Chủ Nhật, 03/02/2013 09:33

Kiềm chế lạm phát qua góc nhìn của chuyên gia, nhà quản lý

Năm 2013, kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Tình trạng sản xuất kinh doanh yếu là một trong những yếu tố khiến lạm phát có thể tăng chậm.

Ông Cao Sĩ Kiêm, ông Phạm Chí Cường, ông Nguyễn Đức Thắng, ông Nguyễn Hoàng Hải, ông Nguyễn Anh Tuấn, ông Sumit Dutta

Tuy nhiên, rủi ro lạm phát cao vẫn tiếp tục rình rập khi một loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn được đề xuất. Các giải pháp đáng chú ý là, nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ thị trường bất động sản và một số lĩnh vực khác, Công ty mua bán nợ xấu (VAMC) “ra tay” giải cứu nợ xấu. Nhiều ý kiến quan ngại mục tiêu giữ lạm phát năm 2013 dưới 6% là khó đạt được và cho rằng mức tăng cao hay thấp hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng điều hành chính sách của Chính phủ.

Hoàn toàn phụ thuộc khả năng điều hành

(Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa)

“Lạm phát sẽ còn tăng cao vì tháng 2 rơi vào tháng Tết Nguyên đán khi tất cả nhu cầu mua sắm đều tăng mạnh, đặc biệt mặt hàng thực phẩm. Mặt hàng này lại chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số CPI. Sau đó, theo quy luật, CPI sẽ giảm đà tăng và tăng lại vào những tháng cuối năm. Với mức độ tăng như thế này, khả năng giữ được CPI cả năm dưới 6% là khó.

Nếu kiên trì thực hiện tất cả các giải pháp của Chính phủ, tập trung vào các giải pháp lạm phát, khống chế lượng tiền từ ngân sách, thì khả năng giữ lạm phát bằng năm ngoái phải làm rất quyết liệt.

Với tốc độ này, nếu cách hiểu về chính sách “hỗ trợ” không đầy đủ, giải cứu bất động sản không đúng và không trúng thì rủi ro lạm phát cao sẽ ngay lập tức quay lại.

Về Công ty quản lý tài sản (VAMC), khả năng gây lạm phát của công ty này là có nhưng tùy vào hướng điều hành cụ thể. Hiện tại mới chỉ có những gợi ý sơ lược. Tuy nhiên, cần lưu ý về cách thức đưa tiền vào nền kinh tế và khả năng kiểm soát dòng tiền. Nếu tiền vào không đúng địa chỉ thì nguy cơ gây lạm phát là hoàn toàn có thể.

Ngược lại, nếu khống chế được dòng viền vào đúng địa chỉ thì không gây lạm phát nhiều mà ngược lại, sẽ phát huy hiệu quả thông qua khả năng tạo việc làm, tăng sức mua và còn cứu lại lạm phát.

Về chính sách hỗ trợ bất động sản, nếu chính sách hỗ trợ trúng hướng đẩy nhu cầu cầu sắt thép tăng làm sản xuất tăng lên thì không đáng ngại. Đáng lo nhất là trường hợp tiền hỗ trợ lại được doanh nghiệp dùng để đảo nợ. Hoặc ngân hàng có được tiền lại đi cho vay chỗ khác thì nguy. Như vậy, lạm phát cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng cụ thể hóa chính sách.

Về cộng đồng doanh nghiệp, lạm phát dồn cho mọi đối tượng, yếu thế nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chịu tác động lớn nhất. ứng phó với tác động này, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần cải tiến dịch vụ, tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí và tìm thị trường mới. Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất đa dạng về lĩnh vực kinh doanh, nên nhiều thách thức nhưng chỗ nào cũng còn tiềm năng”.

Kiềm chế lạm phát chưa bền vững

(Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam)

“Mặc dù nền kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, song áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn.

Trong thời gian qua, những chính sách về tài khóa, về ngân hàng đã có những điều chỉnh hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Cụ thể là doanh nghiệp đã được tiếp cận vốn với lãi suất thấp, qua đó sản xuất kinh doanh đã có hiệu quả hơn.Tuy nhiên, việc kiềm chế lạm phát chưa thật sự bền vững.

Theo tôi, kiềm chế lạm phát bền vững có nghĩa là đầu tư sản xuất phải có hiệu quả. Chứ nếu dùng các biện pháp áp đặt mang tính tình thế của nhà nước như cắt giảm không cho đầu tư, cắt giảm không cho vay thì sẽ càng khó khăn hơn cho hoạt động của doanh nghiệp và sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Riêng ngành thép, với lãi suất giảm 12 – 13% hiện nay, thì vẫn chưa thể sản xuất có hiệu quả. Đặc biệt đầu ra của ngành thép phụ thuộc vào việc giải tỏa các tồn đọng của bất động sản và những chính sách về đầu tư công, những chính sách đầu tư mà sử dụng đến vật liệu xây dựng. Những giải pháp đó vẫn còn trên giấy chứ chưa được đưa vào thực tiễn.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp hiện nay vẫn hoạt động rất cầm chừng, tất cả đều vận hành dưới công suất. Nếu không đẩy mạnh được sản xuất thì sẽ không có cơ sở để nói nền kinh tế có tăng trưởng và những điều hành kinh tế vĩ mô có hiệu quả. Theo tôi có rất nhiều biện pháp nhưng không phải chỉ có trên giấy mà cần biến nó thành thực tế cuộc sống.

Tôi đồng ý rằng, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu và phải phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ ngành, địa phương. Trong điều hành, cần giữ cân bằng giữa mục tiêu lạm phát và tăng trưởng. Siết chặt tiền tệ tín dụng quá thì tăng trưởng sẽ thấp lại, lao động sẽ dư thừa, dẫn đến bất ổn; nếu chạy theo tăng trưởng, mở rộng tín dụng quá mức thì lạm phát quay trở lại.

Năm 2013, kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc ngành thép tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trước hết là nói đến đầu tư, với lãi suất 12 – 13% như hiện nay thì vay để phát triển sản xuất là không thể, bởi lãi suất hiện nay vẫn cao hơn lãi thực của ngành thép.

Tiếp theo, đầu ra của ngành thép là bất động sản thì vẫn chưa được tháo gỡ. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước vẫn chưa hứa hẹn khởi sắc, còn xuất khẩu thì đang bế tắc. Đặc biệt, đến nay, các Bộ ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để nhằm hạn chế số lượng thép nhập khẩu ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam.

Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc trông chờ vào các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước, thì bản thân ngành thép sẽ phải “tự thân vận động” như tiếp tục sản xuất và giảm tối đa các chi phí để có giá thành hợp lý nhằm nâng cao sức cạnh tranh; nỗ lực và đa dạng hơn nữa trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong nhiều năm qua, do kiểm soát đầu tư bị buông lỏng dẫn tới nhiều dự án đầu tư không theo quy hoạch, đầu tư dàn trải, trùng lặp, manh múm và khả năng cạnh tranh thấp. Do vậy, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ đầu tư đối với các dự án thép không nằm trong quy hoạch. Nếu tiếp tục để đầu tư tràn lan như hiện nay sẽ rất lãng phí mà lại không hiệu quả”.

Năm 2013: CPI dưới 6% là rất khó

(Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá – Tổng cục Thống kê)

“Hàng năm, chỉ số CPI trong quý I và quý IV thường chiếm tỷ trọng lớn trong mức tăng CPI của cả năm. Bởi vì, CPI tăng cao vào dịp tết đầu năm, cuối năm lại là thời điểm giải ngân. Mức tăng giá tháng 1 vừa qua là bình thường so với mọi năm. Mức tăng 1,25% có đóng góp đáng kể của thực phẩm tươi sống và dịch vụ y tế.

Thực phẩm bao gồm các mặt hàng thiết yếu rau củ quả, thịt lợn, lương thực. Trong nhóm này, chỉ có mặt hàng lương thực vẫn đang ổn định giá. Ngoài ra, mặt hàng may mặc cũng tăng giá trong tháng qua. Trong khi đó, vật liệu xây dựng dậm chân tại chỗ. Đáng chú ý nhất là mức tăng giá dịch vụ y tế. 10 tỉnh thực hiện tăng giá dịch vụ này trong tháng 1 vừa qua theo lộ trình của Thông tư 04 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

Một số ý kiến ngạc nhiên với mức tăng của tháng 1 tuy nhiên so với tháng 1 các năm. Thực ra, trong các tháng trước, chỉ số CPI tăng ở mức thấp cùng với xu hướng thắt chặt tiền tệ của năm trước và mục tiêu lạm phát cả năm nay khoảng 6% khiến nhiều người có nghĩ là CPI tháng 1 phải tăng chậm.

Mức tăng dịch vụ y tế đã góp vào khoảng 0,37% trong mức tăng này. Nếu không, CPI tháng 1 chỉ tăng khoảng 0,9%. Mặt khác, CPI của hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM đều tăng dưới 1% nên thông thường CPI cả nước sẽ ở quãng giữa này. Thực chất, chỉ có 10 tỉnh khác tăng dịch vụ y tế.

Tháng 2 sắp đến rơi vào dịp Tết, mức tăng của tháng 2 các năm trước thường quanh mốc 1,5% Năm nay dự báo trong tháng Tết, các mặt hàng thực phẩm tươi sống tiếp tục lên. Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm và dịch vụ vui chơi giải trí chắc chắn tăng giá. Đáng chú ý, không có tỉnh nào thực hiện tăng giá dịch vụ y tế trong tháng 2 mà sẽ đẩy sang tháng 3 và tháng 4. Sau đó, mức tăng giá sẽ chậm lại trong tháng 3 và các tháng tiếp theo.

Chỉ số CPI năm nay rất khó đánh giá vì còn phụ thuộc vào cách áp dụng chữ “linh hoạt” trong quá trình thực hiện các chính sách. Dù vậy, giữ CPI năm 2013 dưới 6% là vô cùng khó khăn”.

Giữ lạm phát 7% là hoàn toàn khả thi

(Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam - VAFI)

“Mặc dù kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2013 vẫn được dự báo còn nhiều khó khăn thách thức nhưng theo tôi để đạt được mức tăng trưởng 6% và lạm phát ở mức 7% như các mục tiêu đã được Chính phủ đề ra là hoàn toàn khả thi.

Cũng giống như năm 2012, năm 2013 việc kiểm soát lạm phát cũng có nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước cũng có nhiều thuận lợi hơn trước, cán cân tổng thể năm đạt thặng dư kỷ lục với khoảng 10 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với các năm trước.

Theo dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước năm 2013, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư bởi xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng ít nhất là 10% so với năm 2012. Điều này cũng sẽ giúp cho nguồn ngoại tệ trong nước năm 2013 sẽ tiếp tục dồi dào, qua đó giúp tỷ giá tiếp tục ổn định và điều hành tỷ giá sẽ chủ động hơn chứ không bị động như những năm trước đây.

Hơn nữa, trải qua những khó khăn trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có được nhiều kinh nghiệm trong điều hành tăng trưởng tín dụng nên hoàn toàn có thể chủ động điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng như đã đặt ra.

Theo tôi, trong năm 2013 kinh tế vĩ mô có điểm đáng chú ý sẽ có những tác động tích cực đến diễn biến lạm phát đó là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách để phá băng cho thị trường bất động sản bằng các gói giải pháp cụ thể nhiều khả năng sẽ giúp thị trường bất động sản ấm lên, hiện tượng bất động sản tăng nóng như trước đây cũng sẽ không còn do các cơ quan quản lý sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ hơn.

Cùng với đó, điểm nóng của nền kinh tế trong năm 2012 là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng sẽ từng bước được Ngân hàng Nhà nước xử lý rốt ráo trong năm 2013.

Sản xuất trong nước cũng sẽ ổn định hơn so với năm 2012. Tuy nhiên, đối với vấn đề điều tiết giá thực phẩm trong nước vẫn còn nhiều thách thức, bàn tay can thiệp của nhà nước trong những năm qua chỉ ở phần ngọn chứ chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề tăng giá bất hợp lý. Điều cần thiết là phải tạo ra được nguồn cung thực phẩm dồi dào để giảm giá thành, chứ không phải thông qua các hình thức cho vay để bình ổn giá tại một số thành phố lớn.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng cần có những chính sách ưu đãi để tạo ra được những vành đai thực phẩm để bình ổn thị trường... chỉ có khi nào giải quyết tận gốc được vấn đề tăng giá bất thường của thực phẩm thì việc kiểm soát lạm phát mới đạt hiệu quả cao trong năm 2013”.

Năm 2013: áp lực tăng giá là đáng kể

(Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục quản lý giá – Bộ Tài chính)

"Kinh tế thế giới năm 2013 dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ công tăng cao và nhu cầu suy giảm đối với các hàng hóa và nguyên nhiên vật liệu thiết yếu.

Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng bằng cách tăng chi tiêu chính phủ bị hạn chế khiến các quốc gia khó có khả năng đưa ra các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn như trước đây mà chủ yếu phải dựa vào biện pháp giảm thuế và thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm hoặc giữ lãi suất cho vay ở mức thấp để thúc đẩy hồi phục tăng trưởng kinh tế.

Những rủi ro về lạm phát trong năm 2013 cũng được dự báo giảm so với năm 2012. IMF dự báo tỷ lệ lạm phát tại các nước phát triển và đang phát triển năm 2013 ở mức lần lượt là 1,6% và 5,8%. Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ lạm phát cao tuy mức lạm phát cũng được dự báo hạ trong năm 2013.

Bên cạnh những yếu tố từ bên ngoài này, diễn biến giá cả hàng hóa tại Việt Nam còn có những nhân tố tác động từ nội tại nền kinh tế.

Năm 2013, tuy được kế thừa những kết quả tích cực bước đầu từ việc kiềm chế lạm phát của năm 2012 nhưng nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là những yếu kém, tồn tại chưa thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ ở bước đầu, kết quả kiềm chế lạm phát chưa thật vững chắc. Bên cạnh đó, sức đề kháng của nền kinh tế trước những cú sốc lớn từ thị trường bên ngoài và các yếu tố thiên tai, dịch bệnh... chưa cao.

Mặt khác, tác động theo độ trễ của lượng tiền trong lưu thông tăng lên từ giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, phục vụ mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường từ năm 2012 chuyển qua.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu như điện, thanh bán cho điện và dịch vụ công.

Với những yếu tố phân tích như trên, dự báo năm 2013 áp lực về tăng chỉ số giá tiêu dùng là đáng kể. Việc giữ cho lạm phát ở mức độ ổn định sẽ là điều kiện cơ bản để nền kinh tế có cơ sở vững chắc hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Do đó, để đạt được mục tiêu mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013 và phát triển nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ và linh hoạt của nhiều giải pháp, công cụ chính sách kinh tế trong đó có giải pháp quản lý, điều hành giá cả”.

Không quá lo lắng nếu lạm phát cao hơn kỳ vọng

(Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam)

"Trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến tăng trưởng tín dụng ồ ạt tại Việt Nam – trong những năm giữa 2008 tới 2010, tăng trưởng tín dụng đạt tới mức 25-40% - nhưng trong năm 2012, tăng trưởng tín dụng chỉ còn 8,9% và mục tiêu năm 2013 chỉ là 12%. Trong bối cảnh như vậy, tăng trưởng GDP ở mức 6% là thiết thực.

Về vấn đề lạm phát, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một sứ mệnh rất tốt khi tìm cách giảm lạm phát từ mức 18,58% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012. Tuy nhiên, tôi nghĩ mục tiêu kiềm giữ lạm phát ở mức dưới 7% năm 2013 là rất khó. Các quốc gia mới nổi đôi khi trải qua những thời kỳ lạm phát cao hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển.

Nếu nhìn vào những quốc gia mới nổi phát triển hơn như ấn Độ hay Indonesia ở châu á hay Mexico ở châu Mỹ Latin sẽ thấy họ đã từng trải qua những thời kỳ lạm phát cực cao trong suốt chu trình tăng trưởng. ấn Độ đã trải qua mức lạm phát trung bình 7,75% trong suốt giai đoạn 1969 tới 2012, Mexico trung bình 27% trong các năm từ 1974 tới 2012 và Indonesia trung bình 12% từ năm 1997 tới 2012.

Một đặc điểm nữa là Việt Nam có cấu trúc dân số khá đặc biệt theo nghĩa dân số Việt Nam rất trẻ (hơn 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi) so với nhiều nước mới nổi nên áp lực của nền kinh tế về đầu tư để tạo công ăn việc làm cho lực lượng dân số này sẽ tiếp tục tạo áp lực lên lạm phát.

Tôi tin rằng nếu lạm phát ở mức cao hơn 7% một chút nhưng vẫn nằm trong phạm vi một con số trong năm 2013, thì tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tất nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước có thể kiềm giữ lạm phát ở dưới mức 7% thì sẽ là một thành tích cực kỳ tốt nhưng chúng ta cũng không nên quá lo lắng nếu như lạm phát cuối cùng dừng ở mức cao hơn nhưng vẫn là một con số.

Hiện nay điều quan trọng là phải phục hồi tâm lý thị trường và sự tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam và tìm cách nâng cao tiêu dùng nội địa. Chỉ số nhà quản trị mua hàng HSBC PMI dựa trên số liệu thu được từ 400 công ty ở Việt Nam cho thấy niềm tin và tâm lý thị trường đang dần quay lại.

Việt Nam có truyền thống là mức tiêu dùng nội địa rất mạnh mẽ và nếu tốc độ tăng trưởng tiêu dùng nội địa phục hồi trong năm 2013, Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6%.

Tuy nhiên một thực tế phải nhìn nhận là nền kinh tế thế giới đang phục hồi với tốc độ tương đối ì ạch, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đang phải liên tục sử dụng các gói nới lỏng định lượng để hỗ trợ hồi phục, mà đây lại là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Sự phục hồi chậm chạp của các đối tác này cũng ảnh hưởng tới sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Cũng cần nói thêm trong kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam có 3 ưu tiên là tái cấu trúc ngành ngân hàng, tái cấu trúc hoạt động các công ty quốc doanh, tái cơ cấu chi tiêu và nợ công. Việc tái cấu trúc hoạt động của các công ty quốc doanh đòi hỏi họ sẽ phải đi theo hướng kinh tế thị trường, định giá theo thị trường và không dựa vào bao cấp của nhà nước.

Việc đi theo hướng kinh tế thị trường rõ ràng rất tốt cho nền kinh tế nhưng sẽ càng làm cho việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% mang nhiều tính thử thách. Theo quan sát, trong 6 tháng cuối năm 2012, lạm phát đến chủ yếu từ việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu vốn đứng thứ hai sau lương thực thực phẩm trong cơ cấu lạm phát của Việt Nam.

Vấn đề là các chi phí thiết yếu này sẽ tiếp tục đứng trước khả năng còn tăng giá trong tương lai khi hiện nay ngân sách chính phủ đang eo hẹp và không còn khả năng bù đắp cho các ngành này nữa”.

Lê Hường - Ngô Hải - Nguyễn Mạnh

tbktvn

Các tin tức khác

>   Mục tiêu tham vọng 2013: Lạm phát thấp, tăng trưởng cao (02/02/2013)

>   Dự kiến CPI tháng 2 sẽ tiếp tục tăng cao (01/02/2013)

>   'Việt Nam là đối tác ODA quan trọng nhất của Nhật' (31/01/2013)

>   Trách nhiệm kìm lạm phát không chỉ của NHNN (31/01/2013)

>   Mờ ảo tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế (31/01/2013)

>   Nhóm nghiên cứu VEPR: Lạm phát năm 2013 có thể ở mức 10% (30/01/2013)

>   PGS - TS. Trần Hoàng Ngân: Mầm mống lạm phát phi tiền tệ còn rất lớn (30/01/2013)

>   Hâm nóng dòng vốn FDI (30/01/2013)

>   VASS dự báo kinh tế rơi vào điểm đáy trong năm nay (30/01/2013)

>   Để nền kinh tế thoát khỏi “ma trận” (30/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật