Góc nhìn 20/02: Vẫn rất lạc quan
Tuy việc thanh khoản cao đi kèm chỉ số mất điểm là tín hiệu tiêu cực nhưng hầu hết các công ty chứng khoán đều tỏ ra rất lạc quan về thị trường trong ngắn hạn. Khuyến nghị của một số chuyên gia là nên mua vào những mã tốt để chờ thời hay cũng có thể lướt sóng bởi cơ hội và rủi ro khá tương đương.
Thị trường sẽ sớm ổn định
CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Trước kỳ nghỉ lễ Tết dài một vài tuần, đa số đều cho rằng Thị trường sẽ điều chỉnh do lo ngại về kỳ nghỉ lễ dài và sau đó là một kỳ vọng thị trường tăng điểm mạnh sau nghỉ lễ. Thực tế Thị trường đang có diễn biến hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của rất nhiều NĐT. Điều này sẽ khiến một số NĐT sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc cân bằng tài khoản. Có khá nhiều NĐT đã mở trạng thái Margin mạnh trước nghỉ lễ 2 ngày do được lợi thế thanh toán T+2. Vì thế, ở phiên 19/02 việc tăng áp lực bán ra đối với nhóm NĐT này là điều dễ hiểu.
Thị trường có phiên giao dịch giảm điểm thứ hai và mức độ giảm phiên 19/02 mở rộng hơn. Sau những phiên tăng mạnh trước Tết, việc thị trường điều chỉnh là điều có thể chấp nhận được và điều này càng kích thích thêm dòng tiền vào thị trường. Điều lo ngại nhất không phải ở việc thị trường giảm điểm mà là thị trường tăng mạnh ngay sau nghỉ lễ. Bởi nếu điều này xảy ra, thị trường có thể sẽ rơi vào trạng thái điều chỉnh mạnh là dài hơn.
Cho dù thị trường có sự giảm điểm, nhưng vẫn có một số điểm được đánh giá là khá tích cực. Trước hết là thanh khoản của thị trường khi có cả hai sàn có mức tăng khá tốt và nó cho thấy lực cầu giá thấp là khá ổn định. Điểm nữa là nhóm cổ phiếu BĐS như: SJS, TDH, DIG, ITC, LCG... tăng khá mạnh nhờ vào dòng tiền. Điểm cuối cùng là lực mua của khối ngoại vào nhóm cổ phiếu VN30 khá tốt và những điểm này sẽ giúp cho thị trường sớm ổn định trở lại.
Phù hợp lướt sóng
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Phiên giao dịch thứ hai (19/02) sau kỳ nghỉ dài ngày tiếp tục chứng kiến sự hưng phấn của nhà đầu tư, tuy nhiên, trái với phiên giao dịch trước, sự hưng phấn này chỉ còn biểu hiện qua khối lượng giao dịch, khi điểm số của cả 2 sàn đều quay đầu giảm điểm.
Việc khối ngoại quay trở lại mua ròng (92 tỷ đồng) cũng không thể cứu được các chỉ số trong phiên giao dịch mà lượng cung hàng chốt lãi gia tăng khá mạnh và đồng loạt ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Áp lực điều chỉnh vẫn còn để ngỏ, tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến giao dịch cũng như thanh khoản trên thị trường, có thể nhận thấy mức rủi ro là không thật sự đáng ngại đối với nhà đầu tư đang hoặc có ý định nắm giữ cổ phiếu trong thời gian tới.
Với chiến thuật đầu tư “đánh nhanh rút gọn”, đa dạng hóa danh mục đồng thời thiết lập một mức lợi nhuận kỳ vọng hợp lý AAS cho rằng thị trường vẫn đang ở trong giai đoạn tương đối lý tưởng cho hoạt động trading ngắn hạn với tương quan rủi ro và cơ hội tương đương nhau.
Lình xình giảm nhẹ
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường phiên 19/02 giao dịch khá giằng co với đà giảm tăng tốc vào cuối phiên. Trên HNX, nhóm cổ phiếu chứng khoán như BVS, KLS, VND điều chỉnh; SHB cũng bị bán ra mạnh, khối lượng tăng vọt lên hơn 27 triệu đơn vị. Trên HOSE, mặc dù khối ngoại đã tăng cường mua trở lại, đa số các bluechip vẫn giảm nhẹ. Dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm bất động sản giúp các mã như KBC, ITA, ITC, VIC, TDH, SJS tăng mạnh. Nhóm khoáng sản vẫn giữ được đà tăng tại một vài mã như BMC, KSA.
Khối ngoại quay trở lại mua ròng trên diện rộng với tổng giá trị ròng đạt 82 tỷ đồng trên HOSE. Họ mua vào các mã MBB, HPG, BVH, STB, DPM, CTG, GAS, PVF, PPC, OGC, VSH trong khi chỉ bán ra chủ yếu VF1, VIC, EIB và GMD. Trên HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng 10.3 tỷ đồng trong đó họ mua vào chủ yếu các mã KLS, PVS, VCG và PVX trong khi bán ra chủ yếu SCR.
BSI đánh giá thị trường hiện tại đang tương đối thiếu động lực để tăng điểm do thiếu những thông tin hỗ trợ cụ thể từ khía cạnh vĩ mô. Ngoài ra từ khía cạnh kỹ thuật, 2 chỉ số cũng đang tiếp cận những ngưỡng kháng cự mạnh. Sự phân hóa vẫn sẽ xuất hiện tại một số mã riêng lẻ có thông tin cơ bản tốt hoặc được khối ngoại hỗ trợ… tuy nhiên xu thế chung của thị trường trong thời gian tới được BSI đánh giá nhiều khả năng sẽ thiên về hướng lình xình hoặc giảm nhẹ nhiều hơn.
Tiếp tục mua vào
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Phiên giao dịch ngày 19/02 đã khép lại với sắc đỏ xuất hiện đồng thời trên cả hai sàn HOSE và HNX. Chỉ số VN-Index đóng cửa lùi sát về ngưỡng 490 điểm trong khi HNX-Index cũng đảo chiều đi xuống sau 4 phiên tăng liên tiếp. Sự suy yếu của nhóm cổ phiếu bluechips cùng với hoạt động chốt lời tăng mạnh trong phiên này là nguyên nhân khiến cho mọi nỗ lực hồi phục trong phiên đều không thể thành công.
Tuy vậy, giao dịch trong phiên khá sôi động, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn thị trường đạt tới hơn 2,000 tỷ đồng đã một lần nữa khẳng định cho trạng thái tâm lý thị trường chung vẫn đang khá tích cực. Cùng với đó, dòng tiền đầu cơ tiếp tục đóng vai trò điểm nhấn khi mà xu hướng chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ vẫn tiếp diễn. Nhóm cổ phiếu bất động sản phiên này tăng khá tốt cùng với các mã như ITA, KBC, PVX … vẫn bảo toàn được sắc xanh cuối phiên cho khả năng về dòng tiền mới đã gia nhập thị trường, chuẩn bị cho nhịp tăng điểm tiếp diễn.
Theo đó, với tâm lý đầu tư vẫn đang chờ đợi thông tin chính thức tiếp theo về các chính sách hỗ trợ kinh tế cũng như việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài thì FPTS vẫn giữ quan điểm thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tiếp tục kéo dài diễn biến tích cực trong thời gian tới.
Trong ngắn hạn, mặc dù các chỉ số có thể vẫn gặp khó khăn dưới áp lực của vùng đỉnh cũ nhưng khả năng giảm sâu là không cao. Theo đó, FPTS tiếp tục khuyến nghị mua vào và nắm giữ đối với các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tốt để đón chờ những thông tin tốt và hạn chế được nhiều rủi ro nhất định từ thị trường.
Lạc quan trong ngắn hạn
Công ty chứng khoán ACB (ACBS): Giằng co quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian, VN-Index giảm mạnh hơn vào gần cuối phiên khi bên bán gia tăng áp lực. Khối lượng giao dịch bất ngờ tăng mạnh lên mức cao nhất trong 2 tuần qua, cho thấy bên bán đang khá quyết liệt.
Thị trường có thể tiếp tục rung lắc trong các phiên tới, kéo VN-Index giảm sâu hơn về hỗ trợ nhỏ 488. Dưới mức này VN-Index có thể tiếp tục giảm về hỗ trợ mạnh hơn 470-475.
Khối lượng giao dịch tăng khi VN-Index mất điểm là dấu hiệu tiêu cực cho xu hướng ngắn hạn. Mặc dù vậy, chưa có tín hiệu đảo chiều quan trọng nào xuất hiện nên ACBS duy trì quan điểm lạc quan với chỉ số này. Sóng điều chỉnh nhỏ hiện tại của VN-Index có thể kết thúc trong 1, 2 phiên nữa.
Diễn biến tương tự VN-Index, HNX-Index cũng đóng cửa dưới tham chiếu cùng khối lượng giao dịch lớn. Sau nhiều phiên tăng liên tiếp, đây là dấu hiệu cho thấy áp lực chốt lời gia tăng, điều có thể khiến HNX-Index tiếp tục giảm điểm trong các phiên tới.
Do đợt tăng điểm của tuần trước Tết khá dốc nên ACBS kỳ vọng HNX-Index sẽ không điều chỉnh quá sâu, tối đa về mức 65 tương ứng mức Fibonacc 38.2%, điều này sẽ củng cố sức mạnh cho xu hướng tăng hiện tại của HNX-Index. Ngược lại, nếu điều chỉnh sâu hơn mức 65, HNX-Index sẽ cho thấy sự suy yếu. Mặc dù HNX-Index nhiều khả năng mất điểm trong các phiên tới, nhưng ACBS duy trì quan điểm lạc quan với chỉ số này trong ngắn hạn.
Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)
FFN
|