Thứ Tư, 02/01/2013 08:49

Xuất ngoại tìm thuốc cứu... cá tra

Trong tình hình ngành nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn ở nước ta, vừa qua, 11 nông dân cùng với ba chuyên gia Việt Nam đã được cử sang Hàn Quốc để học nghề theo chương trình “Chia sẻ kiến thức kinh doanh hợp tác xã thuỷ sản Hàn Quốc và chính sách công nghệ thuỷ sản cho Việt Nam” do tổ chức quốc tế hợp tác xã Thuỷ sản tài trợ.

Chế biến, xuất khẩu èo uột khiến nghề nuôi đi vào ngõ cụt.

Trở về sau chuyến đi, không nông dân nào phải báo cáo kết quả “thu hoạch”, nên những nông dân ở miền Tây Nam bộ với mớ tài liệu hoàn toàn bằng tiếng Anh chỉ còn biết hào hứng kể lại với những người thích chia sẻ về những điều mà họ đã thấy…

Bài học từ Hàn Quốc

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thuỷ sản Châu Phú (An Giang) nhận định: “Đối với công nghệ của Hàn Quốc thì còn lâu nước mình mới đuổi kịp! Họ có thể đặt lồng nuôi thuỷ sản cao cấp ngay trên mặt biển mà không hề sợ bão nhờ vào những trang bị kỹ thuật hết sức hiện đại. Về cách làm của họ thì còn rất nhiều điều mình cần phải học hỏi”. Ông Nguyên kể, ở Hàn Quốc, mỗi khi có bão, bè nuôi thuỷ sản được dìm sâu xuống nước và họ sử dụng máy cung cấp oxy cho vật nuôi; sau khi bão tan, bè nuôi lại được điều khiển nổi lên trở lại… Tất cả mọi việc đều được điều khiển bằng máy móc. Qua phiên dịch, một chuyên gia Hàn Quốc hỏi ông Nguyên về cách tổ chức sản xuất và tiêu thụ, cũng như giá cả của con cá tra ở xứ ông. Sau khi ông Nguyên trả lời, chuyên gia này nói một cách tế nhị: “Hàn Quốc có rất ít đồng bằng, đất trồng trọt cũng không nhiều, nên nếu làm ăn giống như các bạn Việt Nam, nông dân sẽ nghèo mãi!”

Theo ông Nguyên, kinh tế thuỷ sản của Hàn Quốc thiên về đánh bắt thuỷ sản và nuôi trồng các loại rong biển phục vụ công nghệ chế biến các sản phẩm cao cấp. Do vậy, họ đánh thuế 50% giá xăng dầu và dùng nguồn thu này hỗ trợ lại cho ngư dân của họ. Tuy nhiên, muốn được hưởng hỗ trợ từ những chính sách này, người sản xuất phải là xã viên của các HTX có quy mô theo quy định. Lãi suất vay vốn tín dụng của xã viên HTX cũng chỉ bằng khoảng 50% các khách hàng khác. Nhưng nếu xã viên không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, HTX sẽ cho vay tín chấp với lãi suất thấp hơn ngân hàng, với mục tiêu giúp xã viên này vượt khó.

“Xã viên HTX ở Hàn Quốc muốn bán được sản phẩm của mình làm ra phải thông qua HTX, bởi vì không nhà thương mại nào chấp nhận giao dịch với cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc HTX chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm của đội ngũ xã viên, đổi lại, sản phẩm bán ra, xã viên phải chịu phí uỷ thác 4,5% để tạo nguồn vốn lưu động cho HTX”, ông Nguyên kể.

Là cá nhân duy nhất của Việt Nam được tổ chức quốc tế HTX Thuỷ sản trao tặng giải thưởng HTX xuất sắc nhất ở Việt Nam vì sự phát triển khu vực, ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm HTX Thuỷ sản Thới An (quận Ô Môn – thành phố Cần Thơ), hết sức ngưỡng mộ cách thức tổ chức sản xuất của Hàn Quốc, và đã thẳng thắn thừa nhận: “Quan hệ sản xuất ở nước mình đang kìm hãm năng lực phát triển của lực lượng sản xuất. Ở Hàn Quốc, tất cả các loại hình kinh tế thuỷ sản đều hoạt động theo mô hình HTX. Phương thức này có nhiều ưu điểm mà khi ứng dụng nó, Nhà nước sẽ quản lý tốt về mọi phương diện: hoạch định, tổ chức sản xuất; điều tiết sản lượng, chất lượng hàng hoá, chính sách giá cả... và đương nhiên là phải kèm theo nhiều chính sách hỗ trợ”.

Hợp tác xã có xác nhưng… thiếu hồn

Ở Việt Nam, do làm ăn thiếu tổ chức, không chuyên nghiệp, quy hoạch không theo kịp đà phát triển sản xuất của người dân, nên hậu quả thường là nông dân bị quy kết phát triển tràn lan không theo quy hoạch; còn đối với những quy hoạch được công bố rạch ròi thì lại không đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Hải cho rằng, HTX ở Việt Nam đa phần chỉ là cái xác mà thiếu cái hồn, không có pháp nhân đầy đủ để hỗ trợ nhiều mặt cho xã viên khi cần. Tuy vậy, “Những HTX làm ăn được ở xứ mình chỉ thua các doanh nghiệp nhà nước về tiêu chí giàu sang, nhưng lại hơn hẳn doanh nghiệp nhà nước ở chỗ là họ đàng hoàng về tài chính”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, ở Việt Nam, do làm ăn thiếu tổ chức, không chuyên nghiệp, quy hoạch không theo kịp đà phát triển sản xuất của người dân, nên hậu quả thường là nông dân bị quy kết phát triển tràn lan không theo quy hoạch; còn đối với những quy hoạch được công bố rạch ròi thì lại không đạt hiệu quả. “Thử hỏi cả nước có bao nhiêu vùng, dự án quy hoạch thu hồi đất nông nghiệp để tổ chức thành những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong khi quy hoạch lấy đất nông nghiệp giao cho công nghiệp, thương mại, đô thị… thì rất nhiều, nhưng trong số này, có không ít diện tích không phát huy hiệu quả, thậm chí còn bỏ hoang!”, ông Hải đặt vấn đề.

Ông Nguyên cho biết: “Hệ số chuyển hoá thức ăn của các loài thuỷ sản (lượng thức ăn cần thiết để nuôi được 1kg cá thịt) là nhỏ nhất so với các loài vật nuôi khác, là lợi thế đầu tiên cần ưu tiên đầu tư”. Theo ông Nguyên, từ nay tới giữa năm 2013, một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng đủ để sàng lọc, tổ chức lại ngành hàng cá tra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới nghề nuôi có điều kiện.

Ông Hải ao ước: “Mô hình HTX ở Hàn Quốc rất phù hợp nếu được đem về áp dụng thí điểm cho nghề nuôi cá tra ở vùng đồng bằng mình”. Tuy nhiên, ông Hải vẫn còn nhiều băn khoăn, bởi lẽ, mô hình này phải được xây dựng trên hàng loạt những chính sách cần thiết. Trước mắt, theo ông Hải, cần nên tháo gỡ vốn cho người sản xuất, chế biến xuất khẩu… bằng cách cho vay theo khung lãi suất ưu đãi, dù mức lãi suất hiện tại đã giảm còn khoảng 12%. Bên cạnh đó, cần thiết triển khai quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch để kiểm soát tốt hơn về chất lượng, sản lượng nguyên liệu, cũng như hoạt động chế biến và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Tháng 1.2013 sẽ ra mắt Hiệp hội Cá tra Việt Nam

Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ tổ chức đại hội và ra mắt trong tháng 1.2013. Ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch hiệp hội Nghề nuôi và chế biến cá tra tỉnh An Giang (AFA), thành viên Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: Tổ chức này có nhiệm vụ tạo nên sự đồng thuận, gắn kết giữa người sản xuất cá giống, doanh nghiệp sản xuất thức ăn nuôi, doanh nghiệp thuộc thú y thuỷ sản, người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hình thành một chuỗi liên hoàn có tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích một cách công bằng hơn. Với định hướng đó, trong đại hội lần đầu này, Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ bầu ra ban (hoặc hội đồng) Điều hành xuất khẩu để thông qua đó, cùng với các cơ quan chức năng khác thực hiện việc kiểm soát, ổn định chất lượng, giá nguyên liệu cũng như sản phẩm xuất khẩu… hướng tới mục tiêu bền vững cho cá tra Việt Nam, bảo vệ tốt môi trường vùng nuôi. Muốn được như vậy, tổ chức này kêu gọi sự hợp tác của từng đối tác có liên quan và sự hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách từ nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương.


Ngọc Tùng

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Giá xăng tăng dưới 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp được tự quyết? (02/01/2013)

>   Ngưng bán hàng miễn thuế ở cửa khẩu Mộc Bài (02/01/2013)

>   Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 đạt 989.300 tỉ đồng (02/01/2013)

>   Giá nước tại TPHCM tăng từ 400-1.700 đồng/m3 (02/01/2013)

>   Doanh nghiệp thủy sản thận trọng khi nhận đơn hàng cho 2013! (01/01/2013)

>   Lần đầu hụt thu ngân sách, Đà Nẵng 'lộ' kế sách vượt 'bão' (01/01/2013)

>   Nhà máy bao bì chuẩn GMP sắp hoạt động (01/01/2013)

>   Tăng nhanh tổng cầu cho nền kinh tế (01/01/2013)

>   Tái cấu trúc toàn diện (01/01/2013)

>   Petronas Dagangan mua hai công ty dầu khí của VN (01/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật