Thứ Tư, 02/01/2013 14:22

Vẽ lại bức tranh doanh nghiệp nhà nước

Hình hài mới của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ rõ nét hơn trong năm 2013 với những thông điệp quyết tâm của Chính phủ ngay từ đầu năm. Tuy vậy,chặng đường này vẫn còn nhiều thách thức.

Sắp lại chỗ

Sự trở về của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam với ngôi nhà Bộ Thông tin và Truyền thông trong cái tên mới là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) vào ngày đầu tiên của năm 2013 được coi là một chỉ dấu tốt.

Tổng công ty Bưu chính Việt Nam

Gọi là tốt, bởi theo ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), sự kiện này đã kết thúc quá trình chia tách kéo dài tới 10 năm, với các bước thận trọng, thậm chí có cả mò mẫm, về bộ máy tổ chức và nguồn lực, đảm bảo Vietnam Post “ra riêng” một cách hanh thông. Nhất là khi, năm 2013 sẽ là năm cuối Vietnam Post được nhận trợ cấp công ích trực tiếp bằng tiền của Nhà nước, chính thức song hành với VNPT bước vào môi trường kinh doanh theo hướng áp đặt đầy đủ kỷ luật và nguyên tắc thị trường.

Có nghĩa, Vietnam Post sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức, đó là cạnh tranh trực tiếp tăng, sự hậu thuẫn của người anh em VNPT giảm, tình hình kinh tế 2013 được dự báo chưa thực sự thuận lợi… Nhưng, điểm quan trọng là mục tiêu tổng lợi nhuận năm 2013 của Vietnam Post là 45,5 tỷ đồng, tăng 7% so với dự kiến thực hiện năm 2012, dù được cho là không dễ dàng, song đó sẽ là kết quả của cạnh tranh và sáng tạo.

Cái khó của nhiều DNNN khi bảo vệ kết quả kinh doanh của mình vào thời điểm này là đối mặt với những thông tin về các con số nợ xấu, lỗ - lãi nhập nhèm, những thông tin về những hậu thuẫn không thành văn từ chính sách. Ngay cả VNPT, theo người trong cuộc Phan Hoàng Đức, cho dù 10 năm qua, khoảng đầu tư từ ngân sách cho VNPT chỉ khoảng 40 tỷ đồng, các hoạt động khác, kể cả chi phí đầu tư cho hai vệ tinh Vinasat 1 và 2, đều là các khoản vay thương mại, song cách nhìn “lãi nhờ đi trên đôi chân nhà nước” vẫn rất lớn.

Tất nhiên, lỗi lớn thuộc về cơ chế và tư duy về mục tiêu mà Nhà nước đang đặt lên vai các DN của mình. Hầu hết các tập đoàn nhà nước đều đang đi bằng rất nhiều chân: chân công ích, chân mở đường, chân kiếm tiền, chân làm trách nhiệm xã hội…

Câu chuyện lỗ, lãi nhùng nhằng bao năm của EVN, Petrolimex… cũng có nguyên do gốc gác từ đây. Hay trong Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), mục tiêu đầu tư để giảm lượng sản phẩm xuất thô, tăng sản phẩm tinh chế trong năm 2013 cũng đang vấp phải khó khăn khi nhiều sản phẩm công nghiệp cao su lại thuộc vòng quản lý của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG thừa nhận, sẽ rất khó cho họ khi có những sản phẩm cạnh tranh nhau.

Vì vậy, cuộc chia tách bưu chính - viễn thông dù chưa thực sự đạt được mong muốn là tách công ích - kinh doanh một cách trọn vẹn, song cũng đã cất đi gánh nặng trách nhiệm cho một DN bị giao vai chủ sở hữu nhà nước một DN. Với VNPT, cơ hội nhìn thấy ngay, đó là khả năng tăng doanh thu cho VNPT trong năm 2013 khi chỉ còn lại nhiệm vụ kinh doanh chính trong lĩnh vực viễn thông, vốn là nền tảng đưa Tập đoàn trở thành điểm sáng của nền kinh tế năm 2012 với vị trí Top 10 DN nộp thuế lớn nhất.

Bài toán hiệu quả

Tất nhiên, theo ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, những thay đổi của VNPT, Vietnam Post hay vài tháng trước là sự trở về tên gọi tổng công ty của hai tập đoàn Sông Đà và HUD chỉ là bước đầu trong các mục tiêu được Chính phủ đặt ra cho tái cơ cấu DNNN năm 2013. Đó là, tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, tổ chức sở hữu, sản xuất, tái cơ cấu tài chính và đổi mới quản trị DN.

Với mục tiêu này, theo ông Muôn, các đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty và DNNN sẽ được Chính phủ hay các bộ, ngành, địa phương trong phê duyệt trong đầu năm 2013. Cùng với đó, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các nghị định điều lệ tổ chức và hoạt động của 8 tập đoàn kinh tế nhà nước và 5 tổng công ty nhà nước được ban hành; điều lệ của các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% thuộc các bộ phải hoàn tất, chấm dứt khoảng trống pháp lý mà các DN vừa tiến hành sắp xếp lại phải chờ đợi suốt những tháng cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, các cơ chế quan trọng, như giao nhiệm vụ và tham gia thực hiện cung cấp và bảo đảm các sản phẩm, dịch vụ công ích, thiết yếu của nền kinh tế; cơ chế quản lý tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ; chế độ quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn…, chế độ về tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các quyền lợi khác của chủ tịch, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty… sẽ được các bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý I/2013.

Như vậy, nếu năm 2012 với các DNNN là một năm khá nặng nề với những sự chuẩn bị cả về cơ chế, xác định định hướng, con đường phải đi, thì sự chuyển dịch của khu vực DNNN năm nay sẽ rốt ráo và được kiểm soát đúng định hướng ngay từ đầu. Nhất là khi sự phân công, phân định trách nhiệm mới về chủ sở hữu nhà nước với DNNN cho các bộ, ngành, địa phương đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2012.

Khánh An

đầu tư

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gạo ảm đạm sau năm lập kỷ lục (02/01/2013)

>   Những dự án xài tiền như rác! (02/01/2013)

>   Từ định hướng “vùng kinh tế” đến chính sách cho cụm công nghiệp (02/01/2013)

>   PMI tháng 12 bất ngờ sụt giảm (02/01/2013)

>   Vị thế nông dân (02/01/2013)

>   DN khốn đốn vì bị truy thu thuế (02/01/2013)

>   Xuất ngoại tìm thuốc cứu... cá tra (02/01/2013)

>   Giá xăng tăng dưới 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp được tự quyết? (02/01/2013)

>   Ngưng bán hàng miễn thuế ở cửa khẩu Mộc Bài (02/01/2013)

>   Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 đạt 989.300 tỉ đồng (02/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật