Vì sao giao dịch ngầm vẫn còn nhiều
Các chính sách vĩ mô nhằm làm giảm quy mô của nền kinh tế ngầm tại Việt Nam nên được bắt đầu từ chính sách thuế. Việc ban hành chính sách hướng đến một nền kinh tế giao dịch không dựa vào tiền mặt cũng là cách thức làm giảm quy mô nền kinh tế ngầm.
Hiện nay đa phần các giao dịch BĐS không thông qua sàn
|
“Muôn hình vạn trạng” chi phí ngầm
“Thuế cao, chi phí không chính thức lớn, làm ăn khó khăn khiến DN chúng tôi phải lách thuế và thú thật cũng có những giao dịch ngầm. Nếu soi ra, cứ chiểu theo pháp luật thì đa số doanh nhân có nguy cơ bị đi tù”, một doanh nhân thổ lộ.
Những kết quả nghiên cứu về quy mô của kinh tế ngầm đã minh họa rõ hơn cho ý kiến này. TS.Võ Hồng Đức và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh đã đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô nền kinh tế ngầm tại Việt Nam chiếm 33,9% GDP năm 2011. Đây là tỷ lệ cao so với quy mô nền kinh tế chính thức.
Bên cạnh những hoạt động không được phép như buôn bán hàng cấm, buôn lậu, cờ bạc, những hành vi thông đồng, móc ngoặc giữa người quản lý với người thừa hành để bớt xén tiền của, tài sản của Nhà nước, lập quỹ đen, chia nhau, các hành vi hối lộ cá nhân hoặc tập thể… kinh tế ngầm ở Việt Nam bao gồm phần lớn các hoạt động không bị pháp luật cấm nhưng lại không nộp thuế, kinh doanh không chính thức, giấu doanh thu, giảm lợi nhuận…
Đơn cử như mua bán bất động sản, xe ô tô nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ hoặc làm giấy tờ mua bán với giá thấp hơn giá thực tế để trốn thuế...
Nhóm nghiên cứu cho rằng, quy mô kinh tế ngầm như nghiên cứu đưa ra cũng là chưa đầy đủ. Chẳng hạn, ngay cả các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng mới chỉ áng chừng được lượng vàng nắm giữ trong dân khoảng 300-400 tấn và có bao nhiêu bất động sản đã được mua-bán không chính thức, những hành vi tham nhũng, hối lộ, chi phí không chính thức… khiến DN phải biến báo các khoản chi này cũng không nắm được.
“Thuế cao là yếu tố tác động lớn đến quy mô nền kinh tế ngầm vì người dân và DN sẽ cố tình tìm cách giảm số thuế phải nộp. Tiếp theo đó là nạn tham nhũng, rồi tình trạng vẫn cho phép các giao dịch tiền mặt và quản lý Nhà nước không hiệu quả”, theo TS.Võ Hồng Đức.
“Thuế và phí đang chồng chất lên nhau và trở thành gánh nặng cho người dân và DN”, TS. Đặng Văn Thanh - chuyên gia kinh tế tài chính cao cấp của Quốc hội nói. Một nghiên cứu công bố gần đây cũng chỉ ra rằng: Những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.
Theo báo cáo này, mức thuế suất thu nhập DN 25% được áp dụng cố định cho mọi DN ở Việt Nam trong khi các nước khác lại áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau dao động từ 2-30%. Bên cạnh thuế thu nhập, Việt Nam còn áp nhiều khoản thuế cao khác đánh vào tiêu dùng như thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Nhóm nghiên cứu cảnh báo, tổng mức thu thuế/GDP cao đã hạn chế khả năng tích lũy, làm giảm đầu tư phát triển và khuyến khích các hành vi gian lận và tham nhũng.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi một quốc gia có sự tăng trưởng trong nền kinh tế ngầm thì Chính phủ của quốc gia đó đã không thực thi những quy định và luật thuế một cách công bằng và hiệu quả”, nghiên cứu của Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh kết luận.
Bắt đầu từ chính sách thuế
Các nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra rằng, sự hiện diện của nền kinh tế ngầm làm suy giảm nguồn thu ngân sách của Chính phủ đồng thời làm gia tăng chi phí cung cấp dịch vụ công. Không những vậy, dữ liệu về nền kinh tế ngầm không được ghi nhận trong hệ thống thống kê tài khoản quốc gia đã làm các chỉ số thống kê kinh tế bị sai lệch, dẫn đến các quyết định sai lầm của các nhà hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, việc đẩy lùi các giao dịch ngầm trong nền kinh tế vẫn là một thách thức đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách.
“Không thể loại bỏ hoàn toàn các hoạt động trong nền kinh tế ngầm thông qua những quy định tuân thủ hay bắt buộc vì điều này không thật sự hiệu quả”, một chuyên gia nhận định và khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách nên hạn chế xu hướng dẫn dắt các cá nhân tham gia vào các hoạt động kinh tế ngầm bằng cách giảm bớt gánh nặng về thuế cũng như bãi bỏ những quy định không cần thiết.
Bằng cách này, Chính phủ sẽ dần gắn kết bộ phận nền kinh tế ngầm vào nền kinh tế chính thức. Do đó, tận thu thuế là điều cần nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện chính sách.
“Một nền kinh tế mà thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến chính là cơ hội cho những giao dịch ngầm”, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) phát biểu. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng, cũng như triển khai ban hành các chính sách giao dịch không dùng tiền mặt (thông qua hệ thống ngân hàng) để giảm lưu lượng tiền mặt. Đây cũng là một hành động nhằm giám sát và hạn chế các hoạt động trong nền kinh tế ngầm.
Do vậy các chính sách vĩ mô nhằm làm giảm quy mô của nền kinh tế ngầm tại Việt Nam nên được bắt đầu từ chính sách thuế. Việc ban hành chính sách hướng đến một nền kinh tế giao dịch không dựa vào tiền mặt cũng là cách thức làm giảm quy mô nền kinh tế ngầm.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực đầu bảng còn tồn tại tỷ lệ lớn giao dịch ngầm. Theo ông Vũ Xuân Thiện - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), năm 2011 tại Hà Nội chỉ có hơn 80 giao dịch qua sàn bất động sản, còn hơn 6000 giao dịch không qua sàn. Số lượng này, tương ứng ở năm 2012 là hơn 60 và gần 3000.
Ông Lê Ngọc Quỳnh - Giám đốc Sàn giao dịch Nhadat24h cho biết, phần lớn người dân mua bất động sản theo kiểu trao tay, không qua các sàn giao dịch để trốn thuế và giảm thiểu chi phí.
|
Tri Nhân
thời báo ngân hàng
|