TS Võ Trí Thành: "Những nỗ lực cải cách vẫn đang dang dở"
Hiện nay, chúng ta đã có 4 điều mong muốn nhưng không dễ thực hiện, là ổn định kinh tế vĩ mô; phục hồi nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội; và tiến hành tái cấu trúc kinh tế và cả cải cách chính trị như sửa Hiến pháp.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về những nỗ lực cải cách kinh tế hiện nay.
Tiến sĩ Võ Trí Thành
|
Nhìn vào diễn biến các chính sách kinh tế vĩ mô thời gian qua, ông thấy đâu làm điểm chính yếu?
- Ông Võ Trí Thành: Suốt từ khi có Nghị quyết 11 từ đầu năm 2011 đến giờ, chính sách đã chuyến hướng mạnh và kiên định là ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, quá trình cải cách cũng bắt đầu được khởi động. Những động thái này xuất phái từ nhận thức là kinh tế đã trở nên dễ tổn thương do những yếu kém mang tính cơ cấu. Thứ nhất là mô hình tăng trưởng cơ bản dựa trên tín dụng, đầu tư, chi phí giao dịch cao, nhiều thị trưòng còn méo mó; và thứ hai là nền tảng vi mô yếu như lạm phát cao, biến động lớn, thâm hụt thương mại ngân sách lớn, nợ công gia tăng, dự trữ ngoại hối mỏng… Đến nay thì chính sách vĩ mô phải thắt chặt. Kinh tế đang hào hứng bị thì bị hẫng hụt, khó chịu, nhưng đó là những phí tổn trong quá trình tái cơ cấu.
Vậy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được đến đâu?
- Ổn định kinh tế vĩ mô đã làm được một số điều. Chẳng hạn, lạm phát giảm nhanh, hiện khoảng 7% tính theo năm. Cán cân thanh toán có thặng dư. Dự trữ ngoại tê tăng khá mạnh dù chưa dày dặn gì…Tuy vậy, nền kinh tế vẫn rơi vào tình trạng thừa tiền nhưng thiếu vốn. Tình trạng này sẽ còn kéo dài.
Nếu nhìn về kết quả thì nền kinh tế Việt Nam từ quí 2-2012 đang có sự phục hồi tốc độ tăng trưởng, dù rất chậm. Nên nhớ là Chính phủ đang phải đồng thời giải quyết 2 mục tiêu mâu thuẫn là vừa ưu tiên kiềm chế lạm phát, vừa kích thích phục hồi tăng trưởng.
Việc xử lý giá một số mặt hàng chiến lược như xăng dầu vừa qua cũng là cho mục tiêu ổn định vĩ mô?
- Động thái vừa qua của Chính phủ cho thấy quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng theo tôi, nếu cú sốc giá tiếp, thì sẽ phải thay đổi cách điều hành. Vấn đề là nghệ thuật điều hành sao cho vừa dần theo cơ chế thị trường, vừa có giải trình minh bạch trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn rất mong manh. Ví dụ, quyết tâm giữ ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, và họ làm được thể hiện quyết tâm ổn định vĩ mô.
Liên quan đến tỷ lệ lạm phát, năm nay lạm phát không giữ được dưới 10% thì các chính sách sẽ thất bại. Song, liệu lạm phát sẽ giữ ở mức bao nhiêu 6% hay 8% để còn phù hợp với mong muốn phục hồi nền kinh tế? Nhìn vào những đánh giá mới nhất của các tổ chức tài chính quốc tế như HSBC, thì họ đều đánh giá lạm phát 7-8% năm nay. Như vậy, họ tin Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực ổn định nhưng họ cũng cảnh báo chính sách của ta chưa hợp lý khi so với tăng trưởng.
Ông bình luận gì về những nỗ lực cải cách đã được tuyên bố gần đây?
- Hiện nay, chúng ta đã có 4 điều mong muốn nhưng không dễ thực hiện, là ổn định kinh tế vĩ mô; phục hồi nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội; và tiến hành tái cấu trúc kinh tế và cả cải cách chính trị như sửa Hiến pháp.
Ai cũng muốn tổng thể như thế. Kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát thấp mới có cơ hội giảm lãi suất. Hiện nay, lãi suất huy động không còn dư địa để giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn có cơ hội để giảm tiếp. Ở góc độ này, Chính phủ cần thông điệp rõ ràng về quyết tâm ổn định vĩ mô, trong khi uyển chuyển trong nghệ thuật điều hành. Các bộ, ngành cần khẩn trương thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Hiện tại, chương trình tái cấu trúc kinh tế, tái cơ cấu Vinashin, Vinalines, thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia AMC để giải quyết nợ xấu vẫn chỉ ở trên giấy. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn tiếp tục lộ trình hội nhập kinh tế ASEAN, đàm phán với các đối tác khác như EU, Nga,... Mục tiêu của hội nhập cũng giúp phân bổ nguồn lực hiệu qua hơn vì hội nhập sẽ tạo sức ép cải cách bên trong.
Nhưng phải thẳng thắn là mọi việc đều đang dang dở, có cái làm nhiều làm ít, có cái đề ra được nguyên tắc, song đều dang dở.
Tư Hoàng
tbktsg
|