Thứ Hai, 25/02/2013 14:46

TGĐ Standard Chartered Việt Nam: Bối cảnh kinh tế sẽ sáng dần

Đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2013, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam cho rằng, bối cảnh sẽ tốt hơn năm 2012 nhờ các tín hiệu tích cực trong việc ổn định lãi suất, nhưng vẫn sẽ là một năm khó khăn.

Kinh tế Việt Nam năm 2013 được nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn do các yếu tố nội tại và cả tác động từ khó khăn kinh tế thế giới. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Khi tôi đến đây lần đầu tiên vào năm 2010, Việt Nam nằm trong danh sách thành viên các nước GDP 7% của Standard Chartered, tức là sẽ có tiềm năng phát triển GDP trung bình 7% mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Nhưng hiện tại, chúng tôi không nghĩ Việt Nam có thể quay được về mức tăng trưởng GDP 7% trong vòng 2 năm tới, trừ khi quá trình tái cấu trúc được thực hiện quyết liệt hơn. Do vậy, để kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng tiềm năng thì việc tái cấu trúc là rất quan trọng, đặc biệt là đối với 3 trọng tâm mà Chính phủ đã đề ra, đó là ngân hàng, DNNN và đầu tư công. Năm 2013 sẽ vẫn là một năm nhiều khó khăn nhưng được mong đợi sẽ tốt hơn năm 2012, bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô ở Việt Nam hiện đã tốt hơn so với đầu năm ngoái.

Mặc dù kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong năm 2012 nhưng vẫn có những thành công trên một vài lĩnh vực nhất định. Với nhận định rằng cơn bão đã qua, theo ông có quá lạc quan?

Có sự khác biệt giữa việc cơn bão đang đi qua hay đã đi qua và tôi cho rằng cơn bão chưa qua, nó chỉ đang qua đi. Bạn đang nói tới sự cải thiện các chỉ số kinh tế vĩ mô bao gồm bình ổn lạm phát và ngoại hối. Những yếu tố này là rất tích cực nhưng để cơn bão hoàn toàn qua đi, cần phải thực hiện tái cấu trúc nhanh và quyết liệt hơn. Điều đáng khích lệ là Chính phủ cũng rất tập trung vào việc duy trì sự bình ổn kinh tế vĩ mô hơn là chạy theo con số tăng trưởng trước mắt.

Ông đánh giá như thế nào về tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện tại?

Tôi nghĩ rằng, điều đó tùy thuộc vào việc DN tập trung vào xuất khẩu hay thị trường nội địa. Năm 2013 được mong chờ sẽ tốt hơn năm 2012, tuy rằng vẫn còn nhiều thách thức do nhu cầu trong nước không cao. Bởi lẽ đó, đối với DN trong nước hay nước ngoài đang tập trung vào việc kinh doanh ở thị trường trong nước, Việt Nam vẫn là một thị trường khá nhiều thách thức so với các nước lân cận như Malaysia hay Indonesia. Còn về khía cạnh giá trị tài sản, nếu bạn là một nhà đầu tư tài chính thì có thể thấy tiềm năng thị trường Việt Nam là khá tốt.

Theo ông, đâu là các điều kiện cần thiết để DN Việt Nam nắm bắt cơ hội trong giai đoạn sắp tới?

DN Việt Nam cần xem tình trạng hoạt động hiện tại của mình và cần thận trọng với những vấn đề sau: Thứ nhất, duy trì thanh khoản.

Thứ hai, những điều trên cần gắn với chiến lược của DN. Nếu DN có chiến lược tốt với các sản phẩm tốt thì đây là thời điểm cần tập trung cho điều đó. Thứ ba, kiểm soát chi phí tốt giúp duy trì tính cạnh tranh. Cuối cùng, đặt mình vào vị trí khách hàng để xem làm thế nào có thể phục vụ được tốt hơn.

Quyết sách của các nhà hoạch định chính sách cho giai đoạn tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế nói chung và DN nói riêng, theo ông nên là gì?

NHNN đã rất rõ ràng trong việc đưa ra mức lãi suất phù hợp với hoàn cảnh. Thực tế, cơ quan này khá thành công trong việc này như chúng ta đã thấy khi lạm phát giảm tốc và thị trường tiền tệ vẫn bình ổn. Tôi cho rằng, NHNN đã kiểm soát tốt vấn đề lãi suất. Điều này rất quan trọng với hy vọng duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, tín dụng sẽ khá khó khăn đối với nền kinh tế trong năm nay, bởi hệ thống ngân hàng đang còn nhiều khó khăn. Do vậy, chính sách tái cơ cấu giúp các ngân hàng thanh khoản trở lại và cho vay hiệu quả sẽ giúp ích cho nền kinh tế Việt Nam trong một thời gian dài. Và tôi cho rằng, việc thúc đẩy thị trường bất động sản cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng chính sách hỗ trợ mua căn nhà đầu tiên thay vì mua nhà đầu cơ sẽ rất có ích.

Ông đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2013?

Năm trước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5%, trong đó phần lớn nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu đạt 18%. Nhưng dù tăng trưởng xuất khẩu bình ổn khi mà kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, chúng ta vẫn phải chờ xem và điều mà môi trường kinh doanh Việt Nam cần đảm bảo là ổn định sự cạnh tranh về chi phí.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   JPMorgan Chase: “Tỷ giá USD/VNĐ năm nay sẽ ổn định” (25/02/2013)

>   Tăng trưởng cao: Chỉ còn trong mơ (25/02/2013)

>   Chưa thể lơ là với lạm phát (25/02/2013)

>   CPI tháng 2: Cả nước tăng 1.32% (23/02/2013)

>   CPI tháng 2: Hà Nội tăng 1,3% (22/02/2013)

>   Chuyên gia kinh tế nói về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế (22/02/2013)

>   Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế (21/02/2013)

>   TP.HCM: Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 2 tăng 1% (21/02/2013)

>   Chưa lạc quan với kịch bản kinh tế Việt Nam 2013 (21/02/2013)

>   Tăng thu ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng: Mục tiêu trái chiều (21/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật