Thứ Ba, 15/01/2013 14:28

TGĐ Quản lý quỹ SSI: “Thời điểm tìm được nhiều cơ hội ở mức giá hấp dẫn”

Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2012, vốn nước ngoài vào thuần thị trường niêm yết là 300 triệu USD. Nếu tính cả vốn vào thị trường chưa niêm yết, số liệu ước đạt 1,5 tỷ USD, tính chung dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam tăng 10% so với năm 2011.

Bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM).

Việc thị trường chứng khoán tăng điểm khá mạnh thời gian gần đây có sự thúc đẩy mạnh mẽ của dòng vốn ngoại, đặc biệt là từ hai quỹ đầu tư chỉ số (ETF). Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lượng cổ phiếu trị giá 42 triệu USD trong hơn 10 ngày đầu năm nay.

Đường đi của dòng vốn ngoại sẽ tiếp diễn thế nào trong năm 2013? VnEconomy đã có cuộc trao đổi với bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), người vừa được tạp chí Asia Asset Management bình chọn là “CEO của năm” đối với ngành quản lý quỹ tại Việt Nam.

Trước hết, cá nhân bà đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay?

Tôi nghĩ, bước sang năm 2013, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục có nhiều khó khăn và khó có thể có những chuyển biến nhanh chóng. Đối với Việt Nam, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh hơn (5,5%) và lạm phát duy trì ở mức thấp hơn năm 2012, nhưng có lẽ ta chưa thể quá lạc quan về việc ổn định vĩ mô với biến số lạm phát được kiềm chế giống như năm 2012.

Tuy nhiên, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công được kỳ vọng có những diễn biến tích cực hơn.

Bà nhìn nhận thế nào về hoạt động của ngành quản lý quỹ năm qua?

Những thách thức của năm 2011 kéo dài sang năm 2012 khiến hoạt động của các công ty quản lý quỹ gặp nhiều khó khăn. Việc huy động vốn của ngành quản lý quỹ gặp khá nhiều khó khăn khi thị trường chứng khoán trầm lắng và hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều yếu kém.

Ngoài một số công ty quản lý quỹ có mức lãi khá tốt trong 2012, số công ty bị lỗ chiếm áp đảo. Một số công ty lỗ nặng và nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Ủy ban Chứng khoán do không đảm bảo được an toàn tài chính.

Trong bối cảnh đó, SSIAM vẫn quản lý hiệu quả các quỹ và danh mục đầu tư hiện có, và tìm kiếm các nhà đầu tư ủy thác mới. Tổng tài sản quản lý của SSIAM năm 2012 nhìn chung tăng hơn so với 2011, ngoại trừ việc giải thể Quỹ Tầm Nhìn của SSI vào tháng 11/2012, do vậy doanh thu của SSIAM tăng 13% so với 2011 và lợi nhuận trước thuế tăng hơn 3 lần so với năm 2011.

Liệu sự khởi sắc của thị trường chứng khoán vừa qua có là cơ sở để các quỹ đầu tư chứng khoán huy động thêm vốn ngoại trong năm nay?

Thị trường chứng khoán đã có mức tăng khá tốt từ cuối năm 2012 sang đầu năm 2013 khi các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan với các biện pháp hỗ trợ thanh khoản của thị trường. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán trong thời gian qua với mức định giá tương đối thấp cũng đã dần trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn.

Lo lắng về nền kinh tế vẫn còn đó, tuy nhiên chúng tôi vẫn đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam trong dài hạn và tin rằng đây là thời điểm nhà đầu tư có thể tìm được nhiều cơ hội đầu tư ở mức giá hấp dẫn.

Việc quỹ ETF liên tục đổ vốn vào thị trường vừa qua cho thấy họ huy động vốn khá tốt. Vậy bà có lo ngại quỹ ETF sẽ tạo sự cạnh tranh gay gắt trong việc huy động vốn ngoại vào thị trường Việt Nam?

Đầu tư vào thị trường Việt Nam có nhiều cách, và ETF chỉ là một chiến lược đầu tư. Việc huy động vốn khá tốt từ các quỹ ETF sẽ giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thị trường Việt Nam nhiều hơn và cũng phần nào giúp cho việc kể về câu chuyện phát triển ở Việt Nam dễ hơn khi đi huy động vốn ngoại.

Trong thời gian tới, nhiều quỹ đầu tư sẽ đến kỳ thoái vốn, bà có lo ngại về điều này?

Trong 2012, mọi người cũng đã lo ngại thị trường sẽ bị ảnh hưởng khi các quỹ đến kỳ thoái vốn, tuy nhiên, chuyện đấy đã không xảy ra. Ngay như việc thanh hoán Quỹ Tầm Nhìn của SSI tháng 11/2012 vừa qua đã không làm ảnh hưởng đến thị trường.

Tôi nghĩ ngành quản lý quỹ sẽ có nhiều phát triển hơn trong 2013 khi văn bản pháp lý mở đường cho các sản phẩm mới đã được ban hành như quỹ mở, hoặc sắp ban hành như quỹ ETF, quỹ hưu trí, quỹ bất động sản và công ty đầu tư chứng khoán.

Bà đánh giá thế nào về việc 2 quỹ mở vừa được cấp phép hoạt động? Liệu quy mô vốn khá nhỏ đó có thể hiện sự thiếu quan tâm của nhà đầu tư với loại hình quỹ mới này?

Cái gì cũng cần phải có thời gian để nhà đầu tư hiểu hơn. Khi các nhà đầu tư chưa có trải nghiệm đầu tư vào quỹ mở thì việc huy động quỹ ban đầu chỉ với quy mô nhỏ cũng là điều dễ hiểu.

Duy Cường

tbktvn

Các tin tức khác

>   Trưởng bộ phận phân tích BSC: “Xu hướng tăng điểm nhưng sẽ là bước đi chậm” (15/01/2013)

>   Chuyên gia nói gì về điều chỉnh biên độ? (14/01/2013)

>   Góc nhìn 15/01: Bò hay Gấu thắng thế? (14/01/2013)

>   Thị trường chứng khoán 2013 qua góc nhìn của các sếp môi giới (14/01/2013)

>   TS. Nguyễn Sơn: Tâm lý được cởi trói, chứng khoán sẽ lên (14/01/2013)

>   Tổng giám đốc BVS: 3 kịch bản cho TTCK năm 2013 (14/01/2013)

>   Góc nhìn tuần 14-18: Tạm thời án binh bất động (13/01/2013)

>   Nhận định tăng, CTCK vẫn đẩy mạnh thoát hàng (12/01/2013)

>   Lập Sở GDCK Việt Nam, hai nhân tố quan trọng (12/01/2013)

>   Ông Vũ Bằng: Sống trong thị trường phải có niềm tin! (11/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật