Thứ Tư, 02/01/2013 09:43

Vị thế nông dân

Kết thúc năm 2012, hai điểm sáng trong bức tranh suy thoái kinh tế là kiềm chế lạm phát ở mức một con số và xuất khẩu tăng cao, mà nói như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong cuộc trò chuyện cuối năm với Đại Đoàn kết, điểm sáng thứ 2 là nhờ nông nghiệp.

Năm 2012 không phải là năm đầu tiên nông dân lập công. Nhưng ở năm 2012, giữa khó khăn của đời sống kinh tế, điểm tựa nông nghiệp – nông dân sáng rõ hơn bao giờ hết. Không phải chỉ ở điểm sáng thứ 2 mà ngay cả trong kiềm chế lạm phát, nguồn cung nông sản thực phẩm dồi dào là điểm tựa chính để giá cả không tăng cao. Trong khó khăn, nông dân nhận về mình phần thiệt thòi với phần thu nhập ít ỏi vì giá xăng, giá điện, giá nước, giá phân bón, giá học phí…tăng nhưng thịt, rau, gạo thì vẫn vững giá.

Ông Vũ Khoan vừa hồ hởi: "Bà con nông dân lại trổ tài, chứ không có nền nông nghiệp này, không có bà con nông dân thì tình hình kinh tế còn xấu hơn nữa”, vừa xót xa: "Khi kinh tế phát triển họ cũng chả được hưởng bao nhiêu thành quả, còn khi khó họ lại giơ lưng ra đỡ. Số kiếp người nông dân vẫn là khổ! Xuất khẩu nông sản mà được là các doanh nghiệp được chứ dân được là bao”.

Trong buổi chiều cuối năm, nghe nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói những lời day dứt: "Nông thôn Việt Nam lạ thế. Cứ hễ bom đạn bão bùng thì lại chạy về. Hễ khó khăn lại chạy về nông thôn là êm hết”. Để thấy đã kết thúc chiến tranh, nông thôn vẫn là "nơi sơ tán”, là "hầm trú ẩn”. Suy thoái kinh tế lại chạy về nông thôn, "chăn mấy con gà, con vịt”, "trồng một ít rau” là "êm”. Tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam chả ai thấy nghiêm trọng so với những con số ở các nước Châu Âu, nước Mỹ công bố là bởi mất việc thì chạy về nông thôn, vậy là "êm”.

Nhưng nhìn lại, suốt những năm qua, nhất là những năm nền kinh tế tăng trưởng mạnh, nông nghiệp – nông dân được "đối xử” thế nào? Trong khó khăn, người ta thấy giá trị của đất đai làm ra hạt gạo (để xuất khẩu giữ được mức cao như năm nay), nhưng vừa mới năm ngoái, năm kia, chỗ nào làm được thành chung cư, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, resort, sân golf, thủy điện…là lập dự án, bất chấp đất đai bờ xôi ruộng mật. Khi sức mua của thị trường lớn, người ta nhập khẩu từ cái tăm đến thịt gà, thịt lợn…không cần biết bất lợi cho nông sản nội thế nào.

GS Nguyễn Văn Thuận – người triển khai những dự án thực phẩm chất lượng cao, đã quyết định từ Hàn Quốc trở về Việt Nam làm việc vào năm tới – từng kinh ngạc: "Thật đau lòng khi biết một đất nước nông nghiệp mà phải nhập mỗi năm hàng trăm tấn gà từ một nước có nền kinh tế chính là công nghiệp như Hàn Quốc”…

Chúng ta đã làm gì cho nông dân trong những năm qua? Hay vẫn để nông thôn mãi mãi chỉ là nơi lúc nào mệt mỏi, khó khăn thì về "trú ẩn”. Báo cáo về xuất khẩu mỗi năm đều là những con số đẹp nhưng người hưởng lợi lại không phải nông dân.

Chủ trương, chính sách về nông nghiệp – nông thôn – nông dân những năm qua đã có. Nhưng trong thực tế, vẫn là một khoảng cách xa vời. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới hay những chính sách giảm nghèo chỉ có thể bền vững nếu nhận thức và dân trí ở khu vực nông thôn được nâng lên. Bởi vì một phần những thiệt thòi mà họ đang phải chịu như bị ép giá nông sản hoặc chạy theo lợi nhuận trước mắt để gom lá sắn, móng trâu, bắt đỉa v.v…bán cho Trung Quốc xuất phát từ chính nhận thức.

Mặt khác trong đầu tư, chúng ta đã không đầu tư nhiều cho nông nghiệp. Vấn đề lớn, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài là định vị nông nghiệp ở đâu trong một nước Việt Nam công nghiệp hóa và định vị được nông nghiệp Việt Nam trên toàn cầu.

GS Nguyễn Văn Thuận từng phát biểu: "Chúng ta có quyền mơ ước một ngày nào đó một con bò của Việt Nam sẽ tạo ra hàng chục ngàn đến hàng trăm triệu USD mỗi năm thông qua thực phẩm chất lượng cao và dược phẩm cho người như dự án mà tôi đã và đang thực hiện tại Hàn Quốc”. Chúng ta trân trọng và cùng nuôi những giấc mơ như thế cho nông nghiệp Việt Nam.

Năm 2012, nông dân lại trổ tài để giúp nền kinh tế đỡ khó khăn. Nhưng phải thấy được cuộc sống cực kỳ khó khăn và những thiệt thòi ở khu vực nông thôn mà lý do có thể có cả phần chủ quan từ chính họ. Và dứt khoát, nông thôn – nơi mỗi khi mệt mỏi ta tìm về - phải có một vị thế khác, trên bước đường phát triển của đất nước thực hiện công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Đó không phải là ước mơ quá xa xôi vào những ngày đầu năm này.

Cẩm Anh

Đại Đoàn Kết

Các tin tức khác

>   DN khốn đốn vì bị truy thu thuế (02/01/2013)

>   Xuất ngoại tìm thuốc cứu... cá tra (02/01/2013)

>   Giá xăng tăng dưới 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp được tự quyết? (02/01/2013)

>   Ngưng bán hàng miễn thuế ở cửa khẩu Mộc Bài (02/01/2013)

>   Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 đạt 989.300 tỉ đồng (02/01/2013)

>   Giá nước tại TPHCM tăng từ 400-1.700 đồng/m3 (02/01/2013)

>   Doanh nghiệp thủy sản thận trọng khi nhận đơn hàng cho 2013! (01/01/2013)

>   Lần đầu hụt thu ngân sách, Đà Nẵng 'lộ' kế sách vượt 'bão' (01/01/2013)

>   Nhà máy bao bì chuẩn GMP sắp hoạt động (01/01/2013)

>   Tăng nhanh tổng cầu cho nền kinh tế (01/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật