Thứ Tư, 06/02/2013 14:38

Công khai, minh bạch nợ công

Dù chưa phát hành Bản tin nợ công, nhưng Bộ Tài chính vừa xác nhận, tính đến ngày 31/12/2011, tổng dư nợ chính phủ là 1.096.000 tỷ đồng, bằng 43,2% GDP. Trong đó, vay trong nước 429.000 tỷ đồng, vay nước ngoài 667.000 tỷ đồng.

Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), ông Hoàng Hải cho biết, so với tất cả các tiêu chí như nợ/GDP, nợ/thu ngân sách, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/kim ngạch xuất khẩu, thì nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế.

“Ngay cả trước thời điểm Luật Quản lý nợ công có hiệu lực (ngày 1/1/2010), việc vay nợ, quản lý nợ và sử dụng vốn vay của Chính phủ luôn được kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Vì thế, tổng số dư nợ công tăng lên đã góp phần bù đắp bội chi ngân sách, tăng chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn này, hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, như quốc lộ, sân bay, bến cảng… được đầu tư bằng vốn vay và đã phát huy hiệu quả, trong khi nợ công luôn được bảo đảm an toàn”, ông Hải cho biết.

Còn từ năm 2010 trở lại đây, theo ông Hải, các thể chế, chính sách về quản lý nợ ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý và hài hoà với thông lệ thế giới.

Không phủ nhận việc nhiều dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay nợ đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ sự lo ngại khi nợ công ngày càng gia tăng, khiến gánh nặng trả nợ ngày càng tăng lên.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2011, ngân sách đã dành ra 98.850 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi. Năm 2012, số tiền trả nợ gốc và lãi là 100.000 tỷ đồng. Năm 2013, theo dự toán, ngân sách sẽ phải bỏ ra 103.000 tỷ đồng để trả nợ. So sánh với số thu từ dầu thô, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tỏ ra lo ngại khi thấy rằng, những năm trước đây, số thu từ dầu thô chỉ đủ để trả nợ, còn năm 2013 này, toàn bộ số thu từ dầu thô (dự toán là 99.000 tỷ đồng) không đủ để trả nợ.

“Việc xác định nợ công, tái cơ cấu đầu tư công để tăng cường hiệu quả sử dụng đồng vốn từ nguồn vay nợ trong và ngoài nước là vấn đề rất quan trọng. Nhưng trong Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Chính phủ, nhiệm vụ này được đặt ra chưa xứng tầm với mức độ quan trọng của nó”, ông Kiên phát biểu.

Về hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn đi vay, theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ quá hạn của vốn ODA cho vay lại chỉ ở mức 0,67%/tổng dư nợ. Số dự án vay vốn bảo lãnh chính phủ gặp khó khăn trong việc trả nợ không nhiều, số nợ phải xử lý chỉ chiếm 1% tổng giá trị được bảo lãnh.

Những số liệu trên chỉ là phác họa sơ lược về hiệu quả sử dụng vốn vay. Còn cụ thể hơn, ông Hoàng Hải cho biết, việc phân bổ nguồn vốn vay còn dàn trải, chưa phát huy vai trò của các bộ, ngành và còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan, khiến tiến độ giải ngân chậm, làm cho hiệu quả đầu tư thấp. Trong khi đó, công tác quản lý, sử dụng vốn vay của nhiều bộ, ngành, địa phương, chủ dự án chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chưa được thường xuyên, chế tài xử lý chưa rõ; năng lực quản lý của một số cán bộ, công chức còn chưa theo kịp với yêu cầu quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ nguồn vay nợ.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Kiên dường như chưa thực sự tin vào hiệu quả của các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn bảo lãnh chính phủ. “Giá trị bảo lãnh chính phủ đối với các dự án xi măng chiếm 12,09% tổng giá trị bảo lãnh chính phủ, ước khoảng 1,26 tỷ USD, nhưng có tới 5/16 dự án xi măng được đánh giá là không có khả năng trả nợ. Vậy thực tế nợ xấu đối với bảo lãnh chính phủ là bao nhiêu, cần phải công khai, minh bạch”, ông Kiên đề nghị.

Hiệu quả của việc quản lý, sử dụng nợ công ra sao? Vay nợ từ đâu? Chính phủ bảo lãnh cho những doanh nghiệp nào vay vốn? Vốn vay được đầu tư vào công trình, dự án nào? Tất cả những vấn đề đó sẽ được công khai, minh bạch trong Bản tin nợ công được Bộ Tài chính chính thức công bố trong ít ngày nữa.

Hàn Tín

Báo đầu tư

Các tin tức khác

>   Đã đến lúc điều chỉnh tỷ giá VNĐ (06/02/2013)

>   TS. Đinh Thế Hiển: Cơ hội đầu tư 2013 (05/02/2013)

>   CPI tháng Tết sẽ tăng ở mức nào? (05/02/2013)

>   TS. Nguyễn Đình Cung: Phải quyết liệt, Nghị quyết “gỡ khó” mới vào cuộc sống (05/02/2013)

>   VN tiếp tục đạt thặng dư thương mại với Indonesia (05/02/2013)

>   Vì sao giao dịch ngầm vẫn còn nhiều (04/02/2013)

>   HSBC: Kinh tế năm Quý Tỵ ngọt ngào nhưng cần thận trọng (04/02/2013)

>   Năm 2012: Những mảng sáng - tối trong thu hút vốn FDI (03/02/2013)

>   Kiềm chế lạm phát qua góc nhìn của chuyên gia, nhà quản lý (03/02/2013)

>   Mục tiêu tham vọng 2013: Lạm phát thấp, tăng trưởng cao (02/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật