Những dự án xài tiền như rác!
Một trong những điển hình là Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn, vốn đầu tư 674 tỉ đồng. Do thiếu năng lực tài chính nên nhà thầu Trung Quốc rút toàn bộ công nhân về nước khiến dự án phơi nắng dầm mưa cả năm nay
Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn nằm trên địa bàn xã Quế Trung, huyện Nông Sơn - Quảng Nam, có tổng vốn đầu tư 674 tỉ đồng do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.
Kỳ vọng và hứa lèo
Theo thiết kế, Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn có công suất 30 MW, sản lượng điện trên 150 KWh/năm. Kỳ vọng đặt ra khi nhà máy đi vào hoạt động, các mỏ than ở Nông Sơn sẽ được sử dụng đạt chuẩn hơn, bởi trước đây hàm lượng lưu huỳnh trong than ở đây cao nên nhiệt lượng than thấp. Bên cạnh đó, khi nhà máy hoạt động sẽ là nơi cung cấp điện cho lưới điện quốc gia; tạo công ăn việc làm, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thế nhưng, sau gần 4 năm thi công, trở lại Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn vào những ngày cuối năm 2012, trước mắt chúng tôi là một khối sắt khổng lồ đang bắt đầu hoen gỉ do phải chịu cảnh phơi nắng dầm mưa. Bên trong nhà máy không một bóng công nhân. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn có nhiều hạng mục, trong đó gói thầu số 6 (xây dựng nhà máy nhiệt điện) là quan trọng nhất, được khởi công từ tháng 3-2008, với vốn đầu tư 529 tỉ đồng; đơn vị trúng thầu là Tổng Công ty Thiết bị nặng Trung Quốc (CHMC). Khi trúng thầu, đơn vị này khẳng định sẽ hoàn thành, đưa nhà máy vào sử dụng giữa tháng 4-2010 nhưng đến nay đã trễ hẹn gần 3 năm, nhà máy vẫn chưa nên hình hài.
Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn mới thi công được 56% khối lượng, nay bỏ dang dở
|
Theo ông Mai Xuân Hạ, Chánh Văn phòng Công ty CP Than - Điện Nông Sơn (đơn vị trực tiếp quản lý nhà máy), tính đến thời điểm này, tiến độ thi công tổng thể của dự án mới chỉ được 56%, trong đó phần xây dựng đạt 71%; lắp đặt lò hơi, tua - bin và BOP (hệ thống phụ trợ) 36%; lắp đặt thiết bị điện 43%; hệ thống điện điều khiển 26%.
Nếm quả đắng vì mê thầu… giá rẻ
Lý giải về việc chậm tiến độ, ông Mai Xuân Hạ cho rằng do khủng hoảng kinh tế năm 2008 khiến giá vật liệu, thiết bị tăng cao, gây khó khăn về tài chính cho nhà thầu. Hơn nữa, do ảnh hưởng cơn bão năm 2009 nên toàn bộ công trường bị ngập lụt làm nhiều thiết bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, do nhà thầu chính là CHMC điều hành công việc không tốt, việc phối hợp giữa nhà thầu chính và các nhà thầu phụ chưa đồng bộ, thiếu nỗ lực trong thi công và luôn trong tình trạng thiếu hụt về tài chính, do đó không thanh toán kịp thời cho các nhà thầu phụ, dẫn đến tranh chấp làm cản trở thi công.
Đến tháng 4-2012, nhà thầu CHMC dừng thi công hẳn và rút toàn bộ trên 300 công nhân trực tiếp thi công về nước nên công trình phải đắp mền “ngủ đông”. Trước khi đưa công nhân về nước, nhà thầu CHMC đưa ra đề xuất điều chỉnh một số nội dung của hợp đồng gói thầu số 6, chủ yếu là điều chỉnh về giá.
Tuy nhiên, theo ông Hạ, một số điều kiện mà nhà thầu đưa ra không phù hợp với các điều khoản hợp đồng đã ký. Hiện Công ty CP Than - Điện Nông Sơn cùng các cấp và nhà thầu CHMC làm rõ các khoản mà nhà thầu đề nghị điều chỉnh giá để làm cơ sở báo cáo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam xem xét, quyết định.
Sở dĩ nhà thầu CHMC của Trung Quốc thắng gói thầu số 6 là do bỏ thầu rẻ. Vì ham rẻ nên chủ đầu tư phải ngậm “quả đắng” như ngày hôm nay.
Nhiều hệ lụy
Nhà máy có tổng vốn đầu tư 674 tỉ đồng phơi nắng không chỉ gây lãng phí lớn mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho địa phương. Đường dây điện có chiều dài 18 km nối từ Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn đến hệ thống lưới điện quốc gia do Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đầu tư đã hoàn thiện, nay lại phải bỏ không. Đặc biệt, hơn 100 lao động từ bậc trung cấp đến đại học ở Nông Sơn đã được tuyển dụng và đưa đi đào tạo chuyên ngành nhiệt điện để về làm việc cho nhà máy hiện phải chịu cảnh thất nghiệp.
Ông Nguyễn Kim Dũng, Chủ tịch UBND xã Quế Trung, cho biết trước đây gần 70 hộ dân tại thôn Nông Sơn có trên 30 ha đất nông nghiệp trồng lúa, hoa màu và là thu nhập chính của họ hằng năm. Nhưng những năm gần đây, do việc khai thác than ở mỏ ngày một nhiều, gây bồi lấp cộng thêm việc phải nhường đất để xây nhà máy nhiệt điện nên hiện tại, diện tích đất sản xuất đã thu hẹp chỉ còn khoảng 15 ha.
Trong khi đó, việc khai thác than gây ô nhiễm còn góp phần làm cho lúa, hoa màu phát triển chậm, hiệu quả sản xuất thấp. “Huyện đang hối thúc Công ty CP Than - Điện Nông Sơn đốc thúc nhà thầu hoặc tìm nhà thầu khác gấp rút triển khai xây dựng để đưa nhà máy vào hoạt động, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - ông Huỳnh Tấn Triều, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, cho biết.
Đầu tư 200 tỉ đồng, bán chưa đến 50 tỉ đồng
Cũng tại tỉnh Quảng Nam, một dự án “khủng” khác là Nhà máy Đường Quảng Nam nằm trên địa bàn xã Quế Cường, huyện Quế Sơn (thuộc Tổng Công ty Mía đường II - Bộ NN-PTNT), có tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng. Sau 5 năm đi vào hoạt động, đến năm 2008, nhà máy này buộc phải đóng cửa vì thua lỗ và nợ ngân hàng trên 356,17 tỉ đồng. UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định thu hồi tổng diện tích 78.760 m2 đất cho thuê xây dựng nhà máy, phân xưởng sản xuất, nhà khách, nhà nghỉ. Cuối cùng, sau hơn 1 năm bị bỏ hoang, máy móc bị gỉ sắt nên phải bán thanh lý toàn bộ nhà máy với giá 47,68 tỉ đồng.
|
Hoàng Dũng
Người lao động
|