệm vụ khó khả thi
Mục tiêu kiềm chế lạm phát cho năm 2013 được Chính phủ đặt ra là phải thấp hơn lạm phát của năm 2012 (6,81%), giữ ở mức khoảng từ 6 - 6,5%. Tuy nhiên, tình hình thực tế hai tháng đầu năm cho thấy việc thực hiện mục tiêu này đang trở nên khó khả thi do áp lực tăng giá khá lớn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong hai tháng đầu năm đều có mức tăng xấp xỉ 1% so với tháng liền trước. Với đặc điểm là thời gian trước và trong Tết Nguyên đán thì mức tăng này không đáng lo ngại, do thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Dù vậy, CPI trong tháng 1.2013 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng khá mạnh, đáng chú ý là các mặt hàng lương thực, thực phẩm như gạo, thịt, cá… làm cho nhóm ngành này tăng 1,34%, riêng thực phẩm tăng cao đến 1,96%.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng không chi tiêu nhiều thì mức tăng CPI trong thời điểm này có lẽ vẫn ở mức cao. Tương tự, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 2.2013 chỉ tăng 1,32% so với tháng trước và thấp hơn cùng kỳ 3 năm qua.
Tuy nhiên, trên thực tế giá thực phẩm và hầu hết các hàng hóa khác và dịch vụ (ngoại trừ bưu chính viễn thông ) đều tăng mạnh. Và dù mức tăng CPI của tháng 2 là thấp, nhưng tổng mức lạm phát của tháng 1 và 2 hiện nay đã vào khoảng 2,6% (khoảng bằng 25% mức lạm phát của cả năm 2012). Điều đó có nghĩa là theo kế hoạch lạm phát chỉ còn khoảng 3,4-3,9% chia cho 10 tháng còn lại của năm 2013. Mỗi tháng chỉ được tăng không quá 0,25% sẽ là nhiệm vụ khó khăn với cơ quan điều hành.
Mục tiêu của Chính phủ khó thực hiện cũng bởi tình trạng xăng dầu thế giới đang ở trong thời điểm cầu vượt quá cung, nên mặt hàng này đang đối mặt với áp lực điều chỉnh giá ở thị trường trong nước. Nghiên cứu thời gian gần đây (2011 và 2012) cho thấy, giá xăng dầu thường chạm đỉnh vào thời điểm khoảng tháng 3 và tháng 4. Các doanh nghiệp cũng báo lỗ khoảng 1.800đồng/lít xăng. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu doanh nghiệp giảm lãi và trích quỹ bình ổn để giữ giá mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, sinh hoạt này. Nhưng nền kinh tế có thể bị sốc nếu giá tiếp tục bị ép chưa cho tăng. Và theo tính toán nếu tiếp tục giữ giá thì khi điều chỉnh có thể kéo theo hệ quả là làm cho tỷ lệ lạm phát tăng cao, dự tính là khoảng 2%. Như thế lạm phát của ba tháng đầu năm 2013 có thể sẽ lên đến 4,5 - 5%, chiếm gần như toàn bộ chỉ tiêu của năm.
Tỷ lệ lạm phát là một yếu tố bị chi phối phần lớn bởi yếu tố giá. Do vậy, để giữ vững được lạm phát ở mức 6 - 6,5%/năm, Chính phủ cần kiên định và nhất quán với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn năm 2012. Thận trọng hơn trong điều hành thị trường tiền tệ. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường cần được phối hợp chặt chẽ hơn, tránh thời gian tháng trước và sau Tết, hay những thời điểm đặc biệt, để tránh tác động cộng hưởng và tâm lý kỳ vọng lạm phát. Ngoài ra, cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa nhằm bình ổn giá cả hàng hóa, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao. Và, cần tỉnh táo trong ban hành và thực hiện chính sách để ngăn chặn sự trở lại của cơn bão lạm phát như đã từng xảy ra vào những năm trước đây.
Giang Nguyễn
đại biểu nhân dân
|