Phân bổ đúng nguồn lực để tăng sức cạnh tranh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.
DN là mắt xích quan trọng nhất trong quá trình tái cơ cấu kinh tế
|
Tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN
Mục tiêu của Đề án nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, ổn định và dài hạn, nhất là ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích đầu tư khác, thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh.
Về tái cơ cấu DN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Đề án nêu rõ sẽ thực hiện phân loại, sắp xếp lại các DNNN, tập trung vào các lĩnh vực chính gồm công nghiệp quốc phòng, các ngành, lĩnh vực công nghiệp độc quyền tự nhiên hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn; đẩy mạnh cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu.
Đối với từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của các DN tư nhân; khuyến khích hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực cho DN
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mục đích trực tiếp của việc tái cơ cấu nền kinh tế là nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là quá trình phân bổ lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế, không phải là gói cứu trợ nền kinh tế để vượt qua khủng hoảng.
Nguồn lực mà chúng ta dựa vào để tái cơ cấu nền kinh tế là tổng nguồn lực xã hội hiện có và nguồn lực được bổ sung hàng năm. Quá trình phân bổ lại nguồn lực trong nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh chủ yếu do khu vực DN và hộ gia đình trực tiếp thực hiện, các chi phí điều chỉnh, nếu có đều do các DN tự trang trải. Như vậy, Đề án tái cơ cấu kinh tế kế thừa các đột phá chiến lược, tạo tiền đề và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế, trong đó DN là một mắt xích quan trọng. Còn hoạt động của cơ quan Nhà nước để triển khai đề án tái cơ cấu về cơ bản đều nằm trong chức năng, phạm vi, thẩm quyền và hoạt động bình thường trong quản lý nhà nước và trong phạm vi kế hoạch ngân sách được Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền thông qua.
Ông Cung cho rằng, thực tế hiện nay, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta chủ yếu là thay đổi động lực của tăng trưởng kinh tế từ dựa vào tăng quy mô các yếu tố đầu vào (vốn, lao động, tài nguyên) sang gia tăng hiệu quả, năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, để các yếu tố này trở thành động lực tăng trưởng kinh tế. Do đó, Đề án tập trung chủ yếu vào thay đổi vai trò tương đối của các nhân tố sản xuất trong tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, để có thể nâng cao giá trị cạnh tranh, trước tiên các DN cần xây dựng lợi thế so sánh về chi phí, tức khả năng sinh lời trên một đơn vị sản phẩm. Về lâu dài, DN nên chuyển từ lợi thế so sánh về chi phí đến khả năng cạnh tranh về chất. Đó chính là các kỹ năng tổ chức, quản lý của nhà kinh doanh trong toàn bộ các hoạt động cơ bản của chu trình sản xuất - kinh doanh: từ khâu tiền sản xuất, chẳng hạn như xác định và thiết kế sản phẩm, mua công nghệ và đầu vào, quản lý nguyên vật liệu và dự trữ; đến bản thân quá trình sản xuất như sử dụng lao động, nâng cao kỹ năng lao động và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và sau sản xuất như bao gói, thời gian giao dịch, liên kết thương mại, marketing, dịch vụ sau bán hàng, và tiếp cận thị trường nước ngoài.
Cũng theo ông Thành, bên cạnh việc tự thân vận động, trong quá trình nâng cao giá trị gia tăng của mình, các DN cũng cần nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc tăng cường chất lượng giáo dục - đào tạo với nguồn nhân lực có chất lượng; cải thiện chất lượng dịch vụ hạ tầng và dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, viễn thông, giao thông vận tải…
Minh Nhật
Đầu tư chứng khoán
|