Góc nhìn 25/02 – 01/03: Thận trọng chờ xu hướng mới
Hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra thận trọng sau tuần giao dịch đầu tiên của năm Quý Tỵ không mấy khả quan. Các chuyên gia này kêu gọi nhà đầu tư nên nắm giữ danh mục cổ phiếu với tỷ lệ “hợp lý” chờ xu hướng mới.
Sẽ có sự phân hóa rõ ràng
CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS): Chúng tôi cho rằng việc thị trường diễn ra sự điều chỉnh sau Tết là điều hoàn toàn bình thường, ngoại trừ việc thông tin ngày 21/2 quá bất ngờ. Với việc này diễn ra thì trong tuần tới, dòng tiền đầu cơ có tính rủi ro cao do sử dụng đòn bẩy mạnh sẽ tiếp tục phải chịu áp lực lớn và vì thế những cổ phiếu theo trường phái này như: ITA, KBC, PVX, SHB, SCR... sẽ chưa thể quay trở lại chu kỳ tăng điểm.
Thị trường sẽ mất thêm một tuần để có thể điều hòa lại nhịp trước khi có những diễn biến mới. Về ngắn hạn, đặc biệt là trong tuần tới thị trường sẽ tiếp tục thể hiện hiện sự trồi sụt và có sự phân hóa. Một số nhóm cổ phiếu khác sẽ thu hút dòng tiền đổ vào thay thế dần cho nhóm BĐS mà trong đó chúng tôi nhận thấy là nhóm Chứng khoán và dầu khí. Nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt trước đây là PVX, SHB, ITA, KBC... sau nhịp điều chỉnh mạnh này có thể sẽ song hành cùng dẫn dắt thị trường tới đây.
Những NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính thận trọng có thể mua trong nhịp điều chỉnh của tuần mới này. Tuy nhiên chúng ta không nên quá kỳ vọng vào việc thị trường sẽ tăng mạnh trở lại mà sẽ có sự phân hóa rõ ràng hơn. Về dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ sớm được hưởng lợi từ những chính sách tiền tệ mà NHNN sắp tới sẽ thực thi nên cơ sở cho thị trường tăng điểm dài hạn là vẫn rất tốt.
Khả năng trụ vững tại mốc 470 điểm
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Trong bối cảnh thị trường còn đang đi tìm câu giải thích về sự sụt giảm đột ngột trong tuần qua thì một thực tế cho thấy sự tích lũy trong sóng tăng trước tết, cũng đã tự tạo ra áp lực bán cho thị trường chưa kể có thêm sự góp mặt của nhóm nhà đầu tư có sử dụng margin.
Ngoài ra, sự vận động yếu của VN-Index trong khu vực kháng cự 490-510 với các phiên tăng nhưng điểm số cải thiện không đáng kể đã bào mòn kỳ vọng và sự kiên nhẫn của nhà đầu tư.
Do đó để giảm thiểu rủi ro, tái cơ cấu danh mục bảo toàn lợi nhuận đã có, cũng như duy trì tỷ lệ tiền/chứng trong tài khoản ở mức an toàn khiến phiên giảm đã xảy ra sớm và mạnh hơn so với dự báo của thị trường. Trước diễn biến này, mọi hoạt động mua hoặc bán có lẽ sẽ càng làm nhà đầu tư mất phương hướng vì thị trường chưa tìm thấy điểm cân bằng sau biến động vừa qua.
Dựa trên PTKT, diễn biến tuần qua cho thấy ngưỡng 470 điểm đang là mức hỗ trợ gần nhất cho VN-Index. Nếu rơi xuống dưới khu vực này thì kịch bản giảm điểm tiêu cực nhất sẽ xảy ra với mục tiêu tiếp tục rơi xuống mực hỗ trợ sâu hơn tại 445-450 điểm, làm tiền đề cho mô hình Vai-Đầu-Vai. Khi đó sự hình thành Vai bên phải phụ thược rất nhiều vào diễn biến trong tháng 3 để hỗ trợ thị trường có phục hồi hay không. Mặc dù xác suất xảy ra kịch bản này là không cao tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần chú ý để có chiến lược mua bán phù hợp.
Kịch bản trung bình đó là thị trường tuần tới tiếp tục trụ vững tại ngưỡng kháng cực 470 điểm và dần kéo chỉ số đi ngang. Với kịch bản này, xu hướng tăng vừa qua sẽ vẫn còn tuy nhiên sẽ có những phiên giao dịch thanh khoản giảm sút và bị phân hóa mạnh tại từng nhóm và loại cổ phiếu dựa trên công bố KQKD và tỷ lệ trả cổ tức. Diễn biến này có thể sẽ khiến nhà đầu tư không còn quá quan tâm đến chỉ số mà sẽ tập trung vào nhóm và mã cổ phiếu tốt để giao dịch. Như vậy khu vực kháng cự 490-510 sẽ tiếp tục áng ngữ phía trên và có thể phải chờ tới Tháng 3 với những yếu tố mới hơn.
Cụ thể đó là sự trở lại của nhóm ngoại để giúp thị trường lấy lại điểm tựa và những thông tin vĩ mô tích cực để khôi phục lại kỳ vọng của nhà đầu tư ít nhất là cho Quý 2/2013.
Cân nhắc tỷ trọng giải ngân thấp
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Về trung hạn, chúng tôi đánh giá thị trường trong giai đoạn hiện tại đang tương đối thiếu động lực để tăng điểm. Kỳ vọng của giới đầu tư đang yếu dần khi vẫn chưa có thêm những thông tin cụ thể hơn về các giải pháp xử lý nợ xấu ngân hàng, bất động sản hay tháo gỡ tín dụng, kích cầu. Trong khi thị trường chứng khoán đã tăng điểm mạnh trong vòng 3 tháng trở lại đây, cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đang phải tiếp cận những ngưỡng kháng cự mạnh.
Trong ngắn hạn, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận vẫn sẽ xuất hiện trong những nhịp điều chỉnh sâu của thị trường. Hiện tại cả 2 chỉ số dã điều chỉnh về vùng giá trước Tết với mức giảm trung bình khoảng 10% so với đỉnh. Việc giải ngân tại vùng giá này được chúng tôi đánh giá là vẫn khá rủi ro, các nhà đầu tư nên cân nhắc tỷ trọng giải ngân thấp (khuyến nghị <30% danh mục) và kỳ vọng lợi nhuận sẽ không cao.
Khả năng điều chỉnh có thể tiếp tục
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Phiên cuối tuần thị trường ghi nhận áp lực bán vẫn còn lớn đặc biệt là ở các mã đầu cơ và những mã đã tăng mạnh trong thời gian qua, tuy nhiên, nhìn nhận ở một khía cạnh khác thì lực cầu đối ứng cũng khá tích cực, các chỉ số do đó đảo chiều xanh nhẹ sau phiên mất điểm mạnh hôm qua. NĐT nước ngoài vẫn duy trì lực cầu dàn trải trong phiên với nhịp độ mua - bán vừa phải. Tâm lý NĐT nhìn chung đã ổn định trở lại, bên mua vẫn còn lo ngại trước áp lực bán do vậy, chúng tôi cho rằng sẽ cần thêm thời gian để có thể xuất hiện một nhịp phục hồi mạnh trở lại của các chỉ số.
Tuần giao dịch tới sẽ là tuần chờ đợi thông tin cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ ETFs, do đó, giao dịch của NĐT nước ngoài có thể là nhân tố hỗ trợ thị trường. Khả năng tiếp tục điều chỉnh trong tuần tới vẫn có thể xảy ra tuy nhiên chúng tôi cho rằng sự điều chỉnh sẽ không quá lớn và kéo dài, cho nên thị trường vẫn còn có cơ hội hồi phục. Các NĐT có thể xem xét đưa tỷ trọng danh mục tiền mặt : cổ phiếu về tỷ lệ phù hợp, hạn chế margin và cân nhắc giải ngân đối với các mã cơ bản tốt khi điều chỉnh.
Viết Vinh (Vietstock)
ffn
|