Góc nhìn 27/02: Khó tăng trở lại
Với việc tiếp tục đón nhận lượng cổ phiếu lớn về tài khoản mua từ phiên 22/02 các chuyên gia phân tích cho rằng đà bán sẽ vẫn được duy trì đồng thời mức giá đang ở trong vùng giá cao, do đó không loại trừ khả năng thị trường giảm ở phiên tiếp theo.
Đà giảm vẫn tiếp tục
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Không có thông tin tiêu cực nào xuất hiện, thị trường giảm do vẫn đang ở trong giai đoạn điều chỉnh sau 1 đợt tăng mạnh và dài. Lực bán mạnh tại một số mã theo BSI quan sát có khả năng xuất phát từ việc “bán giải chấp”.
Xét trong bối cảnh những lực đỡ trước đây cho thị trường như kỳ vọng vĩ mô hay yếu tố nước ngoài đang có biểu hiện suy yếu, thị trường sẽ khó có được sự hồi phục sớm. Nhiều khả năng đà giảm sẽ còn tiếp tục trong phiên tới tuy nhiên mức độ giảm điểm sẽ được thu hẹp.
Về mặt kỹ thuật, hỗ trợ mạnh cho 2 chỉ số ở quanh vùng 440 điểm đối với VN-Index và 60 điểm đối với HNX-Index. Nhà đầu tư có ý định mua vào có thể cân nhắc gia tăng tỷ lệ cổ phiếu nếu 2 chỉ số rơi về mức trên.
Khó phục hồi mạnh
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Trái với sự ổn định tâm lý của phiên liền trước, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh từ nửa cuối phiên ngày 26/02 khiến các nhóm cổ phiếu đồng loạt quay đầu giảm giá. Chỉ số thị trường đóng cửa giảm hơn 3% so với phiên đầu tuần. Thanh khoản theo đó tăng mạnh và cao hơn mức bình quân 20 phiên gần nhất khoảng 22%.
VDS chưa nhận thấy có thông tin đáng lo ngại khiến nhà đầu tư phản ứng mạnh trong phiên 26/02. Tin tức được xem là tiêu cực nhất là khả năng tăng giá xăng được truyền thông trong nhiều ngày qua. Tuy vậy, đây là thông tin đã được nhận biết, do đó, VDS không cho rằng lo ngại về khả năng xăng tăng giá là nguyên nhân của phiên lao dốc này.
Phản ứng mạnh của nhà đầu tư trước tín hiệu thị trường giảm điểm cho thấy tâm lý nhà đầu tư trên TTCK vẫn chưa thực sự ổn định. Trong khi các thông tin vĩ mô không đủ sức hỗ trợ, thị trường đã trải qua đợt tăng dài và mạnh trước Tết nguyên đán, cùng với diễn biến trên thị trường ngoại tệ và giá xăng có thể là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư nhạy cảm hơn với các biến động xấu.
Với diễn biến tâm lý này, VDS cho rằng khả năng hồi phục mạnh của các chỉ số thị trường là rất khó xảy ra. Quan điểm thận trọng, nhà đầu tư nên kiên nhẫn đứng ngoài quan sát, không tham gia bắt đáy trong giai đoạn hiện tại.
Tâm lý thị trường tiêu cực
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Lo ngại với tâm lý thận trọng từ tín hiệu sụt giảm về mặt thanh khoản của phiên 25/02 đã trở thành hiện thực khi thị trường quay đầu giảm rất mạnh, trên cả hai sàn với mức độ còn lớn hơn phiên sụt giảm 21/02.
Mặc dù vậy, trái với phiên lao dốc trước, hầu như không hề xuất hiện thông tin bất lợi nào trong phiên giao dịch này ở cả thông tin chính thức cũng như các tin đồn thổi lan truyền trong cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán.
Thanh khoản có sự hồi phục đáng kể, tăng gần gấp đôi so với phiên giao dịch ảm đạm liền trước với sự sôi động ở nhóm các cổ phiếu bất động sản ở Sàn Tp.HCM và nhóm tài chính tại sàn Hà Nội.
Cầu xuất hiện mạnh ở vùng giá thấp nhưng rõ ràng không có ý định đẩy giá lên cao hơn, AAS cho rằng diễn biến này là không mấy tích cực và sẽ nguy hiểm hơn nữa khi nó có thể tái diễn trong những phiên tiếp theo.
Với sự sụt giảm mạnh và khá đột ngột này, AAS cho rằng tâm lý thị trường hiện đang không ở trạng thái tích cực và nếu không có động lực hỗ trợ trong thời gian tới, rất có thể hiệu ứng dây chuyền sẽ xảy ra, kéo theo đó là một làn sóng thoái vốn trên diện rộng.
Để hạn chế rủi ro này, AAS cho rằng việc hạ dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nên được thực hiện trở lại, nhất là khi thị trường tái hiện kịch bản giảm điểm mạnh không rõ nguyên nhân như hiện nay.
Áp lực bán còn tiếp diễn
CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Thị trường lại tiếp tục một phiên giảm điểm mạnh, và đây có lẽ là một bất ngờ đối với thị trường. Việc thị trường giảm mạnh phiên 26/02 không bị tác động của bất cứ một thông tin nhạy cảm nào cho thấy rằng tâm lý của nhà đầu tư là khá yếu.
Rất có thể ở phiên ngày 27/02, lực bán phiên mở cửa sẽ còn tiếp tục diễn ra, một phần từ các Tài khoản bị call margin, một phần từ những nhà đầu tư lo ngại rủi ro từ khối lượng lớn ngày 22/2 về đến tài khoản. Điều này có thể khiến một số người lao vào bắt đáy và cùng với những trụ bluechips, thị trường sẽ giữ được nhịp và đà giảm có thể sẽ chững lại.
Khi sự kiện ngày 21/2 chưa kịp cân bằng trở lại thì việc thị trường giảm mạnh lại diễn ra. Điều này sẽ khiến cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo ngại và mất niềm tin vào thị trường. Vì thế nó sẽ khiến cho thị trường cần thêm nhiều thời gian hơn nữa để có thể cân bằng trở lại. Nhà đầu tư theo trường phái thận trọng nên đứng ngoài chờ cho thị trường ổn định trở lại, điều đó thể hiện qua việc thanh khoản sụt giảm mạnh do cả bên mua và bên bán đều không muốn giao dịch. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm họ vẫn hy vọng thị trường sẽ có phiên bật hồi sau khi giảm quá mức và rất có thể nó sẽ diễn ra trong một vài phiên tới đây.
Xem xét chốt lời ở cổ phiếu tăng nóng
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Thị trường có sự hồi phục nhẹ trong hai phiên nhưng ngày 26/02 xu thế điều chỉnh đã quay trở lại, khi mà những phút đầu thị trường không thể tiếp tục duy trì diễn biến tăng điểm thì sự mất kiên nhẫn của bên cầm cổ phiếu đã tạo ra áp lực bán khá lớn về cuối phiên đẩy chỉ số của hai sàn HOSE và HNX đóng cửa cùng mất điểm mạnh.
Như FPTS đã đề cập sau phiên giao dịch ngày 21/02 đầy bất ngờ và tiêu cực, thị trường đang gặp những vấn đề khó khăn trong ngắn hạn, thanh khoản trong hai phiên phục hồi trước đó đều khá thấp không thể ủng hộ mạnh mẽ cho xu thế tăng của thị trường và nó cho thấy tâm lý một đại bộ phận nhà đầu tư vẫn tỏ ra phân vân và thận trọng. Trong ngày giao dịch 26/02 thanh khoản đã trở lại mức khá tuy nhiên diễn biến của giá lại không tốt khi tâm lý bán tháo đã quay trở lại và đẩy thị trường giảm mạnh về cuối phiên.
Việc thị trường liên tục có những phiên dao động mạnh trong ngắn hạn theo chiều hướng tiêu cực cho thấy tâm lý nhà đầu chưa thật sự ổn định, sự hồi phục trong những phiên vừa qua chỉ là tạm thời khi thị trường có dấu hiệu tiết cung. Bên cạnh đó thì sau những diễn biến tiêu cực này thì các chỉ báo kỹ thuật cũng đang cho tín hiệu xấu đi, những thông tin không mấy khả quan về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn được đưa ra gần đây cũng gây tâm lý thất vọng đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu.
Có thể thấy rằng rủi ro thị trường đang ở mức khá cao, đặc biệt là khi thị trường vẫn đang ở vùng giá khá cao sau đợt sóng tăng đầu năm. Theo đó, FPTS tiếp tục bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và bám sát diễn biến thị trường trong giai đoạn này. Nếu thị trường tiếp tục đi xuống thì việc xem xét giảm tỷ lệ cổ phiếu là cần thiết, đặc biệt là với các cổ phiếu đầu cơ đã tăng nóng trước đó.
Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)
FFN
|