Thứ Tư, 02/01/2013 17:10

Chính sách công nghiệp 

20 năm đã qua và mục tiêu của 2020

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hoá. Thế nhưng, theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) từ những năm 1990, nhất là sau năm 2000, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hoá được các nhà lãnh đạo lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Thế nhưng, như thế nào là “cơ bản”, là “theo hướng hiện đại” lại không có bộ tiêu chí nào để xác định, điều đó khiến ông nhận định rằng đó là một định hướng vẫn còn mơ hồ.

Nhìn lại chính sách công nghiệp là nội dung bàn tròn do Sài Gòn Tiếp Thị vừa tổ chức với sự tham gia của các nhà kinh tế, doanh nghiệp, quản lý.

Công nghiệp hoá không chỉ là mục tiêu, quan trọng là cách làm

Theo tính toán của tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, sớm nhất là năm 2030 nước ta mới đạt được trạng thái như Malaysia hiện nay về giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị gia tăng, trình độ công nghệ nhưng họ cũng chưa nhận họ là nước công nghiệp.

Tiến sĩ Tự Anh cũng nhìn vào nội dung – xuất phát điểm thấp và đang có xu hướng đi xuống của công nghiệp trong nước. Dù lấy mốc những năm trước 2010, khi nền kinh tế chưa gặp khủng hoảng, thì dù tốc độ tăng trưởng của giá trị sản xuất công nghiệp ở mức cao, 13 – 14%, đó cũng chỉ đơn thuần phản ánh sự tăng trưởng về mặt số lượng. Tăng trưởng về chất lượng đã không tương ứng, lại còn giảm.

Nếu như năm 1995, tỷ lệ giá trị gia tăng/giá trị sản xuất công nghiệp là 35/100, thì hiện nay chỉ còn 18 – 20/100. Trong cấu trúc hàng hoá xuất khẩu, tỷ lệ có hàm lượng công nghệ cao rất thấp, chỉ 8 – 10%, nhưng đó cũng không thực sự cao, khi mà công đoạn nước ta làm chỉ là gắn con chip, như đối với thiết bị y tế công nghệ cao mà khu chế xuất Tân Thuận xuất được. Một thực tế khác, là công nghiệp nước ta rất thâm dụng nhập khẩu, biểu hiện ở tình trạng nhập siêu triền miên đối với máy móc, nguyên liệu; hay ở thành tích xuất siêu mấy tháng đầu năm có nguyên nhân sản xuất trong nước đình đốn do kinh tế khó khăn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương) dẫn lời cựu lãnh đạo bộ Kế hoạch và đầu tư đã tính toán để minh chứng cho khả năng thành công và kết quả của mục tiêu công nghiệp hoá mà ông ta hoạch định: theo vị cựu lãnh đạo này, nếu tăng trưởng công nghiệp đạt 11 – 20% thì đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người sẽ là 4.800 USD.

Ông Doanh bình luận, nếu đúng vậy thì vẫn chưa đạt được mức 6.800 USD để được thế giới công nhận là nước công nghiệp. Còn nếu quy đổi con số 4.800 USD đó ra trung bình sức mua (PPP) để được con số cao hơn thì đó là việc tự mình dùng một cái thước đo khác với thế giới. Ông Doanh còn nghi ngờ, thực tế thì làm sao có được con số tăng trưởng đó. Cho nên, kế hoạch năm năm lần này cũng như mục tiêu đến năm 2020, theo ông là sẽ… phá sản.

Nhìn lại để điều chỉnh chính sách công nghiệp, không chỉ ở mục tiêu mà quan trọng là cách làm, cần có một cái thấu nhìn hiểu lịch sử của nó. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân kỳ quá trình này qua cách mà những nhà làm chính sách chọn lựa để thực hiện nó. Từ 1960 – 1985, ta đã công nghiệp hoá theo kiểu kinh tế hoá tập trung. Theo đó, đã “nỗ lực một cách tốn kém” để xây dựng những nhà máy chơ vơ giữa một vùng nông thôn lạc hậu, mà nhà máy gang thép Thái Nguyên, phân đạm Hà Bắc là những ví dụ tiêu biểu, mà “không quan niệm công nghiệp hoá là sự phát triển của toàn xã hội từ thấp đến cao, trong đó có yêu cầu phát triển vốn, cơ sở hạ tầng, giáo dục – đào tạo nhân lực, cải cách an sinh xã hội…

Từ năm 1986, ta đã có những điều chỉnh nhất định để nông nghiệp giữ vai trò hợp lý hơn. Thế nhưng, thói quen phong trào, duy ý chí khiến địa phương nào cũng đòi công nghiệp hoá, trong điều kiện không có nguồn lực thì chỉ còn cách khai thác tài nguyên, công nghiệp hoá cho đến nay gần như đồng nghĩa với việc khai thác tài nguyên. Từ năm 1990, khi Liên Xô sụp đổ, thì đầu tư nước ngoài đóng vai trò dẫn dắt. Nhận định “đó là một sự cần thiết mang tính lịch sử để phá vỡ thế bao vây cấm vận” nhưng cho đến nay, ông Doanh cho rằng chiến lược công nghiệp hoá đó đã lạc hậu...

Hiện đại hoá khái niệm công nghiệp hoá

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải cập nhật lại khái niệm công nghiệp hoá, công nghiệp hoá đồng nghĩa với hiện đại hoá, đặt nó trong bối cảnh thế kỷ 21, của sáng tạo, không coi nặng sản xuất sản phẩm mà cần quan tâm đến cả phát triển dịch vụ. Công nghiệp hoá bây giờ là phải đặt trong một hệ thống, đồng bộ, hướng đến một chiến lược mang tính dân tộc, trong đó cần hiện đại hoá cả thể chế để phục vụ mục tiêu công nghiệp hoá. “Chúng ta cần công nghiệp hoá một cách có chủ đích, có phương án rõ ràng, phát huy nội lực để xây dựng thương hiệu lớn đại diện cho đất nước”, ông Doanh nói.

Ông phân tích: sản xuất phải gắn với khâu phân phối, tiêu thụ. Tài chính phải độc lập để tự nó nuôi nó được. Dự báo, phòng ngừa rủi ro là việc rất cần thiết nhưng theo ông, như trong lĩnh vực quản lý thị trường, bộ Công thương hiện chỉ có một biện pháp là xây dựng hàng rào thuế quan mà cũng làm không rốt ráo, rào lủng thì hàng hoá các nước tự do tràn vào. Năm 2015, hiệp định thương mại tự do Asean – Trung Quốc có hiệu lực, 90% hàng công nghiệp Trung Quốc chỉ bị thuế suất 0 – 5%, nhưng không thấy ai báo động đủ mức. Ta không chỉ cần một hàng rào kỹ thuật mà còn cần một bộ máy có hiệu lực để thực hiện rào cản đó. Câu chuyện quy hoạch cũng được ông Doanh nhắc như một phần của chính sách công nghiệp hoá. Ông cho rằng quy trình làm quy hoạch hiện nay thể hiện lợi ích nhóm. Các bộ nhận lệnh từ Chính phủ rồi giao cho viện Chiến lược chính sách công nghiệp, viện này gọi các tập đoàn kinh tế nhà nước lên bảo làm. Các tập đoàn chăm bẵm lợi ích cho mình vì ông nào chui vô được quy hoạch thì được ưu đãi.

Bối cảnh cũng là lưu ý của tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khi nói về việc xây dựng lại chiến lược công nghiệp hoá. Khi ta bắt đầu lại mạnh mẽ chiến lược công nghiệp hoá, với lực lượng nòng cốt là các tổng công ty 90, 91 (thành lập từ năm 1994) và các tập đoàn kinh tế nhà nước (thành lập từ năm 2005), ta ở trong bối cảnh khác với Hàn Quốc, Đài Loan. Họ công nghiệp hoá khi các quy định của WTO chưa ràng buộc nên có thể bảo hộ cho doanh nghiệp nước họ, như Hàn Quốc bảo hộ rất mạnh cho ngành thép. Điều đó có nghĩa là dư địa chính sách để tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp trong nước không còn như trước, ta phải cạnh tranh bình đẳng hơn rất nhiều. Thế nhưng, theo ông Tự Anh, Nhà nước vẫn có thể tạo điều kiện một cách gián tiếp thông qua bình ổn vĩ mô để doanh nghiệp có thể có tầm nhìn xa, xây dựng cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động tốt, thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi với chi phí thấp, chống hàng lậu, hàng giả… Những điều mà nếu không khắc phục kịp thời, theo cảnh báo của ông Cao Tiến Vị (chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần giấy Sài Gòn), thì chỉ vài năm tới, người Việt Nam sẽ phải mua hàng hoá của công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam với giá cao, vì doanh nghiệp trong nước kiệt quệ, đóng cửa hay phải bán lại cho doanh nghiệp nước ngoài.

Xây dựng một nền công nghiệp mang tính dân tộc

Khi các ông chủ của khu vực dân doanh như ông Lý Ngọc Minh (tổng giám đốc công ty TNHH Minh Long chuyên ngành gốm sứ) được nhà kinh tế Vũ Thành Tự Anh nêu như một điển hình “phát triển bất chấp điều kiện chính sách của Nhà nước”, những người tham dự buổi toạ đàm biết rằng nỗ lực đổi mới công nghệ của ông đơn độc và rủi ro như thế nào. Cũng vậy, khi ông Đỗ Duy Thái (chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần thép Pomina) tự hào khoe thép Pomina của ông chiếm 2/3 sản lượng cả nước với công nghệ cập nhật, mọi người biết rằng thực tế này bất chấp việc thương hiệu thép Posco của Hàn Quốc đã và đang được những người làm chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư ra sao. Trong khi đó, ý muốn sang Indonesia đầu tư một nhà máy của ông Thái không được suôn sẻ, do chính quyền nước này ưu tiên cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.

Ta đang có một nền công nghiệp thất bại. Hình như nền công nghiệp này không có chủ. Đó là một nền công nghiệp với tư tưởng thuộc địa chứ không có tư tưởng độc lập quốc gia.

Giản Tư Trung (Hiệu trường Trường Doanh Nhân Pace)

Trong khi đó, dưới góc nhìn của các nhà kinh tế như ông tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Lê Đăng Doanh, hay Phạm Đỗ Chí, thì mục tiêu công nghiệp hoá sẽ chỉ đạt được vững chắc nếu có được nhiều nhà công nghiệp dân tộc như ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế như hiện nay, đó là yêu cầu bức thiết. Tiến sĩ Tự Anh dẫn ra những bất hợp lý khi Chính phủ đặt động lực phát triển công nghiệp vào hai trụ cột là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).Mặc dù được ưu đãi sử dụng nhiều nguồn lực, chèn ép các khu vực khác, nhất là dân doanh, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm khoảng 20 – 25% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, trong khi tỷ lệ này của khu vực dân doanh là 40% (nếu tính theo giá trị gia tăng thì chênh lệch còn lớn hơn).

Theo ông Tự Anh, doanh nghiệp nhà nước còn đang là nguyên nhân của các vấn đề kinh tế vĩ mô chứ không phải là giải pháp. Ở một góc nhìn khác, trong các nước Đông Á, chỉ có Việt Nam mới có vốn FDI đóng vai trò quan trọng đến như vậy trong tổng vốn đầu tư của xã hội. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… FDI chỉ chiếm khoảng 1 – 2 – 3% trong khi Việt Nam trong thời cực điểm chiếm đến 25 – 30%. Cho dù sự có mặt của FDI ở nước ta có tính chất lịch sử như ông Doanh nói, thì giờ đây, khu vực dân doanh đã trở nên lớn mạnh đủ đảm nhiệm sứ mệnh.

Yêu cầu dân tộc tính trong vấn đề chính sách công nghiệp còn được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn từ cách chúng ta làm chiến lược công nghiệp hoá. Trong một hội thảo do bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức, khi đại diện phía Nhật Bản cứ nói là họ đang giúp Việt Nam làm chiến lược công nghiệp cho Việt Nam theo lời mời giúp đỡ của bộ, bà đã nói thẳng: đây thực ra là chiến lược về việc Nhật Bản hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực nào. Bởi lẽ, họ đưa ra những công trình như đường cao tốc, điện hạt nhân, nhà máy thép để phục vụ cho nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.

Câu chuyện phát triển công nghiệp nhìn từ nội lực, tiềm năng thị trường của nông nghiệp, nông thôn cũng được nhiều khách mời tham gia thảo luận. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, người đang trực tiếp nuôi con tôm, con cá chỉ ra cả một ngành sản xuất công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đang bị bỏ ngỏ trên sân nhà. Đó cũng là điều mà bà Chi Lan nhìn thấy khi nói rằng “phát triển công nghiệp mà không gắn với nông nghiệp thì mất đi cơ hội của nó”. Cơ hội đó, là phục vụ cho đầu vào của nông nghiệp, nông thôn, nơi vẫn còn 70% dân số, 50% lao động. Còn dưới góc nhìn của một nhà công nghiệp như ông Thái, “con số 70%, 50% này nếu không phát triển thì công nghiệp không để làm gì, vì ở đó là sức mua”.

Nguyên Lê

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Shell Việt Nam bán kho nhựa đường cho Petrolimex (02/01/2013)

>   Vẽ lại bức tranh doanh nghiệp nhà nước (02/01/2013)

>   Xuất khẩu gạo ảm đạm sau năm lập kỷ lục (02/01/2013)

>   Những dự án xài tiền như rác! (02/01/2013)

>   Từ định hướng “vùng kinh tế” đến chính sách cho cụm công nghiệp (02/01/2013)

>   PMI tháng 12 bất ngờ sụt giảm (02/01/2013)

>   Vị thế nông dân (02/01/2013)

>   DN khốn đốn vì bị truy thu thuế (02/01/2013)

>   Xuất ngoại tìm thuốc cứu... cá tra (02/01/2013)

>   Giá xăng tăng dưới 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp được tự quyết? (02/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật