Thị trường viễn thông vẫn như “nhà có nhiều con”
“Thị trường viễn thông Việt Nam vẫn như một gia đình có nhiều con, được bố mẹ cho ra ở riêng, chưa có cạnh tranh thực sự”.
Năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng và lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Đây được coi là doanh nghiệp viễn thông Nhà nước làm ăn bết bát nhất từ trước tới nay.
|
TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông, người có “phần lớn cuộc đời” gắn với viễn thông và Internet đã ví von như trên khi nói về lĩnh vực viễn thông di động, tại một tọa đàm về lĩnh vực này mới đây - một lĩnh vực mà lâu nay vẫn được xem là cạnh tranh nhất trong nền kinh tế, theo tính chất cơ chế thị trường, thậm chí đến mức gay gắt, khốc liệt và có sự đào thải.
Nhưng, nhà có nhiều con, các con được cho ra ở riêng, tự cạnh tranh với nhau, nếu chẳng may đứa con nào làm ăn thất bát, đã có bố mẹ đứng ra nâng đỡ… Mô hình viễn thông Việt Nam, theo ông Trực, hiện nay cũng như vậy, dù hình ảnh này không mới, đã được ông đề cập từ nhiều năm trước đây.
Cơ cấu thị trường viễn thông đến thời điểm hiện tại vẫn 95%, thậm chí 99% doanh nghiệp viễn thông là doanh nghiệp Nhà nước, tính trên doanh thu và thuê bao. Một vài doanh nghiệp có yếu tố “ngoại” qua hình thức liên doanh liên kết, tuy nhiên, về cơ bản vẫn là do doanh nghiệp Nhà nước làm chủ, thống lĩnh tuyệt đối thị trường.
Ông Trực cho biết, năm 2008 - 2009, ông đã thẳng thắn phát biểu tại Quốc hội việc Việt Nam có quá nhiều doanh nghiệp viễn thông được cấp phép là không đúng. Bây giờ lại rút giấy phép, đều là doanh nghiệp Nhà nước nên rất lãng phí. Vì thế, theo ông, hệ quả của “nhà có nhiều con” là thị trường chưa cạnh tranh thực sự, chưa thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội, tư nhân và nước ngoài tham vào thị trường.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cũng cho rằng, mặc dù thị trường viễn thông Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường cạnh tranh nhất trong khu vực, với chất lượng ngày càng cao, giá cước ngày càng giảm, khả năng truy nhập của người dân đến các dịch vụ viễn thông thuận lợi, tới cả vùng sâu, vùng xa, tạo được cạnh tranh cho doanh nghiệp phát triển, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhưng, chủ yếu lại là doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần Nhà nước chi phối.
“Vì thế, về bản chất trong hơn 10 năm qua, đây vẫn là thị trường của các doanh nghiệp Nhà nước, chưa huy động được nguồn lực xã hội. Quản lý của doanh nghiệp Nhà nước còn yếu kém nên hiệu quả hoạt động của thị trường cũng còn nhiều yếu kém, bất cập. Một số doanh nghiệp bị điều chuyển, sáp nhập rút khỏi thị trường như EVN Telecom, một số gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng như SPT (đơn vị sở hữu mạng S-Fone - PV)…”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng dẫn giải.
Sự “mất cân đối” trong cơ cấu trên thị trường viễn thông còn thể hiện ở việc nắm chi phối hạ tầng mạng lưới, cụ thể là hạ tầng kênh truyền dẫn của VNPT và Viettel, khiến các doanh nghiệp Nhà nước còn lại phải lệ thuộc, đi thuê lại hạ tầng của các tập đoàn này. Mới đây, cả VNPT và Viettel đều tăng mạnh giá thuê kênh riêng (kênh truyền dẫn), tới gần 300% đối với các mạng di động nhỏ như Gtel Mobile và Vietnamobile.
“Trong một số doanh nghiệp vẫn còn tính chất bao cấp trong quản lý và trong phát triển bền vững. Một số chính sách như hạ tầng, kết nối vẫn mang tính chất áp đặt của doanh nghiệp lớn đối với doanh nghiệp nhỏ, khiến doanh nghiệp nhỏ vốn đã khó lại càng khó khăn hơn”, bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom), đơn vị sở hữu mạng di động Vietnamobile nói.
“Chúng tôi không xin phải hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nhưng để có một chính sách tốt thì phải tạo ra một môi trường cạnh tranh thật lành mạnh, đúng quản lý Nhà nước trong cơ chế thị trường”, bà Châu nói thêm.
Mới đây, khi chia sẻ với VnEconomy, Chủ tịch Hanoi Telecom Phạm Ngọc Lãng cho biết, doanh nghiệp ông đang có kế hoạch kêu gọi đối tác nước ngoài là Hutchison Telecom rót vốn thêm vào mạng Vietnamobile, với số vốn có thể lên tới hàng trăm triệu USD nữa. “Nhưng với chính sách về viễn thông không như kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc tăng mạnh giá thuê hạ tầng hiện tại, thì sẽ khó có thể thu hút được vốn đầu tư”, ông Lãng lo doanh nghiệp mình.
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, những hạn chế trong cơ cấu trên thị trường viễn thông nói trên còn do sức ì trong tư duy quản lý. Như việc Chính phủ đã quyết định cổ phần hóa MobiFone, nhưng từ khi có quyết định đã 5 năm, nay vẫn chưa triển khai được.
Theo quan điểm của vị Thứ trưởng, để có một doanh nghiệp nước ngoài hoặc tư nhân vươn lên kiểu như Viettel là vô cùng khó. Nhưng cần phải huy động mọi nguồn lực tham gia thị trường và không có cách nào hơn là phải cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Nhà nước sẽ không nắm những doanh nghiệp không quan trọng với an ninh quốc gia, lợi ích công cộng, mà để các thành phần kinh tế khác tham gia.
“Tôi nghĩ, chỉ cần quan tâm 3 - 4 doanh nghiệp chủ lực, trong đó một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, có thể là Viettel; 1 - 2 doanh nghiệp cổ phần, cụ thể VNPT có thể cổ phần hóa, và một doanh nghiệp tư nhân”, TS. Mai Liêm Trực nói và cho rằng, nếu ý chí Nhà nước không đủ mạnh để quyết tâm làm thì vài ba năm nữa, cấu trúc trên thị trường viễn thông cũng khó thể được thay đổi.
Mạnh Chung
tbktvn
|