TS. Nguyễn Đình Cung: Phải quyết liệt, Nghị quyết “gỡ khó” mới vào cuộc sống
Việc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã bàn kỹ càng, Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng đã đưa ra những giải pháp đồng bộ, hợp lý. Vấn đề bây giờ là phải tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt được mục tiêu đề ra.
Có thể nói Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã được ban hành kịp thời với những giải pháp hợp lý, tương đối đồng bộ, đúng địa chỉ. Trong đó nhấn mạnh vấn đề giải quyết hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản,…
Giải pháp đồng bộ, hợp lý, kịp thời
Nghị quyết này cũng vẫn nhấn mạnh giải pháp ưu tiên phân bổ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp xuất khẩu cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn… Đây là những lĩnh vực nền tảng, tạo công ăn việc làm cho đông đảo lao động. Thực hiện giải pháp này còn giải quyết nhiều vấn đề xã hội.
Nghị quyết của Chính phủ đưa ra cả những giải pháp dài hạn, căn bản, mang tính lâu dài như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp,… Như vậy, hướng đi là đã có, vấn đề đặt ra là triển khai thực hiện như thế nào?
Thiết nghĩ để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần quyết liệt triển khai các chủ trương của Chính phủ ngay từ đầu năm.
Trước hết, cần triển khai nhanh chóng, gấp rút việc soạn thảo và sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trình Quốc hội thông qua để chủ trương giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống 20% sớm được thực hiện.
Bên cạnh đó, cần thay đổi cách thức thực hiện để nhóm doanh nghiệp ưu tiên thuận lợi tiếp cận vốn.
Nghị quyết đúng nhưng triển khai phải tốt
Thực tế thời gian qua, tuy chúng ta vẫn nói là ưu tiên phân bổ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng doanh nghiệp vẫn phản ánh là chưa tiếp cận được những gói tín dụng ưu tiên này. Như vậy, cách thực hiện của chúng ta chưa thực sự hợp lý, ngân hàng và doanh nghiệp chưa “tin nhau”, chưa có tiếng nói chung.
Để giải quyết vướng mắc này, tôi cho rằng cần phải kết hợp hài hòa giữa chỉ đạo, điều hành từ trên xuống và sự thực hiện nghiêm túc từ dưới lên. Theo đó, Ngân hàng nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại công bố những gói tín dụng ưu tiên cho doanh nghiệp. Đồng thời, phải quy định rõ nhóm doanh nghiệp được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn này.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh, hiệp hội phải tiến hành điều tra, khảo sát, tập hợp danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn; số vốn cần vay; thời hạn vay; mục tiêu sử dụng vốn;… sau đó giới thiệu cho các ngân hàng thương mại.
Cách làm này giúp các ngân hàng thương mại có địa chỉ tin cậy để cho vay đúng đối tượng. Do vậy, Ủy ban nhân dân các địa phương, các hiệp hội phải năng động, tích cực vào cuộc để tạo thành cầu nối tin cậy giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Cũng phải lưu ý rằng, quyết định cho vay vẫn là quyền của ngân hàng, chính quyền, hiệp hội chỉ giới thiệu “khách hàng tiềm năng”, đủ điều kiện vay vốn cho ngân hàng. Chính quyền không can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động của ngân hàng.
Giải quyết nợ xấu: Phải làm ngay, đừng kéo dài thảo luận
Về vấn đề xử lý nợ xấu, ai cũng biết đây là cục máu đông, cản trở lưu thông tiền tệ, tín dụng, ngăn cản sản xuất kinh doanh phát triển. 2 năm nay chúng ta đã bàn luận kỹ càng, Nghị quyết 02 đã nói mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn.
Đành rằng xử lý nợ xấu là vấn đề phức tạp, nhưng thiết nghĩ chúng ta không nên kéo dài thời gian thảo luận thêm nữa, bây giờ là lúc phải bắt tay vào làm.
Vậy phải làm như thế nào? Tôi cho rằng, chúng ta có thể sử dụng Quỹ dự phòng, vì đây là giải pháp trong tầm tay của ngân hàng, tránh tình trạng nợ xấu gia tăng, quỹ dự phòng cũng tăng tương ứng.
Được biết quỹ dự phòng hiện có khoảng 75.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 1/3 số nợ xấu như báo cáo. Nếu quỹ này được sử dụng, nợ xấu sẽ giảm từ 9% xuống 6% tổng dư nợ tín dụng, qua đó sẽ tạo niềm tin lớn cho thị trường. Đây cũng không phải là câu chuyện mới, mà vấn đề này chúng ta đã nói từ lâu, giờ là lúc phải triển khai quyết liệt.
Tuy nhiên, để sử dụng quỹ này một cách an toàn, hiệu quả chúng ta phải làm rõ các nội dung: Quỹ dự phòng hiện nay đang ở hình thức nào, có phải tất cả đều có thể đem ra sử dụng để xử lý nợ xấu không? Công cụ và cơ chế có thể được sử dụng để chuyển từ quỹ dự phòng sang xử lý nợ xấu? Mục tiêu cụ thể và cơ chế giám sát xử lý nợ xấu thông qua sử dụng quỹ dự phòng là gì? Khi nào chúng ta xử lý được nợ xấu?
Thiết nghĩ Nghị quyết 02 đã nói rất rõ ràng, các bộ, ngành, địa phương cũng đã có những động thái vào cuộc tích cực. Hy vọng rằng năm nay bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước sẽ có bước chuyển biến tích cực.
TS. Nguyễn Đình Cung
Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chính phủ
|