Mục tiêu tham vọng 2013: Lạm phát thấp, tăng trưởng cao
Năm 2013 và năm 2012 có một số điểm tương đồng xét về các yếu tố kiềm chế tác động tăng lạm phát...
Sau một năm thắng lợi với chỉ số lạm phát và tăng trưởng đạt yêu cầu, kinh tế Việt Nam bắt đầu một năm mới với nhiều thách thức từ sự “giằng kéo” của hai mục tiêu này.
Năm nay, lạm phát chịu áp lực từ yêu cầu khoảng 6% trong khi tăng trưởng đòi hỏi ở mức cao hơn con số 5,03% của năm trước. Đây là bài toán rất khó khi các sức ép đẩy lạm phát vẫn hiển hiện và dấu hiệu cải thiện kinh tế chưa thật rõ nét.
Năm nay, lạm phát chịu áp lực từ yêu cầu khoảng 6% trong khi tăng trưởng đòi hỏi ở mức cao hơn con số 5,03% của năm trước - Ảnh minh họa
|
Những “điểm nghẽn” khó tháo gỡ
Năm 2013 và năm 2012 có một số điểm tương đồng xét về các yếu tố kiềm chế tác động tăng lạm phát. Rõ nét nhất là chủ trương thực thi, điều hành chính sách thận trọng và nhất quán trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, những căn bệnh mãn tính của nền kinh tế như đầu tư không hiệu quả, điều hành và quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn còn nhiều bất cập là những yếu tố “tốn kém” khi tính toán hiệu quả chính sách.
Từ nội tại nền kinh tế, có 3 yếu tố chính khiến mức tăng giá hàng hóa và dịch vụ năm 2012 giữ ở mức thấp. Đó là tồn kho cao, nợ xấu làm giảm khả năng tiếp cận vốn và tổng cầu giảm.
Theo đó, dù cung cầu hàng hóa không mất cân đối nên giá cả thị trường ít chịu những biến động đột biến bất thường nhưng sản xuất kinh doanh vẫn phải đối mặt tình hình kinh tế suy giảm, việc thích nghi với các giải pháp kiềm chế lạm phát khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nợ xấu trong nền kinh tế vẫn là yếu tố cản trở sức tăng trưởng và góp phần kiềm chế mức tăng giá hàng hóa.
Ngoài ra, mức tăng chậm của lạm phát trong năm 2012 còn “nhờ cậy” đáng kể vào yếu tố tổng cầu suy yếu. Theo đó, tổng mức đầu tư toàn xã hội ước cả năm chỉ bằng khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn mức 34,7% của năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mức khoảng trên 40% của giai đoạn 2007-2010.
Những yếu điểm này vẫn tiếp tục là “làm khó” doanh nghiệp và là thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách trong năm 2013. Từ góc độ này, có thể nhìn thấy sự khác biệt trong chủ trương điều hành theo xu hướng “nới lỏng” tài khóa và tiền tệ trong năm 2013.
Để giải quyết khó khăn này, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Đó là các hỗ trợ thị trường bất động sản và việc hình thành Công ty quản lý tài sản (VAMC) để xử lý nợ xấu. “Liều thuốc” này được “kê toa” trong năm 2012 nhưng bắt đầu “ngấm” vào lạm phát từ năm 2013.
Kích thích tăng trưởng và rủi ro lạm phát
Theo Nghị quyết số 02 ngày 7/1 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, sẽ có từ 20.000 - 40.000 tỉ đồng được cho vay lãi suất thấp để hỗ trợ thị trường bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng nàycho người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp.
Đồng thời với nguồn vốn này, chính sách giảm 50% tiền thuê đất và gia hạn thuế được áp dụng. Theo đó, giảm 30 - 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1/7/2013 – 30/6/2014 đối với các hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội, nhà ở có diện tích dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính được phép nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương bổ sung tối đa 10.000 tỉ đồng cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản... Phân bổ ngay vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong kế hoạch năm 2013.
Về giải quyết nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, đánh giá, tiến hành phân loại các khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo, nguồn gốc pháp lý, khả năng thanh khoản của các tài sản này... để có giải pháp xử lý phù hợp. Tiếp tục cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu phải khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về tổ chức hoạt động của Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) trong tháng 1/2013.
Đến nay, mô hình hoạt động của công ty này vẫn chưa được công khai nhưng một số nội dung cơ bản được tiết lộ trong thời gian qua cho thấy đáng quan ngại về nguy cơ lạm phát từ VAMC. Những “nét vẽ sơ lược” của các quan chức giúp phần nào hình dung cách thức hoạt động của VAMC.
Theo đó, các khoản nợ xấu của ngân hàng sẽ được VAMC mua lại theo giá trị sổ sách. Các ngân hàng thương mại bán nợ sẽ được thanh toán bằng trái phiếu xử lý nợ. Trái phiếu này có thể được sử dụng để thế chấp tại Ngân hàng Nhà nước và vay chiết khấu. Như vậy, cách làm này cũng là một hình thức bơm tiền ra nền kinh tế với lãi suất thấp, do đó, rủi ro lạm phát từ mô hình này là khó tránh khỏi.
Thêm vào đó, một yếu tố khác góp phần đẩy CPI tăng trong thời gian tới là “độ trễ” của lượng tiền lưu thông từ nguồn vốn giải ngân đối với các dự án, chương trình hỗ trợ kinh tế trong quý 4/2012 sẽ có tác động từ năm 2013. Như vậy, so sánh với năm 2012, rủi ro lạm phát của năm 2013 là lớn hơn đáng kể.
Trong khi đó, mục tiêu giữ mức tăng trưởng cao vẫn được nêu ra trong một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào việc mở rộng vốn đầu tư. Rõ ràng, hai mục tiêu có tính triệt tiêu này đang là bài toán đầy thách thức.
Tác động đến doanh nghiệp
Kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu năm 2008, để chống chọi với tác động của “cơn bão” này, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã ứng phó bằng nhiều gói giải pháp theo hướng thắt chặt – nới lỏng. Tương ứng với sự thắt – nới này là chu trình lạm phát “hai năm cao - một năm thấp” trong những năm qua.
Một số cuộc hội thảo cũng đã đề cập đến công tác đánh giá hiệu quả thực tế từ việc áp dụng các gói giải pháp của những năm trước song chỉ dừng lại ở những đánh giá chung chung, các con số cụ thể về được - mất trong ngắn hạn và dài hạn từ các biện pháp kích thích hầu như chưa được nêu ra.
Từ góc độ doanh nghiệp, kết quả của quá trình này cũng để lại nhiều kinh nghiệm đáng nhớ. Với trào lưu muốn đạt lợi nhuận nhanh, thay vì dùng vốn hỗ trợ để đầu tư cho sản xuất và công nghệ, không ít doanh nghiệp đã tận dụng nguồn vốn vào các kênh đầu tư ngắn hạn. Sự suy yếu nguồn vốn và năng lực của các doanh nghiệp hiện nay có một phần nguyên nhân từ những chiến lược kinh doanh không bền chắc từ trước đó.
Hiện nay, dù phần lớn chính sách nới lỏng chưa có hiệu lực nhưng mức lạm phát của tháng 1 vừa qua đã khiến nhiều người bất ngờ. Chỉ số tăng giá của 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh đều ở mức thấp hơn 1%.
Trong khi đó, mức tăng giá tháng 1 trong cả nước lại lên đến 1,25% - mức tăng cao thứ hai trong 5 năm trở lại đây. “Thủ phạm” gây nên mức tăng lớn này là dịch vụ y tế và thực phẩm tươi sống. Tháng 2 năm nay trùng với tháng Tết Nguyên đán, do đó, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu rất khó tránh khỏi quy luật tăng mạnh trong tháng này.
Trong 5 năm vừa qua, chỉ số CPI tháng 2 thấp nhất là 1,2% và cao nhất lên đến 3,6%. Như vậy, tính chung cả hai tháng đầu năm, chỉ số CPI khó thấp hơn mức 2,5%. Do đó, cùng với việc áp dụng nhóm chính sách gỡ khó cho nền kinh tế và chu kỳ lạm phát tăng cao vào những tháng cuối năm, “dư địa” để tăng lạm phát trong những tháng còn lại là rất lớn và ngưỡng 6% sẽ khó lòng kiềm giữ.
Khi doanh nghiệp chưa hồi phục được thì lạm phát cao sẽ là “cú đấm bồi” khiến doanh nghiệp càng thêm kiệt quệ. Vì vậy, dù được xem là nhóm đối tượng thụ hưởng của các giải pháp gỡ khó nhưng nếu các chính sách này lặp lại những sai lầm từng có của các gói kích thích kinh tế trước, thì hiệu quả của chính sách sẽ không được trọn vẹn.
Lê Trà
TBKTVN
|