Nghiệp chứng khoán: Hồi ức của một nhà đầu tư chuyên nghiệp
Thị trường chứng khoán có thể đem lại những thời khắc hưng phấn tột đỉnh nhưng cũng có thể dìm nhà đầu tư vào tột cùng thất vọng, thậm chí phá sản. Anh Lê Trọng Nghĩa, một nhà kinh doanh chứng khoán - theo cách anh tự gọi - chia sẻ với VnEconomy những dấu ấn thăng trầm và bài học xương máu của chính mình…
Anh Lê Trọng Nghĩa, một nhà kinh doanh chứng khoán
|
Ứng xử với tin xấu
Nhiều người nhìn nhận năm 2012 là một năm đầu tư khó khăn. Thậm chí cả các nhà quản lý quỹ cũng đánh giá là thời kỳ khó khăn chưa từng có của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cảm giác về một năm đầu tư của anh như thế nào?
2012 là một năm đầy thăng trầm. Đầu năm có một con sóng khá lớn. Với nhà đầu tư chuyên nghiệp toàn thời gian thì thị trường phải có sóng mới kiếm ăn được. Thị trường Việt Nam chỉ mới cho đánh lên, chưa cho đánh xuống. Do đó năm 2012 mọi người chỉ tưng bừng trong con sóng đầu năm. Nửa sau năm 2012 thị trường xuống liên tục, những ai đã thoát khỏi tại đỉnh thì cứ ngồi chơi xơi nước suốt thôi. Đến tháng 12 mới quay lại.
Như thế sóng đầu năm anh thoát chuẩn?
Đúng vậy. Những người có kinh nghiệm thì dễ nhận biết lúc nào thị trường đã hết sóng.
Vậy đâu là những dấu hiệu anh nhận biết được đỉnh tháng 5?
Dù thị trường đã vào sóng, xu hướng rõ ràng vẫn phải theo dõi sát sao. Nếu chỉ căn cứ đơn thuần vào giao dịch thì có thể thấy một số dấu hiệu: Khối lượng giao dịch rất lớn. Thông thường sau một xu hướng tăng giá mạnh sẽ có một vùng mà giá không lên thêm được nữa nhưng khối lượng giao dịch rất lớn.
Ngày 21/8 anh đón nhận thông tin về vụ “bầu Kiên” trong hoàn cảnh nào?
Hôm đó sáng tôi đi uống cà phê và đọc được tin trên mạng. Quả thực tôi sốc và nghĩ ngay rằng thị trường sẽ “chết”. Tôi lập tức gọi điện cho bạn bè và ai cũng cảm nhận như một trận động đất vậy. Quan niệm đơn giản là những nhân vật như vậy có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính, do đó sự kiện này chắc chắn có ảnh hưởng.
Ảnh hưởng thứ nhất là về tâm lý. Sự kiện này cho thấy không có gì là không thể xảy ra, kể cả những người giàu có nhất, quan hệ tốt nhất. Thứ hai là về mặt thị trường, mọi người sẽ suy luận rằng các cá nhân hoặc hoạt động liên quan đến nhân vật này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và phản ứng tiêu cực trên thị trường, chẳng hạn rút vốn. Mọi người lo ngại hiệu ứng lan tỏa của sự kiện. Sự kiện này là chưa có tiền lệ nên việc đầu tiên, sự kiện đầu tiên luôn gây sốc. Còn các sự kiện lặp lại tiếp theo, tuy tầm vóc có thể không kém, nhưng hiệu ứng lại không bằng.
Vị thế giao dịch của anh thời điểm đó thế nào?
Thời điểm đó tôi đã thoát ra từ tháng 5 và vẫn chưa quay lại.
Lý do nào khiến anh lại nghỉ ngơi dài như vậy đến tận tháng 12 mới quay lại mà không bị cuốn theo những đợt biến động trong thời gian này?
Điều này phải căn cứ vào các yếu tố vĩ mô. Khi thị trường tạo đỉnh vào tháng 5 thì đã xuất hiện những thông tin xấu: nợ xấu, hàng tồn kho, lạm phát, cả thông tin về thế giới nữa. Khi thị trường đã định hình xu hướng giảm và trở nên đìu hiu thì thường những nhà đầu tư lớn chưa nhìn thấy các yếu tố đảm bảo an toàn để quay lại thị trường.
Các quyết định của nhà đầu tư chuyên nghiệp càng về sau càng dựa nhiều vào kinh nghiệm bản thân. Đôi khi nhà đầu tư sẽ bị rối trước các ý kiến tư vấn trái chiều nhau, thậm chí có công ty tư vấn với ý đồ riêng của họ.Anh Lê Trọng Nghĩa
Anh gần như đã đứng ngoài thị trường trong suốt nửa sau của năm 2012, vậy anh cảm nhận gì về xu hướng đầu tư của những người xung quanh?
Thực ra lúc đó bạn bè tôi đa số cũng đồng quan điểm về thị trường và đứng ngoài. Họ cũng cảm thấy chán nản với giao dịch và đặc biệt là thanh khoản cực kỳ thấp. Các sàn lúc đó rất hiu hắt và tâm lý là như nhau.
Anh quyết định quay lại thị trường từ đầu tháng 12, tại sao vậy?
Dù thoát ra khỏi thị trường thì nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn phải quan sát. Giá giảm liên tục rồi sẽ đến một mức nào đó chấp nhận được. Khi giá rơi về các mức hỗ trợ thì phải quan sát kỹ hơn. Những người muốn bắt đáy có thể bắt đầu tham gia với một tỉ trọng nhất định, chẳng hạn vào trước 30-40%. Thêm vào đó là các dấu hiệu vĩ mô tốt lên, thanh khoản tăng dần. Khi các quan điểm đánh giá thị trường đồng điệu với nhau thì khả năng chạm đáy là cao.
Tại thời điểm đó đâu là căn cứ mà anh tự tin nhất vào xu hướng phục hồi sẽ diễn ra?
Tôi cho rằng mọi thứ xấu đã bộc lộ hết. Dĩ nhiên việc cải thiện thì phải chờ, nhưng xấu hơn nữa là khó. Thứ hai là chỉ số và giá cổ phiếu đã giảm rất mạnh đến một mức hỗ trợ.
Không phụ thuộc vào những phân tích không phải của mình
Anh sử dụng dịch vụ tư vấn của các công ty chứng khoán như thế nào?
Tôi cũng cần các thông tin về doanh nghiệp hoặc tập hợp nhiều loại thông tin khác nhau. Dịch vụ này các công ty chứng khoán làm khá tốt và có thể tham khảo. Nói chung các nguồn thông tin hiện nay đã đa dạng và chính xác hơn nhiều những năm trước.
Đã lúc nào anh dựa hoàn toàn vào tư vấn của các công ty chứng khoán hay không?
Trước đây tôi cũng phải dựa vào các tư vấn này. Dĩ nhiên càng nhiều kinh nghiệm thì bạn sẽ nhận thấy các tư vấn này cũng chỉ là một kênh tham khảo. Các quyết định của nhà đầu tư chuyên nghiệp càng về sau càng dựa nhiều vào kinh nghiệm bản thân. Đôi khi nhà đầu tư sẽ bị rối trước các ý kiến tư vấn trái chiều nhau, thậm chí có công ty tư vấn với ý đồ riêng của họ.
Ý anh đề cập đến trường hợp những broker tư vấn giao dịch liên tục để hưởng doanh số?
Đúng là có một số nơi các broker phải làm như vậy. Nhưng tôi nghĩ trình độ của nhà đầu tư càng ngày càng cao, sẽ không dễ để rơi vào các trường hợp giao dịch liên tục nhưng vẫn mất phương hướng. Dĩ nhiên các nhà đầu tư mới, non nghề vẫn có thể bị rối trong chuyện xử lý các tư vấn này.
Vậy theo anh làm thế nào để các nhà đầu tư mới không bị cuốn theo những phân tích không phải của mình?
Chỉ có thể trải qua bằng kinh nghiệm mà thôi. Học hỏi nhiều, giao lưu nhiều thì sẽ rút được kinh nghiệm nhanh hơn.
Người ta hay đồn nhau những đội làm giá, những bàn tay điều khiển thị trường nhưng chưa một ai chỉ rõ cả. Vậy quan điểm của anh thế nào?
Tôi nghĩ, điều này là có. Có những thế lực mạnh nằm chủ yếu ở một số công ty chứng khoán lớn. Tôi cho đây cũng là điều bình thường. Những nguồn tiền lớn khi vào ra thị trường đều tạo ảnh hưởng. Dấu ấn của những yếu tố làm giá có thể thấy rất dễ ở những cổ phiếu tăng giá liên tục hàng tháng trời. Ai nhanh nhẹn bám theo thì vẫn có thể hưởng lợi.
Luôn sẵn sàng tinh thần thoát ra!
Anh có tham gia mua những cổ phiếu tuy đi ngược lại những phân tích cơ bản những vẫn tăng giá bất thường chưa?
Thường xuyên là khác. Khi đã xác định xu thế thị trường tăng trưởng, cần phải vào những cổ phiếu khỏe nhất thị trường, kể cả mua trần. Quan trọng là ứng xử khi các cổ phiếu dạng này tạo đỉnh. Các cổ phiếu dạng này chưa đầy những mâu thuẫn. Có cổ phiếu về phân tích cơ bản thì rất kém nhưng giá lại tăng rất mạnh. Điều này có yếu tố làm giá thật. Tuy nhiên cũng có quan điểm ngược lại cho rằng bản thân cổ phiếu đó xấu thật nhưng thị trường đã định giá đủ cho các yếu tố đó.
Nhưng không ít cổ phiếu đầu cơ ngược thị trường lại là “cối xay tiền” đối với nhà đầu tư?
Thông thường khi đã đi theo những cổ phiếu có yếu tố làm giá hoặc đầu cơ quá nóng thì tỉ trọng phải thấp và luôn sẵn sàng tinh thần thoát ra hoặc cắt lỗ ngay lập tức. Đã chấp nhận mạo hiểm cao thì tỉ trọng ảnh hưởng đến tổng thể danh mục phải thấp để trong trường hợp xấu nhất cũng không ảnh hưởng quá lớn đến danh mục. Những người đánh theo kiểu đánh bạc, dốc hết vốn vào các mã như vậy, lại còn margin tối đa nữa thì rủi ro cháy tài khoản là bình thường.
Nói chung việc quan trọng nhất không phải là cổ phiếu có đạt lợi nhuận kỳ vọng hay không, hay đem lại bao nhiêu tiền, mà là xác định các rủi ro có thể gặp phải để có kế hoạch ứng xử phù hợp.Anh Lê Trọng Nghĩa
Vậy anh có thể chia xẻ kinh nghiệm cá nhân thế nào là một cổ phiếu khỏe?
Một cổ phiếu khỏe là tăng trưởng giá tốt, thanh khoản tốt. Quá khứ giá là một yếu tố để xem xét. Có những cổ phiếu mang đặc điểm dễ bùng nổ giá gần như là thuộc tính của cổ phiếu đó.
Khi quyết định tham gia đầu tư vào một cổ phiếu nào đó, điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì?
Trước khi quyết định tham gia vào một cổ phiếu nào đó, đương nhiên phải làm rất nhiều “bài tập ở nhà” để hiểu biết về cổ phiếu đó. Kế đến tôi hay cân nhắc tiêu chí thanh khoản. Nếu thanh khoản lớn tức là được nhiều người quan tâm thì rủi ro cũng giảm đi. Tiếp đến là cân nhắc rủi ro để xác định tỉ trọng của cổ phiếu đó trong danh mục. Nói chung việc quan trọng nhất không phải là cổ phiếu có đạt lợi nhuận kỳ vọng hay không, hay đem lại bao nhiêu tiền, mà là xác định các rủi ro có thể gặp phải để có kế hoạch ứng xử phù hợp.
Hãy chuẩn bị tâm lý cho sự khắc nghiệt
Anh chính thức tham gia đầu tư chuyện nghiệp được bao lâu rồi?
Tuổi nghề chính thức là 9 năm. “Full-time” từ 2005. Trước đó tôi cũng có làm một số nơi mà lâu nhất là tại Petro Vietnam. Làm ở đó cũng rất ổn nhưng ra ngoài thấy tự do thoải mái hơn. Nhất là giai đoạn 2066-2007 cổ vũ cho đa số nhà đầu tư bước chân vào nghiệp chứng khoán chuyên nghiệp. Thời điểm đó tôi cũng được một số vốn tương đối lớn trong chu kỳ bùng nổ của thị trường.
Anh có thể chia sẻ vài kỷ niệm của những ngày đầu tham gia thị trường?
Tôi tình cờ bước chân vào thị trường từ tháng 10/2003 theo sự giới thiệu của một người bạn, thời điểm chỉ số HSX khoảng 130 điểm. Tuy vào đúng đáy của thị trường thật nhưng lúc đó tôi chả biết gì cả, chỉ biết là chứng khoán Việt Nam rất rẻ theo lời nói của một vài người hiểu biết, có kinh nghiệm.
Công chức nhà nước như tôi lấy đâu ra tiền mà đầu tư, tôi tham gia thị trường với số vốn ít ỏi, hình như khoảng 50 triệu đồng thì phải để thử, và từ thời điểm đó đến tháng 3/2004 thị trường tăng lên đến 270 điểm, nghĩa là đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm tôi bắt đầu tham gia 130 điểm, nhưng hình như tôi chả được lời lãi gì, hay nói tóm lại, tôi không có một cảm nhận chút nào về việc được hay mất khi tham gia thì phải. Lúc đó ký ức của tôi về thị trường rất mờ nhạt, mờ nhạt như lời lãi của tôi vậy.
Niềm vui lớn nhất thời gian đó của anh là gì?
Tài khoản từ đầu năm 2006 đến cuối 2006 của tôi tăng gấp 20 lần, bạn có thể tưởng tượng sự cám dỗ khủng khiếp như thế nào!
Lúc đó tôi có tài khoản khoảng 40 tỷ đồng, mức tăng mỗi ngày thực sự là choáng váng. Lợi nhuận kiếm được vài tháng bằng cả chục năm đi làm nhà nước. Hồi đó bỏ tiền tự bay vào Sài Gòn dự đại hội cổ đông như đi chợ. Nhưng ngẫm lại hồi đó, có khi đa số chẳng biết rõ vì sao thị trường lại tăng mạnh như vậy. Suốt trong quãng thời gian thăng hoa của thị trường như vậy, chúng tôi sống như trên mây, tiền kiếm được sao dễ và nhanh thế? Ai cũng nghĩ là mình giỏi.
Vậy thất bại lớn nhất của anh trong 9 năm qua là gì?
Thất bại lớn nhất là sau khi thị trường tạo đỉnh năm 2007, năm 2008 tôi mất nhiều nhất. Tính đến lúc đó tôi giao dịch cũng đã tương đối lâu, nhưng vẫn bị chi phối bằng cảm tính rất nặng. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình non nớt, xử lý các thông tin tiêu cực bằng con mắt quá lạc quan. Khoảng 50% tài sản của tôi đã bay hơi trong thời gian này.
Bài học lớn nhất anh rút ra được là gì?
Đó là phải sẵn sàng đối mặt với sự khốc liệt của thị trường. Tôi đã chứng kiến nhiều người mất tài sản, kể cả những người bạn có tài sản trăm tỉ vẫn thành con nợ, gia đình li tán. Ngay trong nhóm tôi có người nợ nần hàng chục tỉ đồng và nhiều năm nay không biết đang ở đâu. Còn trường hợp "đốt" mất 5-7 cái nhà là bình thường. Nhiều người vỡ nợ phải đi trốn. Những ai được hưởng lợi khi thị trường đi lên thì còn đỡ dù sao cũng chỉ mất một phần lãi đã nhận được từ giai đoạn trước đó, những ai mới tham gia thị trường thì mới thật là cơ cực và sầu thảm không nói hết được.
Sự khốc liệt này giúp gì cho anh?
Đã trải qua những thăng trầm như vậy thì đương nhiên mình phải thận trọng hơn rất nhiều, quan tâm nhiều hơn đến kiểm soát rủi ro, đặc biệt là biết cắt lỗ sớm.
Bài học cắt lỗ rất khó thực hiện, vậy anh đã trải qua bài học đó như thế nào?
Đúng vậy, cắt lỗ là bài học khó nhất vì nó như cắt vào da thịt mình. Một danh mục khoảng 10 tỷ, cắt lỗ 10% đã mất 1 tỷ rồi. Những ai không học được bài cắt lỗ sẽ càng để lâu, nếu margin thì mức lỗ còn phình nhanh hơn. Nếu đã nếm trải đủ những đau đớn của việc "cháy" tài khoản, thua lỗ lớn thì việc cắt lỗ phải thực hiện như công việc thường ngày. Trong một thị trường giá xuống thì cắt lỗ càng sớm càng tốt. Quan niệm mà tôi rút ra được là trên chiến trường phải bảo toàn tính mạng trước rồi mới tính đến chiến đấu tiếp và cuối cùng mới là chiến thắng.
Nghiệp chứng khoán chuyên nghiệp có tác động gì đến đời sống bình thường của anh không?
Đầu tư chứng khoán cũng là một công việc bình thường, tuy có áp lực hơn các nghề làm công ăn lương khác. Vấn đề tâm lý theo tôi là ảnh hưởng nhiều nhất. Lúc thị trường suy giảm, tài khoản thua lỗ, nhiều khi cũng bị ám ảnh, mệt mỏi.
Vậy anh giải tỏa những trạng thái tâm lý đó như thế nào?
Đã xác định theo nghiệp chứng khoán chuyên nghiệp thì phải có cách để giải tỏa căng thẳng. Cách tốt nhất là cố gắng hạn chế những tình huống xấu và phải biết chấp nhận thua. Giữ bình tĩnh khi thua lỗ và tìm cách “phục thù” không phải là dễ dàng. Trong nhiều trường hợp nhà đầu tư thua lỗ dễ trở nên nôn nóng, muốn gỡ gạc lại ngay và như vậy lại bị sa vào những sai lầm khác.
Vậy theo anh làm sao để nhà đầu tư có thể đạt đến giai đoạn không còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý và cảm tính?
Cách duy nhất là phải trải qua đủ các thăng trầm của thị trường, không có cách nào đi đường tắt được. Bạn có thể học hỏi kinh nghiệm ở những người đi trước, nhưng đó là kinh nghiệm của người khác. Bạn phải trải qua những cảm giác thực sự trên thị trường mới có thể thấu hiểu được và làm chủ được các tình huống.
Để giữ được cân bằng thì đầu tư phải thận trọng, không nên quá mạo hiểm. Nếu quá mạo hiểm thì khi bị thị trường đánh bại, anh sẽ không còn gì nữa. Nhiều bạn bè tôi giờ không còn vốn nữa. Thị trường đang tốt lên nhưng không thể "phục thù" được vì vốn còn quá ít. Thậm chí có người còn phải bỏ nghề, đi làm việc khác nhặt từng đồng một.
Đối với một nhà đầu tư mới tham gia thị trường, lời khuyên của anh là gì?
Người mới tham gia cần xác định tốt về chấp nhận rủi ro cho phần vốn đến đâu, kiến thức được chuẩn bị như thế nào. Cá nhân tôi nhận thấy những bạn trẻ tham gia thường quá mạo hiểm vì họ chưa trải qua các giai đoạn được - mất, chưa quen chịu áp lực lớn về mặt tiền bạc. Tâm lý thông thường là cho rằng mình luôn luôn đúng, mình thấu hiểu được hết những vẫn động của thị trường và luôn tự tin với những lý giải của mình đối với thị trường. Những người đã trải qua những thăng trầm thường thận trọng hơn. Bản thân tôi ngoài 40 tuổi mới bắt đầu đạt được những thành công nhất định, còn trước đó hầu như không làm được gì ra tấm ra món.
Theo anh đâu là nguyên nhân thất bại chính trong chứng khoán từ những người bạn mà anh biết? Do kinh nghiệm hay do tính khí cá nhân?
Tôi thấy phần nhiều do tính khí. Họ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm quá mức, thậm chí là “coi trời bằng vung”. Có người sẵn sàng dốc vốn trong một lần chơi, vay mượn khắp mọi nơi. Nhất là khi đã thắng vài lần, cảm giác được nó lấn át tất cả, cảm giác khống chế được thị trường đưa những người đó đến chỗ tự tin quá mức.
Xin cảm ơn anh và chúc anh một năm mới thành công hơn trên thị trường.
Khánh Hòa
tbktvn
|