Thứ Ba, 26/02/2013 21:07

Chuyên gia: Không dễ cải cách kinh tế

Các nhà kinh tế trong và ngoài nước cảnh báo, Việt Nam phải vượt qua hàng loạt các rào cản nều muốn thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu kinh tế tổng thể vừa được phê duyệt.

Doanh nghiệp Nhà nước đang là lĩnh vực cải cách khó khăn nhất.

Đề án do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông qua cuối tuần trước sau khi đã được xem xét tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012 tập trung tái cơ cấu ba lĩnh vực chính là đầu tư công; các ngân hàng thương mại; và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đề án được hình thành với hy vọng sẽ giúp hồi phục nền kinh tế đã trở nên dễ tổn thương bởi vòng xoáy bất ổn vĩ mô lặp đi lặp lại do các nguồn lực kinh tế được sử dụng sai lệch, đặc biệt ở khu vực kinh tế nhà nước trong ba lĩnh vực trên.

Tuy nhiên, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, các nhà kinh tế cho rằng không dễ tiến hành chương trình cải cách kinh tế này do quy mô kinh tế hiện nay đã trở nên rất phức tạp.

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói: “Trọng tâm của chương trình tái cơ cấu là phải phân bố lại nguồn lực. Nguồn lực kinh tế, tài chính, đất đai,… bị phân bổ sai lệch, không hiệu quả đã bắt rễ sâu vào nền kinh tế, và không dễ gì thay đổi”.

Ông Cung cho rằng, ổn định được kinh tế vĩ mô là nền tảng cơ bản để tái cơ cấu kinh tế. Chỉ khi đó, các nhà sản xuất mới yên tâm đầu tư, sản xuất dài hạn.

Bên cạnh đó, để tạo động lực mới Việt Nam phải sửa đổi hàng loạt các luật, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Đất đai để cơ chế thị trường được vận hành đúng. Ông cho rằng, cơ chế cấp, giao, đền bù đất đai hiện nay không theo cơ chế thị trường và là mảnh đất màu mỡ cho việc lạm dụng quyền lực, trong khi lại triệt tiêu động lực phát triển trong xã hội.

Với trụ cột cải cách quan trọng nhất là doanh nghiệp nhà nước, ông nhận xét khu vực này phải hoạt động trên nguyên tắc lời ăn lỗ chịu mà không còn hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, họ buộc phải minh bạch hoá thông tin như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, cải cách hệ thống ngân hàng thương mại đặt trọng tâm vào xử lý nợ xấu và sở hữu chéo. Nợ xấu phải được xử lý thông qua cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rất khó xử lý nợ xấu, khi có nhiều hành động từ nhà nước giải cứu bất động sản được dùng làm tài sản thế chấp. “Khi mà có nhiều đòi hỏi giải cứu bất động sản thì không có động lực nào để giải chấp. Mọi người, kể cả ngân hàng và doanh nghiệp đều kỳ vọng chờ giá lên nên cứ để đấy. Với tâm lý này thì dù thành lập công ty mua bán nợ quốc gia thì khối tài sản tồn đọng dưới dạng nợ vẫn nằm đó bế tắc”.

Cơ chế về đầu tư công, ông cho biết, vốn chỉ được phân bổ vào các dự án có hiệu quả kinh tế cao nhất, cho dù hàng năm có hàng chục ngàn dự án công; và phải công khai minh bạch. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phải theo quy trình chặt chẽ, tránh tình trạng xin bổ sung quy hoạch.

“Không thể tái cơ cấu qua đêm ngay được. Song, giải quyết những lĩnh vực trên sẽ như tháo chốt dần dần, góp phần xoay chuyển tình hình của cả nền kinh tế”, ông Cung nói.

Trong khi đó, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa khuyến nghị, mô hình tăng trưởng hiện nay đã đến giới hạn, và Việt Nam phải thay đổi nó nếu muốn tăng trưởng cao hơn.

Bà giải thích, một trong những nguyên nhân làm mất ổn định là mô hình tăng trưởng mà Việt Nam theo đuổi. Mô hình đó dựa rất nhiều vào đầu tư công để các doanh nghiệp nhà nước thực hiện, rồi họ lại vay nhiều tiền từ các ngân hàng thương mại nhà nước. Để duy trì mô hình này, Việt Nam cần tăng trưởng tín dụng rất nhanh. Tuy nhiên, các khoản đầu tư lại thiếu hiệu quả. Điều này tạo ra mất ổn định cho khu vực tài chính.

“Việt Nam cần chấm dứt mô hình này để chuyển sang mô hình khác dựa nhiều vào năng suất và hiệu quả,” bà nói.

Bên cạnh đó, bà khuyến nghị, Việt Nam phải tách biệt chức năng quản lý nhà nước khỏi doanh nghiệp nhà nước, và phải để các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh.

“Nhà nước đang gánh vác quá nhiều chức năng. Vì sao Nhà nước phải kinh doanh khách sạn hay khu nghỉ dưỡng. Cần nhớ nguyên tắc cơ bản, là nhà nước cung cấp những dịch vụ công”, bà Kwakwa nói.

Bà Kwakwa nhận xét, khu vực doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng đang gặp rất nhiều vấn đề, một số thậm chí đang trong tình hình nghiêm trọng. Bà nói: “Nếu Việt Nam không xử lý điều này, quy mô của vấn đề sẽ phình to và ngày càng khó giải quyết. Thông điệp của tôi gửi Chính phủ, là nếu để mọi việc quá lâu, thì sẽ ngày càng khó xử lý. Khi bạn đã ở trong tình trạng khủng hoảng thật sự, bạn phải rất đau đớn để giải quyết. Việt Nam phải giải quyết điều này ngay bây giờ, thời gian là rất quan trọng”.

Tư Hoàng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Kinh tế TP.HCM: Nhiều dấu hiệu khả quan (26/02/2013)

>   Hai tháng đầu năm, giải ngân hơn 1 tỷ USD vốn FDI (25/02/2013)

>   TGĐ Standard Chartered Việt Nam: Bối cảnh kinh tế sẽ sáng dần (25/02/2013)

>   JPMorgan Chase: “Tỷ giá USD/VNĐ năm nay sẽ ổn định” (25/02/2013)

>   Tăng trưởng cao: Chỉ còn trong mơ (25/02/2013)

>   Chưa thể lơ là với lạm phát (25/02/2013)

>   CPI tháng 2: Cả nước tăng 1.32% (23/02/2013)

>   CPI tháng 2: Hà Nội tăng 1,3% (22/02/2013)

>   Chuyên gia kinh tế nói về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế (22/02/2013)

>   Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế (21/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật